4 nguyên nhân khiến U22 Việt Nam bị loại khỏi bán kết bóng đá nam Sea Game 29

Cập nhật: 25-08-2017 | 13:37:54

(BDO) U22 Việt Nam (U22 VN) bị loại từ vòng bảng, không vào được bán kết, do chúng ta hòa mà như thua trước U22 Indonesia và thảm bại 0-3 trước U22 Thái Lan ở lượt đấu cuối cùng. Đó chỉ những nguyên nhân bề mặt, còn những nguyên nhân sâu xa thật sự là gì?

Thứ nhất, những người có trách nhiệm đã tính toán sai điểm rơi phong độ của U22 VN. U22 VN ôm đồm cùng lúc 2 mục tiêu là giành vé dự Vòng chung kết U23 châu Á 2018 (đã giành được nhờ vé vớt dành cho đội nhì bảng có thành tích cao) và Huy chương vàng (HCV) SEA Games 2017. Giữa hai chiến dịch này chỉ cách nhau 1 tháng (tháng 7 và 8), xen lẫn vào đó là chuyến tập huấn dài khoảng 1 tuần tại Hàn Quốc. Theo chúng tôi, điểm rơi phong độ của U22VN đã rơi vào giai đoạn vòng loại bảng I, U23 châu Á 2018 (từ 15-7 đến 23-7). Sau giải này U22 VN phải nhả khối lượng rồi lại nạp lượng vận động lớn tại Hàn Quốc cho chiến dịch SEA Games nên kết quả là nền tảng thể lực, cũng như phong độ  của U22VN không đạt như yêu cầu tại SEA Games 2017 (từ 15-8 đến 24-8). Điều này thể hiện ở hai trận đấu cuối vòng loại bảng B, U22 VN không đủ sức đua thể lực, cũng như có phong độ theo biểu đồ hình sin thấp dần đều trong 5 trận tại vòng loại bảng. Nhất là trong 2 trận đấu cuối, thể lực của U22 VN chỉ có thể thi đấu 65-70 phút trận hòa 0-0 Indonesia và trong 45 phút trận thua Thái Lan 0-3.


Với trận thua U22 Thái Lan 0-3, U22 Việt Nam (áo đỏ) đã bị loại khỏi bán kết bóng đá nam SEA Game 29

Thứ hai, sai lầm khi tập trung dài hạn, chọn quân xanh cho U22 VN. Chuẩn bị cho SEA Games 2017, U22 VN có 3 trận đấu giao hữu quốc tế, nhưng tất cả đều là “thuốc thử” kém chất lượng. U22 VN không khó để thắng dễ đội tuyển các Ngôi sao Giải bóng đá nhà nghề Hàn Quốc - có tên tuổi, nhưng thiếu ý chí, khát vọng chiến thắng. Đặc biệt, những đối thủ mà VFF lựa chọn trong chuyến tập huấn ở Hàn Quốc là quá yếu, ta thắng đậm 6-1 và 4-1 dễ dàng các CLB hạng nhì, hạng 3 của Hàn Quốc. Nhưng điều đó thật tai hại, bởi chúng ta đã không có được phép thử cần thiết từ những đối thủ trên cơ, họ sẽ giúp U22 VN bộc lộ các vấn đề, sai số của mình mà từ đó chỉnh sửa, khắc phục. Những trận thắng tưng bừng ở giai đoạn đầu vòng loại bảng B, không nói lên được rằng chúng ta thật sự mạnh, mà chủ yếu là do các đối thủ Đông Timor, Campuchia, Philippines quá yếu.

Đến khi đối đầu cùng đối thủ ngang tầm, khôn ngoan trong việc chủ động phá huỷ lối chơi của U22 VN bằng cách đá rắn, chơi quây áp theo từng khu vực thì U22VN bế tắc. Cả Indonesia và Thái Lan đều áp dụng thành công cách này để khắc chế lối chơi của U22 VN và HLV Hữu Thắng đã không có phương án dự phòng để hóa giải khi bế tắc.

Thêm nữa, việc cho các cầu thủ U22VN tập trung theo kiểu kéo dài trong suốt gần 2 tháng vừa qua, có thể nói là sai lầm của VFF và Ban huấn luyện. Ngày nay, các đội bóng trên thế giới thường chỉ tập trung ngắn hạn trong vòng tối đa 10 ngày rồi bước vào tranh tài. Thái Lan chỉ tập trung trở lại trước SEA Ganes có 7 ngày nhưng họ vẫn đoạt vé vào bán kết. Đây không phải là lần đầu tiên ta tập trung quá nhiều ngày cho một giải đấu, rồi thất bại, nhưng tại sao lại không rút được kinh nghiệm xương máu?

