50 năm vang mãi bản hùng ca- Bài 3

Cập nhật: 16-01-2018 | 08:13:24

Bài 3: Hồi ức của một đại tá tình báo

 Ông Tư Cang, tức đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu, người đã có hơn 10 năm hoạt động bí mật ở Sài Gòn, Củ Chi và vùng Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát với nhiệm vụ được giao là chỉ huy Cụm tình báo H63. Trong những ngày xuống đường Mậu Thân 1968, người cụm trưởng này lúc ở nội đô Sài Gòn, khi ở rừng chiến khu, thoắt ẩn, thoắt hiện kịp thời cung cấp những thông tin tình báo rất quan trọng về sự bố phòng và tình hình quân địch trong những ngày tiếng súng Xuân Mậu Thân rền vang…

 

Ông Tư Cang (thứ 2 từ phải qua) chỉ huy Cụm tình báo H63 trong những năm đánh Mỹ

Huyền thoại một cụm tình báo

Cụm tình báo chiến lược H63 - đơn vị anh hùng gắn liền với những con người lừng danh trong làng tình báo Việt Nam. Nổi tiếng nhất trong cụm tình báo này là tuyến hoạt động trong nội thành Sài Gòn gồm các điệp viên Phạm Xuân Ẩn - phóng viên thường trú Tạp chí Times (Mỹ), bà Tám Thảo - trợ lý cho viên thiếu tá tình báo Mỹ, cố vấn Bộ Tư lệnh hải quân ngụy. Ngoài ra còn phải kể đến bà Nguyễn Thị Ba, giao thông mật đặc biệt với ông Ẩn. Thiếu tướng Ẩn đã qua đời từ năm 2006, nhưng những công tích trong nghề tình báo của ông gần đây đã được công bố khá cụ thể. Giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman đã viết sách về ông với tên gọi “Điệp viên hoàn hảo”. Nói về tướng Ẩn, nhiều người trong và ngoài nước đều ngạc nhiên và thán phục!

Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi và ông Tư Cang diễn ra tại Sài Gòn trong những ngày cả nước đang kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Năm nay, ông Tư Cang đã bước qua tuổi 90, sức khỏe yếu dần nhưng những ký ức về Xuân Mậu Thân 1968 ông vẫn còn nhớ rõ. Ông Tư Cang bồi hồi kể lại: “Trưa ngày ba mươi tết, cô giao thông hỏa tốc xuống Sài Gòn truyền lệnh của đồng chí thủ trưởng phòng tình báo miền Nam gọi tôi ra ngay khu căn cứ gấp để phổ biến tinh thần nghị quyết của Trung ương Cục và chỉ thị của Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam. Cụ thể, đồng chí thủ trưởng cho biết là vào giữa đêm nay, mùng 1 và rạng mùng 2 tết quân ta sẽ mở một trận tổng tấn công trên toàn miền Nam. Ngay tại địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn anh chị em biệt động đặc công sẽ mở màn bằng những đòn quyết liệt, bất ngờ vào một số mục tiêu hiểm yếu làm cho giặc bị rối loạn đầu não chỉ huy, tạo đầu cầu cho các sư đoàn chủ lực của ta hành quân áp sát chiếm Sài Gòn, giành chính quyền về tay nhân dân. Là người đã cùng anh chị em trong Cụm tình báo quân sự H63 trực tiếp trong quá trình chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công này, từ việc phát hiện sơ hở của giặc đến việc vẽ bản đồ từng mục tiêu gửi về Bộ tham mưu, vậy mà nay nghe thủ trưởng phổ biến lòng tôi vui sướng đến không cầm được nước mắt. Tôi về đến Sài Gòn lúc 9 giờ 30 phút đêm. Sau khi gặp đồng đội giao nhiệm vụ tôi vẫn còn đủ thì giờ đi một vòng từ bến Bạch Đằng lên đường Thống Nhất. Các mục tiêu chính trong trận tấn công đêm nay vẫn im lìm: Bộ Tư lệnh hải quân, Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập…” .

 Nữ chiến sĩ trong các cơ quan trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sẵn sàng cho Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: T.L

Cho đến bây giờ ông Tư Cang vẫn còn xúc động khi nhớ lại thời khắc đêm giao thừa năm ấy. Vào khoảng lúc 2 giờ 30 phút, khi chiếc đồng hồ treo tường phát ra đoạn nhạc báo giờ, bỗng “ầm!” - một tiếng nổ long trời lở đất vang lên. Tiếp theo là những tiếng nổ, những tràng tiểu liên chát chúa của anh em biệt động Sài Gòn. Vậy là Tổng tấn công rồi đó! Trong căn nhà của một cơ sở cách mạng, ông thông báo cho mọi người biết, đằng mình đêm nay kéo quân vào đánh Sài Gòn. Súng nổ đều trời hết, mọi người có nghe không. Ai ai cũng xúc động khi biết quân ta kéo về giải phóng Sài Gòn.

