Tổng cả vốn đầu tư thực hiện và tổng vốn đầu tư đăng ký trong 9 tháng tiếp tục tăng so cùng kỳ, lần lượt là 8,9% và 11,6%, trong đó giá trị đầu tư mới và quy mô vốn điều chỉnh đều tăng.
Lũy kế đến ngày 30/9, cả nước có 41.314 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 491,71 tỷ USD.
Ngày 4/10, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến ngày 30/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng hơn 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, cả nước có 41.314 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 491,71 tỷ USD (lũy kế đến ngày 30/9). Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 314,5 tỷ USD, bằng gần 64% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tổng cả vốn đầu tư thực hiện và tổng vốn đầu tư đăng ký trong chín tháng tiếp tục tăng so với cùng kỳ, các mức tăng lần lượt là 8,9% và 11,6%, trong đó giá trị đầu tư mới và quy mô vốn điều chỉnh đều tăng. Riêng tháng Chín, tổng lượng vốn đầu tư mới, tăng thêm và vốn góp mua cổ phần đạt mức cao nhất trong các tháng (từ đầu năm đến nay) với gần 4,26 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư cả nước trong 9 tháng. Ngoài ra, vốn đầu tư tăng thêm cũng đạt mức cao nhất từ đầu năm với các dự án được mở rộng vốn lớn.
Về địa phương, vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút, như: Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Ninh Thuận. Đáng chú ý, 10 địa phương này chiếm 80% số dự án mới và gần 73% số vốn đầu tư của cả nước trong 9 tháng.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết các đối tác đầu tư lớn nhất trong 9 tháng chủ yếu đến từ châu Á, bao gồm Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản. Cụ thể, 5 quốc gia và vùng lãnh thổ này chiếm trên 73% số dự án đầu tư mới và hơn 75% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Nhiều dự án lớn trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng… được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 9 tháng.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài 9 tháng tiếp tục tăng trưởng, như nhận mức xuất siêu gần 38 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô) và xuất siêu hơn 36,5 tỷ USD (không kể dầu thô), bù đắp phần nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 19,8 tỷ USD.
Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư 105 dự án mới và 18 lượt điều chỉnh vốn đầu tư trong 9 tháng với tổng vốn hơn 177,4 triệu USD (bằng 42,6% so với cùng kỳ). Dòng vốn đầu tư tập trung vào các ngành khai khoáng, bán buôn, bán lẻ và sản xuất, phân phối điện. Ba quốc gia Hà Lan, Lào và Hoa Kỳ đang dẫn đầu trong số 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhận đầu tư từ Việt Nam. Lũy kế đến tháng 9/2024, Việt Nam có 1.772 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn gần 22,11 tỷ USD./.
Theo TTXVN