6 đội muốn rời V-League
Thông tin này của chủ tịch CLB Hà Nội ACB, ông Nguyễn Đức Kiên, đã làm “nóng” hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của LĐBĐVN (VFF) diễn ra hôm 8-9 tại Hà Nội.
Phản ứng dữ dội của các thành viên CLB Hòa Phát Hà Nội sau trận thua V.Hải Phòng 1-2 trên sân Lạch Tray chiều 2-8 Bầu Kiên của HN.ACB đã nói như chưa bao giờ được nói những suy nghĩ của mình về thực trạng bóng đá VN hiện nay.
Bài phát biểu của bầu Kiên
“Cho phép tôi nói dài vì nhiều năm nay tôi không dự các cuộc họp và cũng không được nói nhiều. Tôi nghĩ đây là lúc cần thiết phải nói thẳng các cái tồn tại, thực trạng của bóng đá VN”, ông chủ của đội bóng HN.ACB nói.
Bầu Kiên phát biểu tại buổi tổng kết V-League.
BÁO CÁO CỦA VFF. “Nếu tôi là lãnh đạo VFF, tôi sẽ không thông qua dự thảo của BTC giải và HĐTT vì đã không nêu được thực chất những vấn đề của bóng đá VN thời gian qua. Báo cáo ngày hôm nay, báo cáo 10 năm trước, có thiếu hay thừa cái gì không? 10 năm nay gần như không có sửa đổi để phù hợp với sự phát triển với thực tế, những thay đổi của FIFA. Sự thụt lùi khiến chúng ta không thể quản lý các giải chuyên nghiệp cũng như quản lý các CLB. Tôi sẽ không tham gia đóng góp vào dự thảo bởi chỉ trong vòng vài chục phút, rồi biểu quyết thông qua, đó không phải là một công việc nghiêm túc.”
BẢN QUYỀN TRUYỀN HÌNH. “Phí bản quyền truyền hình chia 50% cho VFF và 50% cho các CLB. Nhưng, VFF lại ký hợp đồng trước 20 năm mà không thông qua các CLB. VFF cho rằng đó là những điều khoản bí mật, không được phép công bố nhưng chúng tôi cũng là một phần của cuộc chơi, lại không được biết gì cả. Chúng tôi có liên hệ với ông Hỷ, với Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ để phản đối nhưng đã được thông báo vấn đề này được thông qua. Thực chất tất cả những vấn đề chúng tôi không được biết một tí gì cả”.
“20 năm độc quyền là một thời gian vô cùng dài. Tôi không tin trên thế giới có liên đoàn nào có độc quyền tới 20 năm. Nhiệm kỳ các anh chỉ kéo dài 3, 4 năm 1 nhiệm kỳ mà các anh ký tới 20 năm. Tôi không tranh luận tính hợp pháp, đúng thẩm quyền hay không, nhưng tôi cho rằng về kinh tế, VFF đã tự đưa vào một sự ràng buộc, có ảnh hưởng lâu dài cho bóng đá VN những năm về sau”.
“VFF nói không có ai quan tâm đến truyền hình, có đối tác thế rồi là quý lắm rồi, đòi hỏi gì nữa? Nhưng có công khai không? Tôi cho rằng hợp đồng này cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc”.
TRỌNG TÀI. “Tôi nói thẳng thắn anh em trọng tài đừng buồn. Trọng tài giờ tiêu cực hơn, tinh vi hơn, thủ đoạn hơn mùa giải 2005 rất nhiều. Tôi được biết, trước trận đấu với ĐTLA, có những người đến tiếp xúc với Hòa phát, nếu cho trọng tài 500 triệu, bảo đảm trận này Hòa Phát sẽ thắng. Không ít người tiếp xúc với tôi bảo rằng cần phải lo trọng tài nhưng tôi luôn nói với anh em: một đồng cũng không bao giờ cho”.
