73 năm ấy biết bao ân tình- Kỳ 2

Cập nhật: 25-07-2020 | 07:37:08

Kỳ 2: Canh “giấc ngủ” cho đồng đội

Hàng chục năm qua, họ đã xem nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) là nhà; chăm sóc các mộ phần liệt sĩ không chỉ là công việc, mà còn là bổn phận phải làm. Một thời cầm súng chiến đấu cùng đồng đội dọc chiến trường Nam, Bắc, ngày đất nước thống nhất họ quay về nghĩa trang chăm lo nhang khói cho các liệt sĩ. Và mỗi năm trôi qua, cứ đến ngày 27-7, họ lại tất bật chăm sóc “ngôi nhà” ấy đẹp hơn, tươm tất hơn mới thấy an lòng.

Đồng đội hy sinh để tôi được sống

“Sau một trận gió lốc, dù đó là 12 giờ khuya hay 3 giờ sáng, ông ấy liền bật dậy cầm đèn pin đi dọc nghĩa trang, dựng từng bát nhang bị gió xô ngã. Nhiều lần tôi ra nghĩa trang tìm và hỏi: Sao ông không để sáng mai lại làm mà phải khổ như thế? Ông ấy bảo rằng: Sáng mai làm không kịp, kẻo có người nhà liệt sĩ đến thăm, nhìn thấy bát nhang nghiêng ngã khó coi lắm, sao ăn nói với người ta! Vậy đó, có hôm ông ấy cặm cụi đến sáng, chiếc áo ướt đẫm mồ hôi. 3.600 ngôi mộ ở đây, chỉ đọc qua tên là ông ấy biết được nằm ở khu vực nào, thuộc hết trong đầu”, bà Võ Thị Khẩn nói về công việc của chồng mình.

Mỗi ngày, anh Thạch Hà không quên nhang khói cho các ngôi mộ chưa xác định được tên tuổi ở Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Dĩ An

Anh Minh, người có thâm niên 15 năm quản trang ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh đang tu sửa lại những mộ phần hư hỏng trước ngày 27-7

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Xuân hạnh phúc khi nói đến công việc quản trang ở Nghĩa trang Liệt sĩ TX.Bến Cát

Ông Nguyễn Văn Xuân là người đã sống và trông coi NTLS TX.Bến Cát đã 30 năm. Cách đây 2 năm, vì tuổi cao sức yếu, ông được chính quyền địa phương cho nghỉ việc. Tuy nhiên, suốt 2 năm qua, trừ những ngày ốm đau hay bận công việc, ông Xuân mới vắng mặt tại nghĩa trang này. “Dù đã 88 tuổi nhưng ông ấy vẫn còn khỏe. Mỗi ngày ông Xuân vẫn dậy sớm tập thể dục, cưỡi xe máy chở tôi đến nghĩa trang quét dọn. Không có việc gì thì đi đốt nhang, kiểm tra xem có ngôi mộ nào bị nứt nẻ không để tu bổ. Tôi ít tuổi hơn, mới làm công việc này được hơn 10 năm, nên vẫn còn được nhận lương Nhà nước. Ông ấy thì làm việc không lương nhưng không bao giờ chịu ngồi nhà đâu. Ông ấy xem công việc chăm sóc nghĩa trang là trách nhiệm, bổn phận phải làm. Năm nào cũng vậy, cứ đến gần ngày 27-7, ông ấy lại khó ngủ, chạy xe máy lên về nghĩa trang liên tục để chăm chút từng khóm hoa, cành lá, nhắc tôi từng việc nhỏ nhất mà mỗi năm phải làm”, bà Khẩn cho biết.

Từ năm 18 tuổi, ông Xuân rời quê hương Quảng Ngãi vào chiến trường Tây nguyên chiến đấu. Năm 1954 tập kết ra Bắc. Đến năm 1969, ông quay lại chiến trường miền Nam cầm súng giải phóng đất nước. Năm 1977, ông được phân công về Trại trâu sữa (Lai Khê) làm việc cùng anh hùng Hồ Giáo. Năm 1990, khi NTLS TX.Bến Cát còn hoang sơ cây cỏ, chưa được xây mới và không ai nhận việc trông coi tại đây thì ông Xuân là người tiên phong. “Ngày đó với đồng lương ít ỏi, cỏ Mỹ trong nghĩa trang phủ kín đầu. Có người khuyên tôi bỏ việc, nhưng tôi đâu làm việc vì tiền. Trong nghĩa trang có không ít người là đồng đội của tôi, họ hy sinh cả xương máu để bảo vệ Tổ quốc, hy sinh bản thân để chúng tôi được sống. Tôi quay về nghĩa trang, chăm sóc mộ phần cho các anh là trách nhiệm tôi phải làm”, ông Xuân tâm sự.

