50 năm - chưa vơi nỗi nhớ!

Cập nhật: 12-11-2012 | 00:00:00

Ông Nguyễn Văn Chiến-sinh năm 1944, nguyên cán bộ Tuyên huấn của huyện Cai Lậy, đã nghỉ hưu tâm sự với chúng tôi: “Hôm nay các anh đã mang về cho ấp Bà Bèo này một sự việc gây nhiều xúc động và đầy ý nghĩa. 50 năm về trước, tôi và chị Thiên cùng trang lứa, tôi hơn chị ấy một tuổi nhưng rất thân thiết vì nhà hai đứa ở cạnh nhau. Tháng 2-1962, ấp Bà Bèo đợt ấy có 5 đồng chí tòng quân gồm: anh Nguyễn Văn Ưng, Đoàn Văn Vẹn, Nguyễn Văn Năm và hai nữ là chị Nguyễn Thị Méc và Lê Thị Thiên. Sau hòa bình, chỉ còn chị Méc trở về, 4 người còn lại đều hy sinh. Tôi nhớ rất rõ, hôm chuẩn bị tòng quân, xã giao cho tôi và một số đồng chí nữa tổ chức chương trình liên hoan văn nghệ tiễn các anh chị lên đường. Chị Thiên lúc đó khoảng 17 tuổi, trẻ nhất nhưng là người rất chín chắn, vui tính nhưng cực kỳ thâm trầm, nghiêm túc. Có lần trên đường đi học, tôi nói điều gì đó không hay là bà bạt tai liền”! Riêng ông Nguyễn Văn Thưởng - người bạn cùng tuổi với chị Thiên còn nhớ rất rõ về thời hai người còn đi học. Ông Thưởng nói: “Đọc nhật ký, tôi nhận ra đây đúng là nét chữ của Thiên rồi. Hai đứa tôi rất thân nhau, học cùng trường đến lớp 4 ở quê. Năm 1962, hai đứa cùng đi bộ đội, tôi công tác ở đơn vị thông tin tại Bình Long, còn Thiên hình như công tác tại Bình Dương hoặc Tây Ninh… Cảm nhận của tôi về Thiên là một người vui tính nhưng rất nghiêm túc và cụ thể trong mọi việc. Thiên học rất giỏi và chắc chắn khi vào bộ đội sẽ được tổ chức đào tạo thêm; vì Thiên là con nhà cách mạng nòi, lý lịch tốt.

Chứng kiến buổi gặp gỡ này, đồng chí Nguyễn Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước Tây xúc động và ghi nhận sự việc. Ông cho biết: “Qua gặp gỡ hôm nay, chúng tôi đã hiểu hết sự việc và càng tự hào hơn vì chị Thiên đã để lại một quyển nhật ký vô cùng ý nghĩa. Đọc qua nội dung quyển nhật ký này, tôi rất khâm phục trước khí phách của một nữ chiến sĩ hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân… Tuy nhiên, để cho việc này được xác nhận cụ thể và đúng thủ tục, sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của chính quyền và các cựu chiến binh, người cao tuổi, bạn bè của chị Thiên nhằm xác định thêm lần nữa”.    Gặp gỡ các cựu chiến binh tại ấp Bà Bèo

Quả đúng như vậy, một tuần sau, UBND xã Mỹ Phước Tây đã gửi công văn cho Báo Bình Dương, nội dung ghi rõ: “Qua biên bản họp dân ấp Bà Bèo vào ngày 4-11-2012 để xác định những hình ảnh liệt sĩ mà báo Bình Dương cung cấp; tại cuộc họp, UBND xã Mỹ Phước Tây ghi nhận: Những người dự họp gồm trên 20 cựu chiến binh, bạn bè, bà con, đồng đội… đã ký tên xác nhận: hình ảnh cô gái đội mũ tai bèo chính xác là liệt sĩ Lê Thị Thiên, quê ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là liệt sĩ đã hy sinh năm 1966, hiện được gia đình ông Nguyễn Thanh Văn thờ cúng.