Bản báo cáo sau chiến dịch

Cuộc đời của ông Tư Cang gắn liền với những chiến công huyền thoại của Cụm tình báo H63. Ngay sau đợt một của cuộc Tổng tấn công, cấp trên lập tức giao nhiệm vụ cho đại tá Tư Cang vào ngay Sài Gòn nắm thông tin tình báo và đưa ra những nhận định giữa ta và địch sau cuộc tấn công. Vào Sài Gòn, ông Cang gặp ngay bà Tám Thảo - trợ lý cho viên thiếu tá tình báo Mỹ, cố vấn Bộ Tư lệnh hải quân ngụy - và ông Phạm Xuân Ẩn… để tổng hợp thông tin, sau đó viết báo cáo gửi cho cấp trên như sau: Sau trận quân ta đánh vào Sài Gòn hôm tết, cộng với những thiệt hại nặng nề ở mặt trận Khe Sanh mà người ta so sánh như một Điện Biên Phủ đối với Mỹ, Tổng thống Giôn-xơn bị sức ép nặng nề của phái bồ câu trong hai viện của Quốc hội và sức ép của dân chúng Mỹ. Đặc biệt là người dân Mỹ, họ không chịu đựng nổi xúc động khi xem hình ảnh người lính Mỹ kham khổ, bị thương, chết chóc tại Việt Nam. Phóng viên Mỹ hết sức chú ý khai thác những hình ảnh này để đưa lên vô tuyến truyền hình, báo chí. Chưa hết xúc động kinh hoàng vì những hình ảnh ta tấn công Đại sứ quán Mỹ được truyền hình trực tiếp về Mỹ thì ngày 5-2-1968 tờ Newsweek đăng hình một lính thủy quân lục chiến Mỹ bị thương trên mặt trận Khe Sanh bị quấn băng cùng đầu che bịt cả đôi mắt. Tâm lý của người Mỹ vô cùng hoang mang khi con em họ bị chết chóc thương vong ở một chiến trường xa xôi, trong một con đường hầm không có lối thoát. Họ tức tối, phản đối Giôn-xơn lừa đảo họ. Do đó mà ngày 31-3-1968, Giôn-xơn phải ra nói chuyện trên vô tuyến truyền hình và tuyên bố thôi không ra tranh cử tổng thống vào cuối năm.

Trong tình hình như vậy, nhóm lãnh đạo gồm Tổng thống Giôn-xơn, Dean Rusk Bộ trưởng Ngoại giao, Clif-ford Bộ trưởng Quốc phòng rất sợ lại xảy ra những trận đánh nữa vào các trung tâm dân cư, nhất là Sài Gòn vì sẽ càng làm rã rời tâm lý vốn đã mệt mỏi, chán chường của người dân Mỹ. Bọn chóp bu trong chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng không muốn trận đánh xảy ra vì càng mất uy tín đối với quan hệ Mỹ và dư luận thế giới. Qua tình hình cụ thể như trên, ông Tư Cang đã đề xuất ý kiến là nếu đã chuẩn bị tốt thì cứ đánh một trận nữa vào Sài Gòn. Tuy nhiên phải có kế hoạch bảo vệ lực lượng tránh bị tiêu hao.

Và tiếng súng đợt hai đã khai hỏa: Khuya ngày 4 rạng ngày 5-5-1968, tiếng súng tiến công của các cánh quân ta một lần nữa làm rung chuyển Sài Gòn. Khác với đợt 1 là ta không đánh vào những mục tiêu quan trọng bên trong như tòa nhà Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập… lần này tiếng súng nổ đều xung quanh Sài Gòn. Tiếng pháo, súng cối của ta từ xa đã vào Tân Cảng, Bộ Tư lệnh hải quân, Kho xăng Nhà Bè… Hòa trong tiếng súng tấn công của bộ đội chủ lực, nhân dân khắp nơi cũng đứng lên nổi dậy giành chính quyền. Rõ ràng là sau những trận tấn công của quân ta, Sài Gòn không còn là hậu phương yên ổn của kẻ thù. (còn tiếp)

Cho đến bây giờ ông Tư Cang vẫn còn xúc động khi nhớ lại thời khắc đêm giao thừa năm ấy. Vào khoảng lúc 2 giờ 30 phút, khi chiếc đồng hồ treo tường phát ra đoạn nhạc báo giờ, bỗng “ầm!” - một tiếng nổ long trời lở đất vang lên. Tiếp theo là những tiếng nổ, những tràng tiểu liên chát chúa của anh em biệt động Sài Gòn.

 

 NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1061
Quay lên trên