50% người tiêu dùng chưa biết chọn thực phẩm an toàn

Cập nhật: 29-03-2011 | 00:00:00

Bếp ăn gia đình lại chính là nơi ghi nhận nhiều vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) nhất, chiếm tới 60% trong số những nơi xảy ra NĐTP. Và chỉ có chưa đến một nửa số người tiêu dùng được hỏi biết cách chọn đúng thực phẩm an toàn. Bài toán NĐTP vẫn còn rất nan giải.

Mua hàng người quen có an toàn?

Không ít bà nội trợ vẫn có thói quen thường xuyên mua hàng tại địa chỉ quen thuộc mà không cần chú ý đến nhãn bao bì, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng sản phẩm. Theo khảo sát của Cục ATVSTP trên 7.200 hộ dân tại 12 tỉnh, thành thì tỷ lệ người biết cách chọn đúng thực phẩm an toàn chỉ đạt hơn 47%, thậm chí gần 4% cho rằng cứ mua ở cửa hàng quen biết là đảm bảo. Ngoài ra, tỷ lệ người dân hiểu biết đúng, đầy đủ về thực phẩm, tên bệnh, triệu chứng ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm còn rất hạn chế.

Nhiều vụ ngộ độc xảy ra tại chính bữa ăn gia đình. Ảnh Internet Nhiều vụ ngộ độc xảy ra tại chính bữa ăn gia đình.

Nhiều loại thức ăn tưởng như an toàn lại chính là thủ phạm làm hại người tiêu dùng. Trong đó thực phẩm hỗn hợp chiếm 47%, nấm: 16%, thủy sản: 10,9% chủ yếu là cá nóc, sò biển, cá ngừ và các sản phẩm từ cá; thịt và các sản phẩm từ thịt: 10,3%; rau và sản phẩm từ rau: 3,4%; rượu có hàm lượng Methadol cao: 3,4% số vụ NĐTP…

Các mặt hàng thiết yếu trong đời sống hàng ngày như bánh kẹo, ngũ cốc, sữa, nước giải khát… đều có thể gây ra NĐTP nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn rất mơ hồ trong việc lựa chọn.

Đây chính là nguyên nhân làm cho số vụ NĐTP ngay chính tại bếp ăn gia đình vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong 4 năm (2007-2010). Tiếp đến là bếp ăn tập thể, đám cưới, giỗ chạp, thức ăn đường phố…Ngộ độc do độc tố tự nhiên còn cao

Trong khi giảm số vụ ngộ độc do vi sinh vật gây nên thì lại gia tăng đáng kể ngộ độc do hóa chất độc tố tự nhiên. Điển hình là độc tố nấm, độc tố cá nóc, cóc, sò biển…

 Biết cách lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Internet Biết cách lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe.

Giám sát của Bộ NN&PTNT năm 2010 cho thấy ô nhiễm sinh học và hóa chất tồn dư trong nông sản thực phẩm còn nhiều. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép chiếm 6,17%, tỷ lệ mẫu thực phẩm nông sản có nguồn gốc động vật có dư lượng Salbutamol chiếm 1,19%. Nhiều mẫu thủy sản sau thu hoạch (tôm, mực, ghẹ, cá) cũng chưa đạt yêu cầu…

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP cho rằng: “Nếu người tiêu dùng không cẩn thận lựa chọn thực phẩm an toàn chính là tạo điều kiện để thực phẩm “bẩn” có cơ hội hoành hành. Các cơ quan chức năng khuyến khích người tiêu dùng phát hiện và tố giác các sản phẩm “bẩn” gây nguy hại cho sức khỏe người dân để có cơ sở kiểm tra, xử l‎ý kịp thời”.

Vì vậy, song song với hoạt động thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng, mỗi người dân phải là người tiêu dùng thông minh để đảm bảo tối đa quyền lợi của mình khi sử dụng thực phẩm. “Hãy biết cách lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của chính mình” là lời khuyến cáo của Cục ATVSTP đối với người tiêu dùng.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên