5 cây thị bạc tỷ được công nhận 'di sản Việt Nam'

Cập nhật: 31-08-2011 | 00:00:00

Với tuổi thọ gần 700 năm cùng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, 5 cây thị cổ từng được trả giá 7 tỷ đồng ở xã Nghi Thịnh huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.

Ông Lê Minh Thưởng, chủ nhân của 5 cây thị cổ vừa nhận được thông báo của Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận 5 cây thị cổ là “Cây di sản Việt Nam”. Hiện nay, ông Thưởng đang cùng với gia tộc họ Lê ở xóm 2 xã Nghi Thịnh bàn kế hoạch tổ chức lễ đón nhận và gắn biển danh hiệu cao quý này.

  5 cây thị cổ được công nhận là Cây di sản Việt Nam với niên đại gần 700 tuổi.

Đang là mùa thị chín, con đường dẫn vào nhà của ông Lê Văn Thưởng ngào ngạt mùi thơm. Trên những cây thị cổ cành lá sum xuê, những quả thị vàng mọng đung đưa, tỏa mùi thơm khắp xóm. Ở dưới mỗi gốc cây, hàng trăm quả thị chín già rụng xuống mỗi ngày được ông Thưởng đào hố chôn xuống đất.

Dù đã cuối mùa thị nhưng 4 trong số 5 cây thị già đều đang trĩu quả. Lấp ló sau những chùm quả thị chín vàng vẫn còn rất nhiều quả xanh mơn mởn. Cây thị nu lớn nhất vườn, cho quả lớn nhất đến một kg, những người đến tham quan được ông Thưởng hái xuống làm quà nên đến nay chỉ còn lại lác đác một vài quả. “Vào chính mùa, cả khu vườn này đều bị nhuốm một màu vàng của thị chín, các loại chim chóc ở khắp nơi cũng tìm về những cây thị để ăn quả”, ông Thưởng cho biết.

Từ ngày nhận được thông báo của Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, không riêng gì ông Thưởng, tất cả con cháu trong nhà đều mừng vui phấn khởi. Hễ có khách đến thăm những cây thị cổ, ông Thưởng lại mang tờ thông báo ra khoe một cách đầy tự hào.

“Cuối cùng thì những cây thị của gia đình tôi đã được xã hội công nhận là cây quý với niên đại lâu đời cùng những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Đây chính là điểm tựa, là mạch nguồn phát triển của con cháu chúng tôi, dù bất cứ giá nào, chúng tôi cũng sẽ không bán những cây thị cổ này”, ông Thưởng vui mừng tâm sự.

Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, trong đợt xét duyệt vừa qua, ngoài 5 cây thị cổ 670 tuổi của ông Lê Văn Thưởng thì 8 cây cổ khác ở Bình Định và Hà Nội cũng được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Trong đó, thành phố Hà Nội có số lượng cây cổ được công nhận nhiều nhất gồm cây sanh ở đình Nhật Tân (phường Nhật Tân), cây đa trước cổng chùa Khai Nguyên, cây thị ở đình Quán La (phường Xuân La ), cây si ở phủ Tây Hồ cùng với cây đa cổ thụ xóm Quýt xã Yên Bài và cây lộc vừng 2 thân ở xã Châu Sơn (huyện Ba Vì). Những cây này có tuổi từ 250 đến 1.000 năm, có rất nhiều gốc, cành và tán lá đẹp, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa.

Hiện nay, cả nước có 106 cây cổ thụ được vinh danh là cây di sản Việt Nam.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=291
Quay lên trên