Chiều 5-3, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, qua chương trình Tư vấn mùa thi (TVMT) của Báo Thanh Niên, khoảng 800 học sinh lớp 12 của tỉnh đã được giải đáp những thắc mắc về ngành nghề, thông tin mới về kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Chương trình còn được truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh và truyền hình Đắk Lắk để đưa thông tin tuyển sinh đến với toàn bộ học sinh (HS) trên địa bàn tỉnh.
Chỉ hơn 1/4 thí sinh đậu ĐH, CĐ
Tại chương trình, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh CĐ, ĐH năm 2011 Bộ GD-ĐT, đưa ra một thông tin mới: năm nay có tất cả 547.000 chỉ tiêu dành cho các trường ĐH, CĐ. Trong khi đó, theo Bộ GD-ĐT ước tính có khoảng 2 triệu thí sinh tham gia thi tuyển sinh trên cả nước.
HS Đắk Lắk vui mừng nhận CD Hướng dẫn ôn tập và luyện thi trắc nghiệm năm 2011 của Báo Thanh Niên tặng Trả lời câu hỏi của một HS về việc làm thế nào để biết được bản thân mình phù hợp ngành gì, trường nào, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Các em cần hỏi chính thầy cô, những người đã đánh giá các bài kiểm tra trên lớp. Cũng cần nhờ chính bố mẹ mới là những người cho những lời khuyên trung thực, không phải những lời khen hão. Đứng về mặt nghiệp vụ, hiện nay cũng đang có nhiều trung tâm tư vấn có thể giúp các em tự đánh giá bản thân. Đặc biệt, ĐH Quốc gia TP.HCM có
website http://aad.vnuhcm.edu.vn với hơn 150 câu hỏi về sở thích, kết quả học tập… có thể giúp các em thử nghiệm đánh giá bản thân. Sau khi trả lời hết các câu hỏi, phần mềm này sẽ cho các em biết mình nên thi trường nào, học ngành gì. Tất nhiên các lời khuyên cũng chỉ có giá trị tư vấn. Việc quyết định vẫn là do chính mình”.
Một HS thắc mắc qua số điện thoại nóng của chương trình: “Em dự định thi ngành Bác sĩ đa khoa nhưng gia đình khuyên nên vào học Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt vì phụ nữ làm bác sĩ đa khoa rất cực. Xin các thầy cô cho em lời khuyên”. PGS-TS Đặng Văn Tịnh - Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược TP.HCM, giải thích: “Có rất nhiều bạn như em đã từng tranh luận về việc chọn ngành với gia đình. Nếu em là nữ mà thích ngành Bác sĩ đa khoa, nhưng khi em vào học, tiếp xúc sẽ có nhiều thứ thay đổi. Ba ngành Đa khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược sĩ thời gian học như nhau trong 3 năm đầu, chỉ khác nhau ở những năm cuối. Nếu em là dược sĩ, bác sĩ Răng - Hàm - Mặt tất nhiên sẽ nhẹ nhàng hơn bác sĩ đa khoa. Ở ĐH Y Dược TP.HCM, sinh viên nữ học ngành bác sĩ đa khoa chiếm khoảng 40%”.
Những ưu tiên cho vùng xa
Đắk Lắk là một tỉnh miền núi, nhiều HS có hoàn cảnh rất khó khăn nên HS của tỉnh và các khu vực lân cận rất quan tâm đến những chính sách ưu tiên trong tuyển sinh.
Mở đầu buổi tư vấn, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Đắk Lắk là tỉnh có đông thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nhất. Năm 2010 có khoảng 30.000 thí sinh Đắk Lắk thi tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng có đến 1/3 số đó thi vào ĐH Tây Nguyên. Đây là điều rất đáng mừng nhưng tổng chỉ tiêu cả tỉnh chỉ có 3.500, vì vậy hiện nay các trường vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu học tập của HS tỉnh nhà”.
Lò Thị My Ly - HS lớp 12A1 trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Long, thắc mắc: “Trường em có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, để được ưu tiên cần các loại giấy tờ nào? Do cơ quan nào cấp phát?”. Một câu hỏi tương tự như vậy qua điện thoại: “Mẹ em là người dân tộc thiểu số, khi thi có được xét điểm ưu tiên? Cần giấy tờ gì?”. TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Ngoài các HS giỏi được quy định về ưu tiên, có hai dạng ưu tiên khác là ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Toàn tỉnh Đắk Lắk được xếp vào ưu tiên khu vực 1”. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết HS có cha hoặc mẹ là dân tộc thiểu số sẽ thuộc đối tượng ưu tiên 1. Khi làm hồ sơ, giấy tờ kèm theo là bản sao giấy khai sinh.
Một HS đến từ trường THPT Chu Văn An thắc mắc về những ngành nghề là thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh cho biết: “Đắk Lắk là tỉnh miền núi đang phát triển. Tỉnh nhà đang hình thành những khu công nghiệp lớn. Nhìn tổng thể, nhu cầu nhân lực của tỉnh còn khá lớn và đa dạng. Những ngành kinh tế, kỹ thuật, nông - lâm - ngư, giáo dục đào tạo đều có khả năng tiếp nhận sinh viên khá lớn trong những năm tiếp theo”.
CD Hướng dẫn ôn tập và luyện thi trắc nghiệm năm 2011
Quà tặng thiết thực cho học sinh vùng xa
Sáng hôm qua, chương trình TVMT đã đến với HS trường THPT Quang Trung và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Păk, Đắk Lắk) với hình thức tư vấn “Mỗi lớp một chuyên gia”.
Tại hai trường này có tất cả 22 lớp 12, các chuyên gia phân nhóm tư vấn theo hai ban A và B. Trường nào có những ngành mũi nhọn liên quan đến ban nào sẽ trực tiếp tư vấn cho học sinh tại các lớp đó.
Có gần 40 trường ĐH, CĐ, TCCN và trung tâm đào tạo tham gia tư vấn cho các HS nên thông tin hết sức phong phú, đa dạng ngành nghề. Theo các chuyên gia tư vấn, những ngành học liên quan đến kinh tế, tài chính, y dược, luật... luôn có khá đông HS quan tâm. Tuy vậy, năm nay các ngành liên quan đến sư phạm, giao thông vận tải, truyền thông cũng có rất nhiều HS thắc mắc, hơn cả những mùa tư vấn trước đó.
CD Hướng dẫn ôn tập và luyện thi trắc nghiệm năm 2011 do Báo Thanh Niên thực hiện cũng được đưa đến tận tay HS các trường này. Đây được xem là món quà tặng khá đặc biệt, bởi theo lời các em, trắc nghiệm vẫn là phần thi rất quan trọng và luyện thi thế nào hiệu quả, học các câu trắc nghiệm theo hướng nào... là điều các em còn chưa nắm tường tận.
Theo Thanh Niên