Sau gần 2 tháng Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực (từ 1.7) và Thông tư số 13 của Bộ NNPTNT hướng dẫn kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, việc kiểm tra chất lượng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm có nguồn gốc thực vật đã được siết chặt hơn.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. Ông Hồng cho biết:
Các địa phương vẫn đang tích cực triển khai nhằm siết chặt hơn chất lượng thực phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ còn mỏng, chưa đồng bộ; trang thiết bị kiểm tra còn thiếu và kinh phí còn hạn hẹp.
Cục Bảo vệ thực vật sẽ lấy mẫu và phân tích 30 chỉ tiêu hoạt chất trên rau, củ, quả có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe con người .
Việc chậm quy hoạch các vùng chăn nuôi, trồng trọt an toàn ở các địa phương theo quy định của Chính phủ và Bộ NNPTNT cũng khiến cho việc kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm, nhất là thực phẩm có nguồn gốc thực vật, không được thuận lợi.
Thưa ông, sau gần 2 tháng Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực, ngoài Mỹ, đã có thêm bao nhiêu nước được cấp phép chính thức xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào VN?
- Tính đến cuối tháng 7, đã có 7/20 nước có hoạt động xuất khẩu hàng hóa nguồn gốc thực vật vào VN gồm: Mỹ, Trung Quốc, Australia, Pháp, New Zealand, Thái Lan và Canada. Theo quy định của Thông tư 13, các nước phải đăng ký và được Bộ NNPTNT cấp phép mới được phép xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào VN. Ngoài Mỹ, hiện nay có thêm 5 nước được chính thức cấp phép. Phía Cục BVTV sẽ căn cứ hồ sơ của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản để cấp phép khi đảm bảo đủ điều kiện.
Thực tế, nếu chỉ kiểm soát được chất lượng thực phẩm nhập khẩu mà không kiểm soát tốt thị trường trong nước thì người tiêu dùng vẫn luôn ám ảnh về thực phẩm bẩn, trong đó phần lớn là rau, quả?
- Hiện nay, mạng lưới kiểm dịch thực vật đang phối hợp hiệu quả với lực lượng hải quan ở các cửa khẩu theo Thông tư liên tịch số 17 giữa Bộ NNPTNT và Bộ Tài chính nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu vào nước ta.
Ở trong nước, hầu hết các tỉnh, thành phố đã thành lập Chi Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và bắt đầu đi vào hoạt động. Riêng trong tháng 7 đã có thêm 3 chi cục được thành lập. Mạng lưới các chi cục này sẽ kiểm soát tốt hơn chất lượng thực phẩm trong đó có rau, quả.
Vậy, Cục đã có kế hoạch gì để kiểm soát tốt vấn đề ATTP trong điều kiện giá cả tăng cao như hiện nay, nhất là vào những tháng cuối năm?
- Chúng tôi luôn phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giám sát ATTP, trong đó bao gồm cả động vật, thủy sản và thực vật (chủ yếu là rau, củ, quả), nhất là những "điểm nóng" như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang.
Riêng ngành BVTV, đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ lấy 1.050 mẫu thực phẩm có nguồn gốc thực vật, trong đó chủ yếu là các loại rau ăn phổ biến như rau muống, rau cải, khổ qua… Dự kiến, sau khi lấy mẫu chúng tôi sẽ phân tích 30 chỉ tiêu tập trung vào các hoạt chất có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Dân Viêt)