Dù đã 80 tuổi nhưng họa sĩ Lê Khánh Thông vẫn miệt mài với những đam mê mỹ thuật của mình. Ông nói: “Mỗi khi vẽ xong, tôi thường thức cả đêm để ngắm. Vậy mà không hề mệt mỏi tí nào. Có lẽ niềm phấn khởi với tác phẩm đã bổ trợ sức khỏe để tôi tiếp tục cống hiến cho đời…”.
Họa sĩ Lê Khánh Thông phấn khởi chia sẻ về các tác phẩm tại triển lãm
Nghệ sĩ đa tài, năng động
Có dịp thưởng lãm tranh của họa sĩ Lê Khánh Thông tại Bảo tàng tỉnh nhân những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đã được nghe thêm nhiều câu chuyện thú vị về người nghệ sĩ luôn đam mê sáng tạo nghệ thuật dù đã ở vào độ tuổi xưa nay hiếm. Ông Ngô Phước Chánh, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, cho biết họa sĩ Lê Khánh Thông năm nay tròn 80 tuổi. Ông là một chiến sĩ, một giảng viên, một nghệ sĩ đa tài, năng động. Với hơn 60 năm tuổi nghề, giờ đây ông vẫn không ngừng sáng tác. Trên 30 bài thơ, hàng chục bài viết đăng trên các báo, trên 100 tác phẩm hội họa, ký họa - một gia tài không nhỏ của một nghệ sĩ đã hết lòng vì nghệ thuật.
Năm 1965, họa sĩ Lê Khánh Thông đã hành quân từ miền Bắc vượt Trường Sơn cùng đoàn văn nghệ sĩ vào Nam chiến đấu và công tác. Vừa cầm súng, vừa cầm bút để làm báo “Cờ giải phóng” - Cơ quan của Mặt trận Dân chủ Giải phóng tại chiến trường Huế đã rèn luyện cho họa sĩ có được sức mạnh, lòng căm thù, yêu dân, tin Đảng thể hiện bằng lao động nghề nghiệp của mình. Ông vừa viết báo, vừa vẽ tranh triển lãm tại chỗ cho bộ đội lúc hành quân, cho dân xem ở vùng giải phóng và gửi tranh ra miền Bắc triển lãm, lưu giữ.
Sau giải phóng miền Nam, họa sĩ được ra Bắc để hoàn thành chương trình học đại học mỹ thuật tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, họa sĩ được điều về giảng dạy tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Nghệ Tĩnh. Cuối năm 1992, theo yêu cầu của tỉnh Sông Bé, ông chuyển về giảng dạy ở khoa cơ bản trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương đến khi nghỉ hưu (2004). Ông hiện là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Dương. Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội lưu giữ 3 bức tranh của ông; Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh lưu giữ 18 bức; Bảo tàng Bình Dương lưu giữ 1 bức (3 thế hệ đánh giặc).
Kể chuyện làng nước bằng tranh
Hòa mình vào không gian triển lãm những tác phẩm của họa sĩ Lê Khánh Thông tại Bảo tàng tỉnh, chúng tôi đã có dịp thưởng lãm bút pháp tài hoa của người nghệ sĩ với nửa thế kỷ cầm bút. Từ những ký họa đầu tiên vẽ dọc đường hành quân với bao cảm xúc chân thực theo dấu chân người lính tới những ngày hòa bình đầu tiên núi sông bờ cõi liền một dải; rồi đất nước đổi mới - mở cửa, hội nhập tự tin với thế giới bên ngoài...
Các tác phẩm hội họa của ông càng đa dạng hơn khi có thêm những nhánh rẽ mới. Cái nhìn vẫn tinh tế, đằm thắm nhưng nhịp bút lại phóng khoáng, bay bổng hơn ở nhiều chất liệu khác nhau, như: Sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, màu nước, phấn màu... “Con mắt thỏa thuê tìm cái đẹp của Lê Khánh Thông chẳng muốn già trước những vẻ đẹp mới của người Việt mới nơi biển, trời, sông, núi quê hương từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét về ông.
Nặng tình với nghệ thuật, nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023), họa sĩ Lê Khánh Thông đã góp vào triển lãm tại Bảo tàng tỉnh hơn 60 tác phẩm về quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước của dân tộc và của Bình Dương. Ông nói: “Thật sự cảm ơn Bảo tàng tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Công ty Quảng cáo Nỗ Lực đã trực tiếp giúp đỡ tạo không gian đẹp, dàn dựng, trưng bày cho triển lãm kịp thời, đầy đủ, đẹp mắt. Triển lãm này là sự tri ân của tôi với quê hương Bình Dương qua những năm gắn bó, công tác ở trường Trung cấp Mỹ thuật (nay là trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương) cùng bạn bè, đồng nghiệp”.
Theo họa sĩ Huỳnh Phú Hà, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh, đây là lần đầu tiên ông được chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh của họa sĩ Lê Khánh Thông và thật sự trân quý tài năng nghệ thuật và sự nhiệt tình sáng tạo nghệ thuật của một họa sĩ lão thành. Họa sĩ có cơ hội đi nhiều, vẽ nhiều và đã có nhiều tác phẩm để đời. Với năng lực và sức khỏe của mình, họa sĩ đã làm cho câu chuyện mỹ thuật của mình gần như hiếm có về những trải nghiệm từ thời chiến tranh đến hòa bình và quá trình phát triển của đất nước để chúng ta có thể xem, chiêm nghiệm lại quá khứ, để biết yêu mến lịch sử, văn hóa của Việt Nam.
“Ngày ấy, khi thế hệ anh em chúng tôi phải rời Hà Nội sơ tán về nông thôn, bắt đầu làm quen với cuộc sống thời chiến kham khổ, đội mũ rơm đến trường, học bài bên hầm trú ẩn và tự lớn khôn trong bom đạn chiến tranh... thì họa sĩ Lê Khánh Thông đã có một khởi nghiệp đẹp để thuận mệnh cho nghệ thuật và tuổi trẻ của mình. Ông vượt ngàn dặm Trường Sơn, có mặt ở chiến trường bỏng lửa Thừa Thiên - Huế để làm báo Cờ giải phòng và vẽ tranh nơi trận mạc”. (Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) |
THỤC VĂN