70 năm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, địa phương

Cập nhật: 13-05-2021 | 07:36:33

Sáng qua (12-5), Sở Công thương đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành công thương Việt Nam (14.5.1951 - 14.5.2021). Tham dự lễ có ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tại buổi lễ, các đại biểu cùng khẳng định, trong suốt chặng đường 70 năm đồng hành với sự phát triển của đất nước, của tỉnh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngành công thương đã có những bước chuyển mình, đổi mới mạnh mẽ, đạt nhiều thành tích, đưa Bình Dương trở thành tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao và giữ vị trí quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 Ngành công thương Bình Dương đã tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, đổi mới thu hút đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp VSIP II (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: TRẦN TÌNH

 Tự hào chặng đường 70 năm

Trong suốt 70 năm qua, ngành công thương đã đóng vai trò quan trọng từ việc sản xuất, trưng mua, bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, vũ khí… phục vụ kháng chiến cho đến khôi phục ngành nghề truyền thống gốm sứ, sơn mài… Từ đổi mới cơ chế quản lý kinh tế tư nhân đến những chính sách đột phá trong sản xuất - phân phối và lưu thông… đã thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh phát triển, tạo việc làm cho người lao động, ổn định đời sống nhân dân.

Và càng tự hào hơn khi bước vào thời kỳ đổi mới, ngành công thương Bình Dương vừa thực hiện tốt vai trò người dẫn đường, chỉ lối cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát huy thế mạnh về tài lực, vật lực, vừa khai thác tối ưu nguồn vốn, đất đai, khoa học công nghệ…; đồng thời, công tâm trong trách nhiệm là trọng tài, quản lý nhà nước, bảo đảm sự vận hành của nền kinh tế ngày càng đi vào nề nếp, hưng thịnh.

Những cải cách về kinh tế và sự phát triển vượt bậc từ một tỉnh nông nghiệp sang một tỉnh công nghiệp năng động trong thời kỳ tái lập tỉnh đã được thực hiện trong gần 25 năm qua (1997- 2021) đã cho thấy những chuyển biến rất cơ bản của ngành công thương. Đặc biệt, năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn vì tác động và ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Trong bối cảnh chung đó, ngành công thương Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, đóng góp vào thành tích chung của tỉnh trong thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Và để làm được điều đó, phải nhờ những nội lực và nền tảng vững chắc mà biết bao thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức ngành công thương đã gầy dựng qua từng thời kỳ.

 Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Công tác quản lý của ngành công thương đã ngày càng được hoàn thiện, thực hiện tốt việc chủ động và tích cực tham gia hội nhập sâu kinh tế quốc tế theo đường lối của Đảng. Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh kỳ vọng vai trò của ngành công thương sẽ tiếp tục được phát huy rõ hơn nữa, đặc biệt là góp phần vào định hướng hội nhập sâu rộng của tỉnh nhà. Ngành sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, hoàn thành xuất sắc trọng trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần đưa Bình Dương phát triển đúng định hướng.

Vững vàng vượt qua khó khăn

Tự hào về chặng đường đã qua, bước sang giai đoạn mới, trước xu thế hội nhập và phát triển, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành công thương xác định sẽ vừa kế thừa truyền thống tốt đẹp của ngành, đồng thời cần tiếp tục đoàn kết, năng động và sáng tạo cùng toàn tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Phát biểu về chặng đường sắp tới của ngành, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương cho biết, cùng với định hướng “Phấn đấu xây dựng một Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị, thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”, theo đó, ngành công thương sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đối với lĩnh vực công nghiệp, ngành sẽ tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp dựa trên đổi mới thu hút đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, ưu tiên mời gọi, thu hút hoặc mở rộng đầu tư những ngành nghề đang có tiềm năng lớn, có hàm lượng khoa học công nghệ cao; nâng cao trình độ sản xuất, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa…

Đối với lĩnh vực thương mại, tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, thương mại hiện đại, nâng cao tỷ trọng ngành trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; khuyến khích các dự án đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, các loại hình phân phối hiện đại; quản lý và phát triển thị trường ổn định, bảo đảm cung cầu, nhất là các mặt hàng thiết yếu; xây dựng khu phức hợp Trung tâm Thương mại thế giới, trung tâm phân phối hàng hóa, các công trình hạ tầng dịch vụ logistics hiện đại…

Đặc biệt, ngành phấn đấu nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư, thương mại; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; triển khai thực hiện các giải pháp về tăng cường năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu; phát triển đa dạng thị trường nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào các thị trường lớn…

 Với những đóng góp to lớn trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành công thương tỉnh Bình Dương đã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000), Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2002), Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2013)… Nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý, như: Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, lá cờ đầu của ngành công thương…

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1259
Quay lên trên