9 tỉnh, thành phố tham dự Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại Ninh Thuận

Cập nhật: 10-09-2024 | 07:11:39

Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI năm 2024 sẽ diễn ra tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận từ ngày 27-29/9/2024, với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào dân tộc Chăm của 9 tỉnh, thành phố.

Thông tin trên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết tại cuộc họp báo chiều 9/9, tại Hà Nội. 


Nghi thức rước Y trang Nữ thần Pô Sah Inư lên Tháp chính tại lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở tỉnh Bình Thuận.

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước”, Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì tổ chức, với sự tham gia của 9 các tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Ngày hội là dịp tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó, tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, có sự thống nhất và hòa hợp giữa các dân tộc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc đổi mới hội nhập và phát triển; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự đối với đồng bào dân tộc Chăm trong tình hình mới và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra.

Ngày hội cũng góp phần củng cố vị thế quốc gia trên trường quốc tế; tuyên truyền, quảng bá với các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh thuộc khu vực này.

Theo Ban tổ chức, Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa như: Trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; tổ chức không gian trưng bày, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch, đất nước, con người và những thành tựu về kinh tế-xã hội của các địa phương; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống địa phương; trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm; Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm; Triển lãm “Đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; Triển lãm tranh mỹ thuật về văn hóa dân tộc Chăm…

Bên cạnh đó, Ngày hội còn diễn ra các hoạt động thể dục thể thao truyền thống như: Thi đấu 6 môn kéo co, đẩy gậy, bóng đá (mini nam), bóng chuyền (nam), đội nước (nữ), việt dã (nam, nữ).

Trong khuôn khổ Ngày hội, Hội thảo về du lịch với chủ đề “Phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch” sẽ được tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia văn hóa, du lịch, các nhà nghiên cứu văn hóa… nhằm tìm giải pháp để phát triển văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch tại địa phương.   

Lễ khai mạc sẽ diễn ra tối 27/9 tại Quảng trường tượng đài 16/4 (thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, Ninh Thuận). Điểm nhấn của chương trình Khai mạc Ngày hội là Lễ công bố và đón bằng công nhận 2 Bảo vật quốc gia là tượng thờ vua Pô Klong Garai và bia ký Phước Thiện thuộc Di sản văn hóa Chăm ở Ninh Thuận.  

Trong đó, Bảo vật quốc gia tượng thờ vua Pô Klong Garai là điêu khắc đá bằng chất liệu sa thạch gồm có bệ Yoni, trụ Linga đính hình mặt vị thần được người Chăm thờ phụng trong đền tháp Pô Klong Garai ở phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, được xây dựng từ thế kỷ thứ 13, 14.

Bảo vật quốc gia bia Phước Thiện được phát hiện vào năm 1992 ở thôn Phước Thiện, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước. Trên hai mặt tấm bia có khắc chữ Chăm cổ; dựa vào nội dung văn khắc và đặc điểm chữ viết, các nhà khoa học xác định bia Phước Thiện có niên đại cuối thế kỷ thứ 8.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, bên cạnh lễ công bố và đón Bằng chứng nhận Bảo vật quốc gia, chương trình khai mạc còn có các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, với sự tham gia của chủ thể văn hóa, các nghệ nhân, diễn viên, nghệ sỹ… gắn bó với văn hóa dân tộc Chăm.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Ngày hội được tổ chức nhằm khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với công tác bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc nói chung, với văn hóa dân tộc Chăm nói riêng. Thông qua Ngày hội, Ban tổ chức muốn giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm như nghệ thuật múa, âm nhạc, kiến trúc, nghề truyền thống, nhạc cụ, các di sản văn hóa, đặc biệt là hệ thống tháp Chăm… tới công chúng, đồng thời khẳng định những đóng góp vô cùng quan trọng của giá trị di sản văn hóa Chăm với phát triển kinh tế xã hội của địa phương…

Đại diện Ban tổ chức cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị cho Ngày hội đã được triển khai theo đúng lộ trình và đảm bảo tiến độ, để Ngày hội diễn ra theo kế hoạch đã đề ra.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=701
Quay lên trên