“Tôi xin hỏi các anh, nếu không có bàn tay của các trọng tài, bóng đá Hải Phòng liệu có trụ hạng nổi không?” (trường hợp trọng tài Trần Công Trọng đã xử ép Hòa Phát, giúp Hải Phòng thắng vòng 23 V.League, trọng tài Nguyễn Văn Quyết bỏ qua quả 11m cho Bình Dương, gián tiếp giúp Hải Phòng thắng Bình Dương ở vòng 24 V.League).
“Với số tiền tài trợ như hiện nay, VFF phải có những chi trả thỏa đáng cho trọng tài, để anh em có cuộc sống đàng hoàng, yên tâm làm nhiệm vụ. Tôi cho rằng VFF đối xử với trọng tài, không công bằng, đầu tiên là đãi ngộ”.
VFF BAO CHE. “VFF luôn nói câu quen thuộc: Bằng chứng đâu? Bằng chứng trong tay các anh cả. Các anh biết hết, biết rõ ràng, biết trọng tài nào tốt, trọng tài nào không tốt. Tôi bảo đảm các anh biết. Bóng đá là một sân khấu và diễn viên người ta có thể xem được cả bốn mặt. Chỉ có người trách nhiệm có mở mắt ra để nhìn thấy hay không, hay cố tình cho qua. Bao nhiêu năm rồi, suốt ngày các anh hỏi câu “bằng chứng đâu?” thì nghe sao nổi”. Anh Mùi nói có 22 trọng tài, điều hành 14 đội bóng. Vì sao một trọng tài lại bắt cho một đội 5 trận ở một mùa giải? Cứ đội ý lại trọng tài đó bắt. Anh Khôi nói không dùng trọng tài địa phương để bắt, các anh tạo ra vòng kim cô và bắt người khác phải theo mình. VFF hiện nay bao cấp hơn mọi thời kỳ bao cấp khác. bộ máy phình to, chức năng, nhiệm vụ nói là rõ ràng lắm nhưng chẳng ai làm đúng và đủ chức năng của mình”.
“Anh Long là một người yêu bóng đá, và muốn làm bóng đá một cách tử tế. Nhưng cách điều hành của BTC giải, của VFF khiến anh ấy chán chường đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Chính vì vậy gia đình anh ấy không muốn anh ấy tiếp tục làm bóng đá nữa và Hòa Phát đã giải tán cũng bởi vì thế. Chúng tôi cũng đã xem xét đến việc bỏ giải, nếu như không có những thay đổi”.
SUPER LIGA. “Tôi xin truyền tải một thông điệp và nỗi bức xúc của các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tài trợ cho bóng đá. Tôi xin thưa với các anh rằng, trước đại hội này, tôi nhận được yêu cầu của 6 CLB đề nghị rời bỏ cuộc chơi, rời bỏ V.League. Sẵn sàng tổ chức một giải Vô địch mới mang tên Super Liga. Tôi cho rằng đó là những ý kiến khá tiêu cực, bản thân tôi khuyên họ bình tĩnh để có thể thẳng thắn góp ý kiến với VFF, chứ không phải mâu thuẫn hay phá đám gì. Nhưng thực sự, sự bức xúc của các doanh nghiệp với VFF là quá lớn, nhưng lãnh đạp VFF thờ ơ, BTC giải thờ ơ”.
THAY ĐỔI. “Nếu tôi là Chủ tịch VFF thì tôi không cho phép những gì đang diễn ra ở VFF. Có xử lý được trọng tài không, tôi đảm bảo được. Có xử lý được BTC giải không? Việc đó quá dễ. Bóng đá bây giờ rất khác, rất rõ ràng, nếu không có thay đổi, sẽ không ai còn chơi với chúng ta. Tôi nhận Hòa Phát chính là trách nhiệm với cầu thủ. Trách nhiệm với bóng đá HN. Nếu cần một đội lên hạng, với tôi quá dễ, tôi có thể cùng một lúc có 5-10 đội bóng, nhưng đấy không phải là tôi”.