Thứ ba, U22 VN bị loại do “người lớn” quá cục bộ, bảo thủ, không làm tốt nhiệm vụ, vai trò của mình. Nói đến sự bảo thủ của Ban huấn luyện, ai cũng rõ là cách chọn lựa nhân sự và sử dụng cầu thủ trên sân của HLV Hữu Thắng là có vấn đề. HLV Hữu Thắng đã quá ưu ái trường hợp Tuấn Tài, Phí Minh Long cho dù lý ra nên thay thế bằng cầu thủ khác, khi họ chơi không còn đạt hiệu quả, bị tâm lý. Việc sử dụng đóng khung chừng ấy gương mặt ở hàng công đã không khó để Indonesia, Thái Lan bắt bài và làm “tắt điện” họ thành công. Ngoài ra, chúng tôi muốn nhắc đến trường hợp Giám đốc kỹ thuật Gede rất đáng chú ý. Ông thầy người Đức đã bị HLV Hữu Thắng gạt ra khỏi thành phần Đội tuyển U22 Việt Nam! Thay vì được sinh hoạt chung cùng đội, để có những góp ý kịp thời và hiệu quả cho HLV trưởng, thì ông Gede phải theo dõi trận đấu từ khán đài như những khán giả. Vì thế, ông Gede có muốn đóng góp ý kiến chuyên môn cũng rất khó thực hiện. Vậy vai trò của Trưởng đoàn Lê Hoài Anh (Tổng Thư ký VFF) và lãnh đạo Thường trực VFF là ở đâu trong trường hợp này?

 Có phải ta bị loại vì tự thua ngay từ đầu do cục bộ, bảo thủ và lãng phí chất xám của chuyên gia ngoại giàu năng lực? Sau trận hòa mà thua trước Indonesia, tinh thần của U22 VN là sút giảm rất nhiều, lại thêm tâm lý sợ thua trước người Thái. Vậy mà từ Trưởng đoàn cho đến HLV trưởng đã không thể làm công tác tư tưởng, khai thông tâm lý cho các cầu thủ trẻ. Khi vào trận, ta không có được sự tự tin vào bản thân mà thay vào đó là sự sợ sệt người Thái, nên sai sót xảy ra là khó tránh khỏi nơi các học trò.

Nói cách khác, U22 VN bị loại bởi những người có trách nhiệm với sự thành bại của đội bóng đã quá ngộ nhận về sức mạnh của mình, đánh giá sai về đối phương, nên đã phải trả giá. Cái đáng tiếc nhất là chúng ta đang có trong tay lứa cầu thủ được đào tạo rất tốt, đầy hứa hẹn, nhưng những người làm công tác chuyên môn đã không có sự chuẩn bị đạt yêu cầu cho U22 VN. Đó là lỗi của tập thể Ban huấn luyện và lãnh đội (Trưởng đoàn là ông Lê Hoài Anh) và Thường trực VFF.

Thứ tư, chất lượng của nền bóng đá Việt Nam đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Các đội tuyển bóng đá quốc gia bao giờ cũng là chiếc gương phản ánh mặt bằng trình độ của nền bóng đá quốc gia, gồm hệ thống giải VĐQG, Cúp Quốc gia, hạng Nhất, hạng nhì, hạng 3. Đằng này, giải VĐQG ngày càng thiếu sức hút, thưa vắng khán giả, trong khi giải hạng Nhất quốc gia đáng lý phải có gấp đôi số lượng đội bóng so với giải VĐQG thì ngược lại chỉ lèo tèo vài đội. Giải hạng nhì, hạng ba đáng lý phải có từ hàng trăm đội, thi đấu tại các cụm vòng loại khu vực thì đằng này lại hẩm hiu như cảnh chợ chiều. Hệ thống giải đấu chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp; công tác đào tạo cầu thủ trẻ ngày càng thụt lùi như thế chả trách sao chất lượng cầu thủ ngày càng đi xuống, Nếu không có những lò đào tạo tư nhân của Hoàng Anh Gia Lai  JMG, PVF thì thử hỏi bóng đá VN làm gì có được thành tích tại Vòng chung kết U20 thế giới, vòng loại U23 châu Á 2018? Các quan chức VFF thường tổ chức những chuyến đi học tập kinh nghiệm làm bóng đá ở tận trời Âu (Đức, Pháp) xa xôi, tại sao không nhìn và trăn trở về cách làm bóng đá của Thái Lan, Malaysia đang làm rất hiệu quả!?

Vậy, ngoài HLV Hữu Thắng đã dũng cảm, đầy tự trọng khi từ chức, thì những người có trách nhiệm trong thất bại của U22 VN, nhất là các quan chức VFF có chịu ra đi để nhường vị trí cho người khác tài năng và tâm huyết hơn thay thế?!

Đã gần 60 năm trôi qua, gần hơn là 22 năm kể từ ngày hội nhập trở lại cùng đời sống thể thao Đông Nam Á, tại sao chúng ta cứ mãi thất bại với mục tiêu đoạt HCV bóng đá SEA Games? Chúng ta còn phải chờ thêm bao nhiêu năm nữa mới có HCV SEA Games dù chúng ta đủ khả năng làm được điều đó từ lâu!

HOÀNG THIÊN ÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1188
Quay lên trên