Từ năm 1992, khi NTLS Bến Cát được quy tập, xây mới, bản thân ông Xuân cũng không nhớ rõ mình đã bốc bao nhiêu ngôi mộ liệt sĩ đưa về từng khu riêng biệt Bắc, Nam, Trung… Nhờ đó mà đến nay, người thân liệt sĩ đến đây chỉ nhìn vào sơ đồ nghĩa trang là biết ngay phần mộ của người thân mình. Ông Xuân kể: “Những ngày tháng đó vất vả lắm, để khắc tên lên bia mộ cho các liệt sĩ, tôi phải đạp xe từ Bến Cát về Thủ Dầu Một không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần quy tập, sắp xếp lại mộ phần là tôi đạp xe hàng chục cây số đi về. Về đến nơi là làm việc xuyên suốt, chứ không như bây giờ phun thuốc diệt cỏ, hay sửa lại ngôi mộ cũng được tính tiền đâu”. Hàng chục năm qua, ông cũng đã theo chân cán bộ địa phương đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh khi tìm thấy mộ liệt sĩ, đưa các anh về nghĩa trang để nhang khói, chăm lo.

Ngày trước, dù chưa có một ngôi nhà để che nắng che mưa, hàng chục năm sống tại nghĩa trang, nhưng chính quyền cấp đất ông không nhận. Cấp cho chiếc xe máy để đi lại, ông cũng từ chối vì sợ tốn xăng. Đến sau này ông chỉ nhận chiếc xe đạp Hữu nghị để phục vụ công việc. Không biết bao lần, người nhà của liệt sĩ đến đốt nhang, bỏ quên túi xách, đánh rơi bóp với số tiền lớn, ông tìm cách trả lại. Ông đã sống liêm khiết như thế cả một đời. Tâm nguyện của ông là chỉ mong có sức khỏe, để tiếp tục chăm sóc “mái nhà” của đồng đội, đồng chí mình ngày càng tươm tất hơn, đẹp hơn và ấm cúng hơn.

Được chăm sóc mộ là cái duyên trời định

Những ngày gần đây, anh Thạch Hà, người trông coi NTLS TP.Dĩ An cũng tất bật với công việc treo cờ, hoa cho ngày lễ lớn. Cũng như ông Xuân, anh Hà là bộ đội phục viên, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia 4 năm. Ngày trở lại quê hương, anh tham gia nhiều công việc từ kinh doanh, chạy xe ôm, lập gia đình. Tuy nhiên, theo anh Hà thì không hiểu sao những ngày tháng ấy trong người luôn cảm thấy bất an, dù có lúc làm ra nhiều tiền. Cách đây 20 năm, qua giới thiệu của địa phương, anh xin vào làm quản trang tại nghĩa trang thì tâm tính thay đổi, như trở thành một con người khác. “Vào đây làm việc với đồng lương ít ỏi, nhưng mình làm ra tiền thì giữ được tiền, đầu óc thanh thản, sức khỏe cũng tốt lên. Tôi nghĩ được chăm sóc mộ phần cho các cô, các chú cũng là cái duyên trời định, vậy là tôi quyết định theo luôn tới giờ. Nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ ở lại đây với các cô, chú đến trọn đời”, anh Hà chia sẻ.

Nhiều năm gắn bó với công việc quản trang, chăm sóc 1.000 ngôi mộ liệt sĩ tại đây, anh Hà từ một người không thạo việc, trở thành một người kiêm nhiệm từ thợ hàng, thợ hồ, thợ đá đến cả việc chăm sóc cây cối. Anh Hà tâm sự: “Mình không tham nhiều việc, nhưng nói thật nhìn người khác vào làm thì thấy không đẹp, họ làm cho xong việc để nhận tiền chứ không có cái tâm. Còn với tôi, nghĩa trang là nhà, mà ngôi nhà của mình thì phải tự mình chăm sóc, nhang khói…”.

Những ngày qua, khi được đến thăm NTLS ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; P.V ghi nhận công tác chăm sóc mộ phần liệt sĩ ở đâu cũng tươm tất, sạch đẹp, nhang khói ấm cúng. Bên cạnh sự tận tụy của người quản trang, sự quan tâm của các ngành, các cấp; còn có sự quan tâm của lớp trẻ, đó là đoàn viên, học sinh từ các xã, phường và nhiều trường học trên địa bàn tỉnh.

Cứ vào mỗi dịp lễ, tết, đặc biệt là ngày 27-7, rất nhiều đoàn viên đã về các NTLS tham gia chăm sóc mộ phần tại đây như tưới cây, quét rác, lau chùi bia mộ. Anh Nguyễn Tuấn Đạt, Phó ban Quản lý NTLS tỉnh, cho biết: “Nhìn thấy các bạn trẻ ngày càng quan tâm đến công việc này, những người làm công tác quản trang như chúng tôi rất vui. Có khi họ đến đây để tham quan, đốt một nén nhang nhưng như thế cũng đã đủ và chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Điều đó chứng minh công tác giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ về lịch sử, cội nguồn, lòng yêu Tổ quốc ngày càng tốt hơn”. (Còn tiếp)

QUANG TÁM

 

Chia sẻ bài viết
Tags
ân tình

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=711
Quay lên trên