Cựu chiến binh ĐẶNG VĂN ANH : Chị ấy là Lê Thị Thiên

Năm 1962, chính tôi và ông Chiến đã tổ chức buổi lễ tòng quân cho 5 đồng chí lên đường nhập ngũ.  

Nay nhìn lại hình ảnh do báo Bình Dương cung cấp, tôi khẳng định đó đúng là đồng chí Lê Thị Thiên, liệt sĩ đã hy sinh năm 1966.   Công văn xác nhận của UBND xã Mỹ Phước Tây

Cựu chiến binh PHẠM VĂN CHÍNH: Chính xác là cô Thiên

Tôi khẳng định rõ, hình người đội mũ tai bèo trong ảnh là liệt sĩ Lê Thị Thiên, con ông Lê Văn Như và bà Nguyễn Thị Hò. Đồng chí Thiên đi bộ đội năm 1962 và hy sinh năm 1966 tại chiến trường miền Đông. Mặc dù đã 50 năm qua nhưng nhờ hình ảnh còn rõ ràng nên tôi rất dễ nhận ra. So với hình trong ảnh lúc mới vào bộ đội, chị Thiên gầy hơn; đặc biệt là chị có cái răng khểnh rất duyên. Tôi mong rằng các đồng chí ở Báo Bình Dương sớm phối hợp với ngành chức năng huyện Cai Lậy tiếp tục làm các thủ tục xác nhận nhân thân, gia đình liệt sĩ cũng như quan tâm đến việc thực hiện chế độ chính sách.

Bà HUỲNH THỊ ĐÔNG - người dân ấp Bà Bèo: Tôi nhớ rõ chị ấy!

Tôi nhỏ hơn chị Thiên vài tuổi nhưng cho đến nay vẫn còn nhớ rõ khuôn mặt của chị. Hồi đó, chị em trong làng thường chơi với nhau, ai cũng quý mến chị Thiên vì chị thường che chở, dẫn chúng tôi vào hầm mỗi khi quân địch thả bom. Năm mới 17 tuổi, chị đã xung phong vào chiến trường đánh Mỹ và chúng tôi xa nhau từ đó. Nay gặp lại chị trong ảnh tôi cảm thương chị vô cùng!    Riêng hình ảnh này có trong kỷ vật được xác định là đồng đội của chị nhưng chưa biết nhân thân

Cựu chiến binh MAI VĂN NHUNG: Chính tôi viết lý lịch cô ấy!

Tháng 2-1962, ở xã Mỹ Phước Tây có 5 đồng chí lên đường tòng quân; trong đó có đồng chí Lê Thị Thiên ở ấp Bà Bèo. Tôi lúc đó là Phân đoàn trưởng, cũng là người trực tiếp viết lý lịch của đồng chí Lê Thị Thiên nhằm lưu trữ hồ sơ. Trước lúc đi bộ đội, Thiên là một đoàn viên rất năng nổ, có khí phách và lý tưởng cách mạng rõ ràng. Nay nhìn lại hình ảnh, tôi khẳng định: đây là đồng chí Lê Thị Thiên.

Ông LÊ VĂN HÙNG, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Tiền Giang: Chị Sáu Thiên là con của bác Ba tôi

Bác tôi, ông Lê Văn Như thứ 3, cha tôi là Lê Văn Phẩm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang thứ 9. Nhìn hình ảnh, tôi khẳng định: người đội mũ tai bèo là chị Sáu Thiên, tức Lê Thị Thiên, con của bác Ba tôi - ông Lê Văn Như. Tôi kém chị ấy 5 tuổi nhưng tuổi thơ thường chơi đùa với nhau nên tôi nhớ rất rõ về chị.

 KIẾN GIANG - NHÂN QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=186
Quay lên trên