Về khu phố 4B, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, nhắc đến bà Nguyễn Thị An hay làm công tác từ thiện, không ai không biết. Người dân nhắc đến bà với lòng kính trọng và cảm phục về một người phụ nữ cống hiến hết mình với công tác xã hội.
“Mặt trận” nào cũng có mặt
Ít ai có thể hình dung được người phụ nữ nhỏ nhắn với mái tóc đã bạc như bà An hiện đang kiêm nhiệm các công tác của phụ nữ, MTTQ, người cao tuổi… ở khu phố. Nhiều năm tham gia công tác xã hội, bà là một tấm gương tiêu biểu, có nhiều đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Với sự nhiệt tình, trách nhiệm vốn có, khi vừa nghỉ hưu, bà đã được người dân trong khu phố tin tưởng bầu vào nhiều vị trí công tác. Hàng năm, bà An cùng với chi bộ, ban điều hành khu phố tổ chức vận động nhân dân đăng ký gia đình văn hóa, khu phố văn hóa; đăng ký cam kết “Gia đình an toàn về an ninh trật tự”. Nhờ vậy, khi bình xét hộ gia đình văn hóa, khu phố luôn đạt từ 97% trở lên, là khu phố văn hóa nhiều năm liền.
Bà Nguyễn Thị An (bìa trái) trong một lần thăm và tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn
70 tuổi nhưng đôi mắt bà vẫn còn tinh nhanh, dáng người khỏe mạnh và giọng ôn hòa, ấm áp. Qua câu chuyện bà kể, chúng tôi có thể cảm nhận được tình cảm thân ái mà sâu sắc bà dành cho mảnh đất Dầu Tiếng thân thương. 70 tuổi nên bà cũng có nhiều kinh nghiệm, đủ để người dân trong khu phố tin tưởng bầu vào tổ hòa giải cơ sở. Từ đó, bà cùng các thành viên trong tổ hòa giải kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư; không xảy ra khiếu nại vượt cấp; phối hợp vận động nhân dân buôn bán không lấn chiếm hành lang vỉa hè; vận động nhân dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi, đóng tiền đổ rác và đổ rác đúng nơi quy định.
Theo bà An: “Việc hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình. Hiếm có vụ việc nào chỉ hòa giải một lần là đã thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi han, chia sẻ. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn. Cho dù vất vả hay mất nhiều thời gian công sức, nhưng bù lại là niềm vui sau mỗi lần hòa giải được mâu thuẫn giữa mọi người, là sự tin yêu, quý mến của bà con”.
Mê làm từ thiện
Bà An kể, cứ chiều chiều bà lại đi bộ một vòng ra chỗ sân bóng của khu phố, gặp ai là bà tranh thủ hỏi han, trò chuyện nên biết được “chuyện to, chuyện nhỏ”. Có khi, tranh thủ những lần đi chợ, tập thể dục, bà lại “thủ thỉ” để làm công tác dân vận. Thời gian qua, bà An cùng các thành viên MTTQ vận động được 721 phần quà trao tặng cho các hộ nghèo, cận nghèo, những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong khu phố. Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, bà đã vận động thành lập được mô hình “Bếp cơm nghĩa tình”, phát đồ ăn cho bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn, bếp ăn này vẫn được duy trì cho đến nay. Đặc biệt, từ cuối năm 2022 đến nay, bà đã xin ý kiến các thành viên Ban Công tác Mặt trận thành lập mô hình “Chăm sóc người nghèo lớn tuổi, neo đơn, khuyết tật”. Mỗi tháng, từ số tiền lương hưu ít ỏi của mình, bà An trích 600.000 đồng để tặng cho 2 người già lớn tuổi neo đơn, khuyết tật của khu phố.
Bà An tâm sự: “Làm công tác mặt trận cực mà vui. Cực vì “trận nào cũng có mặt”, từ công tác hòa giải ở cơ sở đến vận động người dân thực hiện các quy ước tại khu dân cư; vận động người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo. Nhưng tôi cũng thấy vui vì mình đi vận động, chăm lo cho những người khó khăn, những mảnh đời bất hạnh để phần nào sẻ chia với họ. Giá trị những phần quà không nhiều nhưng khi nhìn thấy họ nhận quà ai cũng xúc động. Cái mà họ quý là ở tấm lòng biết sẻ chia, sự chân tình khi hỗ trợ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn…”.
HUỲNH THỦY