8 thói quen giúp sống trường thọ

Cập nhật: 11-01-2024 | 16:33:00

Tập luyện 150 phút mỗi tuần, ăn uống lành mạnh, không uống rượu say và duy trì các mối quan hệ xã hội tích cực có thể kéo dài tuổi thọ trên 20 năm.

Một nghiên cứu gần đây xác định các thói quen có thể giúp trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự khởi phát của các bệnh mãn tính như tiểu đường type 2 và bệnh tim, đồng thời kéo dài tuổi thọ của một người thêm nhiều thập kỷ.

Tương tự, nghiên cứu của các chuyên gia tại Bộ Cựu chiến binh Mỹ phát hiện việc áp dụng tất cả 8 thói quen lối sống lành mạnh ở tuổi trung niên, được xem là 40 tuổi, có thể tăng thêm trung bình 24 năm tuổi thọ của đàn ông và 21 năm đối với phụ nữ.

Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên mang lại rất nhiều lợi ích, nên đặt mục tiêu tập luyện cường độ từ trung bình đến cao, ít nhất 150 phút mỗi tuần. Rèn luyện sức mạnh đặc biệt quan trọng đối với người lớn tuổi, giúp xây dựng mật độ xương và tăng tính linh hoạt.

Nathan Price, giáo sư tại Viện Sinh học ở Seattle, Washington, đồng tác giả cuốn sách The Age of Scientific Wellness, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết việc mất chức năng trở nên nghiêm trọng ở tuổi già và ngã do mất thăng bằng, kiểm soát cơ kém thường là nguyên nhân gây hàng loạt vấn đề dẫn đến cái chết.

Ông cho rằng việc luyện tập kết hợp rèn luyện sức đề kháng và tập thể dục nhịp điệu sẽ mang lại sự cải thiện to lớn cho cả chất lượng và thời gian sống.

Thực hiện 150 phút tập thể dục cường độ từ trung bình đến mạnh mỗi tuần để tăng cường sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ.

Tránh nghiện opioid

Opioid là một nhóm thuốc giảm đau có tính gây nghiện cao. Fentanyl là một ví dụ điển hình. Loại opioid tổng hợp này mạnh hơn heroin 50 lần và hơn morphine 100 lần. Nó được chấp thuận để điều trị cơn đau dữ dội, thường là sau phẫu thuật nghiêm trọng hoặc cơn đau do ung thư tiến triển.

Các opioid khác bao gồm oxycodone, morphine, tramadol và codeine. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, các quốc gia có nguy cơ lạm dụng 5 loại thuốc opioid được liệt kê ở trên cao nhất bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Canada và Australia.

Đừng hút thuốc

Những người hút thuốc và những người xung quanh có nguy cơ mắc ung thư phổi cũng như bệnh tim cao hơn.

Quản lý căng thẳng

Nghiên cứu ước tính có tới 90% bệnh tật có liên quan đến căng thẳng. Tác hại của căng thẳng mãn tính rất nhiều, trong đó có chứng mất ngủ, rụng tóc, đau đầu, trầm cảm và mức độ viêm nhiễm nguy hiểm.

Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh luôn đi đôi với nhau. Các nghiên cứu cho thấy ăn nhiều thực vật thay vì thực phẩm chế biến sẵn sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng.

7 lợi ích được khoa học chứng minh của kiểu ăn này bao gồm bảo vệ sức khỏe tim mạch, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng cường năng lượng, giữ cho đường ruột khỏe mạnh, hỗ trợ giảm cân, tránh ung thư, ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường.

Trong đó, ông Price cho biết các yếu tố chính của cách ăn này là nạp một lượng calo thích hợp để duy trì cân nặng khỏe mạnh, tập trung vào thực phẩm nguyên chất, nạp nhiều protein để duy trì hoặc tăng trưởng cơ bắp, tránh thực phẩm chế biến sẵn.

Đừng uống rượu say

Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Hong Kong định nghĩa việc uống say là "uống ít nhất năm lon bia, năm ly rượu vang hoặc năm cốc rượu mạnh (60 ml hoặc 2 oz) trong một lần uống". Tuy nhiên, ngay cả khi tiêu thụ ít hơn mức đó cũng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, tiêu thụ nhiều rượu có thể gây cao huyết áp; bệnh tim; đột quỵ; bệnh gan và các vấn đề về tiêu hóa; ung thư vú, miệng, họng, thực quản, thanh quản, gan, đại tràng và trực tràng; suy yếu hệ thống miễn dịch...

Ngủ ngon

Thời lượng ngủ tối ưu cần thiết cho một người trưởng thành khỏe mạnh vào khoảng 7 đến 8 giờ mỗi đêm. Đối với thanh thiếu niên, đó là 8 đến 10 giờ. Thiếu ngủ có liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống kém hơn và chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn.

Phòng ngủ của bạn nên là nơi không có các thiết bị kỹ thuật số như TV và máy tính xách tay. Nếu có thể, cũng nên không có điện thoại.

Duy trì các mối quan hệ xã hội tích cực

Các kết nối xã hội mạnh mẽ đóng vai trò như một "tấm đệm" chống lại căng thẳng và những tác động có hại của chứng lo âu và trầm cảm.

Khi chúng ta già đi, việc duy trì tình bạn giúp giữ cho bộ não luôn nhạy bén. Theo một nghiên cứu gần đây của Học viện Thần kinh học Mỹ, những người bị cô lập phải đối mặt với nguy cơ co rút não cao hơn đáng kể.

Trong số những người tham gia nghiên cứu, việc không hoạt động thể thao, sử dụng opioid và hút thuốc có tác động lớn nhất đến tuổi thọ. Ba yếu tố này có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn từ 30 đến 45% trong thời gian nghiên cứu. Căng thẳng, uống rượu say, chế độ ăn uống và thói quen ngủ kém đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong khoảng 20%. Nguy cơ này tăng 5% ở việc thiếu các mối quan hệ xã hội tích cực.

Xuan Mai Nguyen, chuyên gia sức khỏe tại Bộ Cựu chiến binh, tác giả nghiên cứu, cho biết kết quả trên cho thấy việc áp dụng lối sống lành mạnh là quan trọng đối với cả sức khỏe cộng đồng lẫn cá nhân.

"Càng sớm càng tốt, ngay cả khi bạn chỉ thực hiện một thay đổi nhỏ ở độ tuổi 40, 50 hoặc 60 thì nó vẫn có lợi", vị chuyên gia cho biết.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=759
Quay lên trên