Thế hệ những người của năm 45, không ai quên được bài hát này, không thuộc lòng toàn bộ cũng ê a đôi câu.
Trong chuyến công tác vào thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã có dịp đến thăm nhạc sĩ Phan Vân ở đường Đặng Dung, quận Nhất. Ông vốn là bộ đội miền Nam tập kết, là diễn viên của Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam từ những năm 50. Ông còn là tác giả của bài hát nổi tiếng ở Nam bộ “Niềm thương mến”. Khi hỏi ông về bài hát ấy, ông không nói nhiều về mình mà kể nhiều về đồng đội, về những nhạc sĩ cùng thời. Đặc biệt ông nói về nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, tác giả của bài hát “Nam Bộ kháng chiến”.
“Mùa thu rồi ngày hai ba
Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.
Rền khắp trời lời hoan hô
Dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền
Chân đi không mà lòng người giàu lòng yêu nước
Nóp với giáo mang ngang vai
Nhưng thân trai nào kém oai hùng…”
Thế hệ những người của năm 45, không ai quên được bài hát này, không thuộc lòng toàn bộ cũng ê a đôi câu, ít lắm cũng được mấy chữ mở đầu. Bởi bài hát ấy gắn liền với sự kiện lịch sử Nam bộ kháng chiến mà người dân ở đây, từ chiến khu Đ, Đồng Tháp Mười, rừng U Minh không thể nào quên, vì nó đã góp phần cổ vũ động viên tuổi thanh xuân hăng hái tình nguyện vào đội quân chống thực dân Pháp xâm lược.
Là bạn thân của Tạ Thanh Sơn, tác giả “Niềm thương mến” kể: Cuối năm 1945 quân Pháp kéo đến chiếm Biên Hòa (miền Đông Nam bộ). Không thể đứng nhìn quân giặc giày xéo trên đất nước mình, lúc đó có 40 chiến sĩ với 30 khẩu súng trường do Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy đã quyết định không rút ra Xuân Lộc, Phan Thiết mà kéo về vùng sơn cước Tân Uyên lập căn cứ kháng chiến lâu dài. Từ đó Tân Uyên thành điểm hội tụ của nhiều lực lượng kháng chiến.
Tạ Thanh Sơn cũng đã có mặt ở đây. Sau khi trở lại Ty Thông tin tuyên truyền Sa Đéc đóng ở Kinh 4 - Đồng Tháp Mười, anh đã hoàn chỉnh xong bài hát “Nam Bộ kháng chiến”, lúc đó là vào đầu năm 1946 tác phẩm như một ký sự về âm nhạc bằng điệu Thứ, nhịp hành khúc rộn ràng. Câu “Mùa thu rồi ngày 23…” như một tuyên bố rằng, mùa thu năm vửa qua đã ghi dấu ngày khởi đầu của Nam bộ kháng chiến mà mọi tầng lớp nhân dân “đi theo cờ đỏ thắm tươi khắp trời” và quyết tâm “đem thân ra đền nợ nước”. Từng lời bài hát ngấm vào lòng, đọng trong tâm khảm, tăng nhiệt cho triệu triệu dòng máu bất khuất chống quân ngoại xâm. Nó bồi thêm khí phách, khí phách đó là dư âm của ngày 23, nó như than hồng ủ dưới tro nóng đang bắt đầu bốc lửa.
Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, sinh năm 1921, quê ở thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long. Từng là học sinh của trường Cô-li-e Cần thơ (nay là Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm), thường tham gia phong trào Thanh niên tiên phong, nên có điều kiện giao lưu với các bậc đàn anh như Lưu Hữu Phước, Nguyễn Mỹ Ca, Trần Bửu Kiếm, Ung Ngọc Ky… Anh thích hoạt động văn nghệ và tập viết nhạc từ đó.
Năm 1946, khi viết bài hát “Nam Bộ kháng chiến” anh mới 25 tuổi. Những nốt nhạc đầu tiên của bài này ra đời tại làng Mỹ Xuyên (Đồng Tháp) sau khi anh dự lớp huấn luyện khóa Quách Văn Cự và xung vào tuyên truyền quân đội Khu 8. Lần đầu tiên bài hát ấy được đăng trên báo Độc Lập và theo con đường phổ biến thông thường ở chiến khu là chép tay và truyền miệng.
Hôm gặp chúng tôi, nhạc sĩ Phan Vân ôm đàn hát rất say sưa bài hát này. Còn tôi cứ ngỡ anh như đang đứng trong dàn đồng ca của Đoàn Ca nhạc Đài TNVN năm nào. Mắt anh sáng, miệng anh tươi, giọng rất khỏe và vang. Bỗng anh trầm giọng lại, mắt anh như ngấn lệ và chậm rãi thốt ra câu: tiếc rằng Tạ Thanh Sơn không còn nữa…
66 năm qua, bài hát “Nam bộ kháng chiến” luôn ngân vang trong lòng quân dân cả nước và trên làn sóng của phát thanh truyền hình. Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn vĩnh biệt chúng ta đã 26 năm (anh mất ngày ngày 27/4/1986) để lại cho giới nhạc sĩ, cho bà con Vĩnh Long và cả nước một bài hát lịch sử, có sức thuyết phục lòng yêu nước mạnh mẽ cùng với lòng nhớ thương và khâm phục một tài năng xuất hiện trong buổi đầu cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Bài hát ấy cho đến nay vẫn còn sống mãi…
Theo VOV