Trong phiên họp QH chiều 20-5, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM.
Ảnh minh họa
Trên cơ sở xem xét toàn diện các vấn đề theo quy định, Chính phủ kiến nghị QH khóa XII kỳ họp thứ 7 quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc với tốc độ khai thác 300 km/giờ (vận tốc thiết kế là 350 km/giờ), chuyên chở hành khách, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa.
Công nghệ áp dụng là công nghệ động lực phân tán – EMU, tiêu biểu là đoàn tàu Shinkansen của Nhật Bản. Tổng nhu cầu sử dụng đất cho dự án là 4.170ha, trong đó 383,7ha là đất ở khu dân cư tại vùng đô thị, 813,1ha là đất ở khu dân cư vùng nông thôn, 1.589,3ha là đất nông nghiệp và 1.383,9ha là đất rừng. Tổng mức đầu tư sơ bộ: 55,853 tỷ USD (khoảng 35,6 triệu USD/km).
Dự án bắt đầu được thiết kế xây dựng vào năm 2012 theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến 2020) đưa vào khai thác đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang – TPHCM. Giai đoạn 2 (đến 2030) đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào 2035.
Qua thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM song song với việc nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống đường sắt hiện có.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội:
“Nhiều ý kiến băn khoăn trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn hiện nay, với một dự án có số vốn khổng lồ như thế, thời gian thu hồi lại chậm. Tôi cho rằng, chúng ta vay nợ thì phải trả, nên điều đó phải tính toán. Không phải chỉ dự án này mà nhiều tuyến đường chúng ta đã đầu tư, không phải lúc nào cũng thu hồi được vốn đầu tư ngay. Nhưng ban đầu chúng ta phải chấp nhận dùng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư nhằm tạo hạ tầng. Dĩ nhiên, chúng ta phải luôn đặt vấn đề an toàn tài chính quốc gia lên hàng đầu. Tôi muốn nhấn mạnh, đây không phải là dự án ngắn hạn, mà là dự án dài hạn. Trong báo cáo của Chính phủ đã nói rõ sẽ huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế. Trong giai đoạn đầu, vốn Nhà nước sẽ được dành ở mức hợp lý để “kích cầu” cho dự án”.
Tuy nhiên, chủ đầu tư cần phân tích sâu hơn nhu cầu thị trường vận tải hành khách đối với loại dịch vụ vận tải cao cấp này, những lợi thế vượt trội của việc đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc so với việc đầu tư cho các loại hình giao thông khác.
“Thời điểm đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc cũng là vấn đề cần cân nhắc rất kỹ để bảo đảm tính khả thi và đạt hiệu quả cao nhất”, Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Vũ Minh nhấn mạnh và lưu ý rằng, hiện tại hệ thống giao thông đường bộ (như quốc lộ 1A) luôn được cải thiện, nâng cấp, đường Hồ Chí Minh đang chuẩn bị xây dựng giai đoạn 2, các tuyến đường ven biển, đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang triển khai; các cụm cảng hàng không cũng như hệ thống đường sắt hiện tại cũng không ngừng được đầu tư nâng cấp.
Ông Đặng Vũ Minh phân tích thêm, phương án di dân đề cập trong tờ trình của Chính phủ cần tính đến tính phức tạp của công tác này, đặc biệt là đối với những địa phương như TPHCM, TP Đà Nẵng hiện đã không còn quỹ đất dự trữ để quy hoạch đô thị.
Tổng chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư là 30.437 tỷ đồng theo ước tính của Chính phủ, song ủy ban cho rằng, con số thực tế sẽ lớn hơn nhiều, bởi chưa tính đến chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân.
Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ báo cáo QH cụ thể và chi tiết hơn về phương án huy động vốn. Dự án đi qua một số vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các dải rừng nguyên sinh... nên cần sớm có nghiên cứu cơ bản gắn với chiến lược tài nguyên môi trường quốc gia; đồng thời tính toán ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động đến các yếu tố gây bất lợi cho dự án như: địa chất, thủy văn, bão lũ...
Trong phiên thảo luận tổ chiều nay (21-5), ĐBQH sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM.
THEO SGGP