“VFF cần có một sự thay đổi cơ bản, căn cơ từ việc giao dục cầu thủ, quy định ngặt nghèo hơn về lương thưởng. Ngoài tôi và Thanh Hóa, gần như không có lãnh đạo cao nhất ở các CLB tới dự Hội nghị này. Họ không còn quan tâm tới VFF nữa. Một cuộc chơi mà chủ tịch các CLB không quan tâm thì có còn cuộc chơi không? Tôi sẵn sàng hợp tác, để cùng VFF giải phẫu căn bệnh của bóng đá VN. Tôi tin rằng cần có những thay đổi, từ quy chế, đến tổ chức vận hành CLB và cả những điều nhỏ nhất”.
The Vissai Ninh Bình ủng hộ ông Kiên
Chủ tịch CLB The Vissai Ninh Bình Hoàng Mạnh Trường cho biết: ”Tôi hoàn toàn đồng ý và ủng hộ những phát biểu của anh Kiên nói tại hội nghị. Sở dĩ hôm nay tôi không đi họp vì không có thời gian. Sau khi anh Long (Hòa Phát Hà Nội) bỏ sân chơi V-League, các CLB thật sự thấy chán nản.
Đã đầu tư nhiều tiền bạc, công sức cho bóng đá nhưng càng đầu tư bóng đá VN càng đi xuống. Thử hỏi tôi có nên đầu tư nữa hay không. Nếu có 6-8 CLB rời V-League, tôi sẽ cùng với họ tách ra, bỏ tiền làm giải bóng đá riêng để phục vụ nhân dân. Phải là thứ bóng đá thật sự chứ không thể như thế này được”.
Ông Nguyễn Hồng Thanh - chủ tịch CLB SLNA, ông Nguyễn Chí Kiên - giám đốc điều hành CLB TP.HCM - cũng đồng tình với quan điểm của bầu Kiên. Ông Thanh cho rằng cần xem lại bản quyền truyền hình VFF bán cho AVG và phải minh bạch trong công tác trọng tài. Trong khi đó, ông Chí Kiên cho rằng trước khi trách cầu thủ VN văn hóa thấp, hãy nên trách những người lớn, những người có trách nhiệm đang làm cho bóng đá VN thiếu sự trung thực.
“Tôi lo sợ doanh nghiệp quay lưng với bóng đá”
Lần đầu tiên, hội nghị tổng kết mùa giải của VFF diễn ra hôm qua 8-9 đã được nghe những ý kiến “nóng” từ đại diện các CLB. Phản ứng của họ khiến chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ phải thốt lên: “Tôi lo sợ doanh nghiệp quay lưng với bóng đá”.
Ông Hỷ cho biết không dưới hai lần trong mùa giải 2011, ông Lê Hùng Dũng đã điện thoại cho ông và nói sẽ không tài trợ cho V-League nếu các cầu thủ tiếp tục đá như vậy và những tiêu cực trong công tác trọng tài liên tiếp tái diễn. “Nếu điều đó xảy ra, đúng là những chuyện đáng tiếc đối với bóng đá VN” - ông Hỷ nói.
Ông Hỷ lý giải sở dĩ có những tồn tại như vậy trong bóng đá VN là do việc điều hành không theo kịp sự phát triển nóng của bóng đá. Hơn nữa, cách điều hành của VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng khó có thể nói “đuổi người này là đuổi ngay được” như ông chủ của các tập đoàn kinh tế. “Tuy nhiên tôi cảm nhận được sự bức xúc của các doanh nghiệp đang đầu tư cho bóng đá hiện nay. Những ý kiến góp ý của anh Kiên, anh Nguyễn Hồng Thanh đều rất chính xác và chúng tôi hoàn toàn lắng nghe, tiếp thu để phát triển” - ông Hỷ cho biết.
Tổng hợp