8 vitamin giúp giảm đau đầu

Cập nhật: 07-08-2024 | 16:32:49

Thực phẩm giàu vitamin nhóm B, C, D, góp phần sản xuất chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine, chuyển hóa chất dinh dưỡng, giảm tần suất đau đầu.

Đau đầu phổ biến, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Cường độ và tính chất cơn đau đầu có thể khác nhau như đau âm ỉ, dữ dội, đau nhói, châm chích ở đầu. Hầu hết thường chấm dứt hoặc biến mất trong thời gian ngắn khi người bệnh nghỉ ngơi, thư giãn. Cơn đau đầu đột ngột trở nặng, gây khó chịu, kèm sốt hoặc cứng cổ, co giật, tê yếu tay chân, giảm thị lực, thay đổi tính cách, lú lẫn, ngất xỉu, là dấu hiệu nguy hiểm, cần đi khám. Người bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu cơn đau đầu xuất hiện sau tập thể dục gắng sức, chấn thương đầu...

Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Hiền, Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng các nhóm dưỡng chất thiết yếu như bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất, có khả năng hỗ trợ ngăn ngừa, giảm đau đầu. Người bệnh có thể tăng cường thực phẩm chứa các loại vitamin sau đây để làm dịu cường độ, cải thiện triệu chứng.

Thực phẩm giàu vitamin B1 (thiamine) như thịt heo, cá, sữa chua và ngũ cốc nguyên hạt. Vitamin B1 thúc đẩy sản xuất chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Thiếu vitamin B1 gây kích thích, làm tăng tần suất hoặc mức độ nghiêm trọng của chứng đau đầu và các cơn đau nửa đầu.

Thực phẩm giàu vitamin B2 (riboflavin) như đậu nành, nấm, nội tạng động vật, sò, trứng. Vitamin B2 tham gia vào quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng cung cấp cho tế bào, góp phần tăng dẫn truyền thần kinh, duy trì chức năng não. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B2 giúp người bệnh giảm tần suất cơn đau.

Thực phẩm giàu vitamin B3 (niacin). Vitamin B3 là một phần của coenzyme NAD, NADP, hỗ trợ tăng cường chức năng não. Thiếu hụt vitamin B3 làm giảm hiệu quả phosphoryl hóa liên kết vận chuyển điện tử hoặc oxy hóa đầu cuối (một phần trong quá trình trao đổi chất của cơ thể), phá vỡ quá trình hô hấp của ty thể - một trong những nguyên nhân kích thích cơn đau đầu. Người bệnh có thể bổ sung vitamin này qua các thực phẩm như gan động vật, cá béo, thịt đỏ, thịt trắng, ngũ cốc.

Thực phẩm giàu vitamin B6 (pyridoxine) như cá béo, thịt trắng, khoai tây, chuối, đậu xanh. Vitamin B6 cần thiết cho sự phát triển và hoạt động bình thường của não, giúp cơ thể sản sinh melatonin - hormone có tác dụng điều hòa nhịp sinh học, giấc ngủ, giảm triệu chứng đau đầu do rối loạn mất ngủ. Vitamin B6 còn có tác dụng giảm đau.

Thực phẩm giàu vitamin B9 (folate). Thiếu vitamin B9 làm tăng nguy cơ bệnh thiếu máu hồng cầu to, nguyên nhân dẫn đến cơn đau đầu. Trong khi đó, vitamin B9 cần thiết cho quá trình phân chia tế bào và hình thành tế bào máu. Các món ăn như gan động vật, rau xanh lá, bông cải xanh, măng tây, cam, chuối chứa vitamin B9.

Chuối giàu vitamin B9.

Thực phẩm giàu vitamin B12 như sữa và chế phẩm từ sữa, trứng, cá, gan động vật, thịt đỏ, thịt trắng. Tác dụng của vitamin B12 giúp tăng cường sức mạnh các ty thể - bào quan nhỏ tạo ra năng lượng hóa học cần thiết cho hoạt động của tế bào, kể cả các tế bào não bộ.

Vitamin B12 hỗ trợ ngăn ngừa thiếu máu não, thiếu máu cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể. Bổ sung vitamin B12 với hàm lượng phù hợp giúp não bộ hoạt động tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu não, góp phần giảm đau đầu.

Thực phẩm giàu vitamin C có khả năng hỗ trợ điều chỉnh tình trạng viêm thần kinh, từ đó giảm cơn đau đầu. Phụ nữ thường xuyên bổ sung thực phẩm giàu vitamin C góp phần cải thiện chứng đau nửa đầu do chu kỳ kinh nguyệt. Vitamin này có nhiều trong cà chua, bông cải xanh, khoai tây, ổi, trái cây có múi.

Thực phẩm giàu vitamin D như lòng đỏ trứng, cá béo, nấm, sữa đậu nành, ngũ cốc. Cùng với thực phẩm, mọi người có thể hấp thụ vitamin D thông qua tắm nắng 10-15 phút mỗi ngày, tùy theo cường độ nắng nóng và diện tích cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Vitamin D góp phần giảm viêm, tăng cường miễn dịch, tham gia điều chỉnh sự phát triển của tế bào, kiểm soát hệ thần kinh cơ. Thiếu vitamin này làm tăng nguy cơ đau đầu.

Bác sĩ Diệu Hiền lưu ý thực phẩm giàu vitamin không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Người bệnh đau đầu nên đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Người bệnh nên thường xuyên uống đủ nước, ít nhất 1,5-2 lít nước mỗi ngày để giảm cảm giác mệt mỏi, đau đầu do thiếu nước. Tránh căng thẳng, lo âu, ngủ đủ giấc. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia. Bổ sung các hoạt chất từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) hỗ trợ điều hòa máu não, tăng cường dưỡng chất lên não, cải thiện đau đầu, mất ngủ và thiếu máu não.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1018
Quay lên trên