6 tháng cuối năm, tập trung chống dịch COVID-19, đẩy mạnh sản xuất

Cập nhật: 22-07-2021 | 11:09:45

Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 22/7, trình bày trước Quốc hội Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không đồng đều, thiếu bền vững. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 với biến chủng mới.

Trong nước, nhiều sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức rất thành công như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kiện toàn nhân sự nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngay sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã nhanh chóng ổn định, khẩn trương xử lý, giải quyết công việc, bảo đảm kế thừa, liên tục, thông suốt. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tập trung thực hiện “mục tiêu kép,” vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định và đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng vẫn tăng trưởng khá.

Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định.

Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác; cân đối ngân sách trung ương được bảo đảm.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%.

Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, hỗ trợ tích cực cho tiêu thụ nông sản.

Chính phủ đã đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; kiểm soát chất lượng tín dụng; bảo đảm an toàn hệ thống.

Cùng với đó, Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đang tích cực tập trung xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém; kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm; huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân với nhiều dự án lớn đang được triển khai mạnh mẽ.

Trong 6 tháng qua sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn. Các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ.

Việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp chuyển biến tích cực; công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; an ninh năng lượng được bảo đảm.

Nhiều nghị định, nghị quyết được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và tạo chuyển biến tích cực trong môi trường đầu tư, kinh doanh được ban hành; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp thành lập mới tăng.

Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc tồn tại trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp; ban hành và triển khai Nghị quyết về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững.

Tuy nhiên, báo cáo kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm của Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực, trong đó có những vấn đề cần giải quyết trong trung và dài hạn.

Đất nước ta tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 với biến chủng mới gây ra, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu cần được nhanh chóng khắc phục. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp do biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn.

Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định và bền vững. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng lên.

Tỷ lệ người dân thất nghiệp, thiếu việc làm và tình trạng thiếu lao động cục bộ gia tăng.

Trong những tháng còn lại của năm 2021 Chính phủ tiếp tục quán triệt các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội; tích cực triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và tổ chức chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.

Chính phủ quyết tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Cùng với đó, Chính phủ quyết tâm kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm vốn cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiết kiệm chi thường xuyên 10% (không kể tiền lương), kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết, các nhiệm vụ chi chậm triển khai, nhất là việc rà soát, cắt giảm phù hợp các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.

Chính phủ kiên định “mục tiêu kép,” thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng thời, Chính phủ thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững; xây dựng các kịch bản phục hồi tăng trưởng và mở cửa từng bước, thận trọng, an toàn, hiệu quả theo tình hình kiểm soát dịch COVID-19 và độ bao phủ tiêm chủng.

Chính phủ cũng sẽ kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Trong việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược, Chính phủ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục cơ cấu lại, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ để đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.

Ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu, kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế nhận định, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; công tác chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá cả được triển khai hiệu quả, cơ bản tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản.

Sản xuất nông, lâm và thủy sản có mức tăng khá; sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực với mức tăng 11,42%.

Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Việc triển khai, tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội còn chậm.

Chiến lược vaccine của nước ta gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp. Nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine.

Nhìn về những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội những tháng còn lại trong năm, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “quỹ vaccine”; thông tin đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng; công khai xây dựng, đẩy nhanh lộ trình mua, đa dạng hóa nguồn cung và tổ chức tốt việc tiêm vaccine; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, cấp phép và sản xuất vaccine trong nước.

Chính phủ cần tăng cường kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh, các trường hợp cư trú bất hợp pháp; rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả phòng, chống dịch; xây dựng kịch bản phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hạn chế thấp nhất các khu vực bị phong tỏa, ảnh hưởng đến sản xuất.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ xem xét có giải pháp triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; chuẩn bị cho khả năng phục hồi các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ quan trọng, xây dựng phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng; thực hiện tốt công tác quản lý thu, điều hành chặt chẽ đối với việc chi ngân sách nhà nước; cảnh báo về các yếu tố tăng, giảm số thu ngân sách nhà nước, mức trần nợ công, có biện pháp điều hành thu, chi ngân sách nhà nước kịp thời; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=482
Quay lên trên