Có thể khẳng định, giai đoạn đổi mới từ năm 1986 có ý nghĩa hết sức quan trọng, cả nước nói chung và Sông Bé nói riêng đã được hòa mình vào luồng gió mới. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh. Đây cũng chính là bước ngoặt quan trọng để đất và người Bình Dương hôm nay hiện thực hóa được những ước mơ, hoài bão vươn lên tầm cao mới.
Bài 8: Đổi mới tư duy, vươn lên bằng công nghiệp hóa
Sau khi chia tách tỉnh, cùng với các KCN Sóng Thần I, II, Đồng An, Bình Đường, Việt Hương, Tân Đông Hiệp, KCN Việt Nam - Singapore I tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội mạnh mẽ cho Bình Dương. Trong ảnh: Một góc KCN Việt Nam - Singapore I. Ảnh: Q.CHIẾN
Hít thở luồng gió đổi mới
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Sông Bé đã đoàn kết, tự lực, tự cường khắc phục những khó khăn, trở ngại, phấn đấu vươn lên. Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ IV họp từ ngày 28-10 đến 1-11-1986 đã chỉ rõ cần phải đổi mới cách suy nghĩ, cách làm; đổi mới tư duy kinh tế; đổi mới phong cách làm việc gắn bó với quần chúng; đổi mới tổ chức cán bộ và hành động theo quy luật, giải phóng cho kỳ được lực lượng sản xuất hiện có, khai thác và phát huy mọi tiềm năng của tỉnh để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh. ..
Nhằm tiếp tục tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển đột phá, ngày 12-10-2004, Bình Dương đã khởi công xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị có tổng diện tích trên 4.000 ha. Nếu như quốc lộ 13 được xem là “cửa ngõ phát triển thứ nhất” thì Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương là “cửa ngõ phát triển thứ hai”. Sự ra đời của Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương thực sự là bước ngoặt quan trọng, khẳng định sự năng động và sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo đường lối đổi mới của Đảng. |
Để cụ thể hóa chủ trương đổi mới của Đảng, đến đầu năm 1987, Tỉnh ủy đã đề ra 3 chương trình mục tiêu lớn là: Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đây là các chương trình có ý nghĩa thực tiễn cao, tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của Sông Bé - Bình Dương sau này. Các nút thắt trong quản lý kinh tế được giải quyết, cùng với đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp ngày càng thích ứng và năng động với thị trường trong nước và thị trường quốc tế, chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh đã huy động được mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh và đã tận dụng, phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng vùng. Do vậy, kinh tế - xã hội của tỉnh dần ổn định, từng lĩnh vực của ngành kinh tế đều đạt được những thành tựu và tiến bộ quan trọng; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ...
Đường lối đổi mới đã có tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp, tiếp tục chuyển đổi mạnh về cơ cấu, tạo ra nguồn hàng tương đối lớn có giá trị xuất khẩu. Tỉnh đã đề ra một số chủ trương, chính sách phù hợp; khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, bước đầu giải phóng năng lực sản xuất trong nông thôn, nông dân mạnh dạn đầu tư thâm canh tăng năng suất, tăng diện tích. Đến năm 1991, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt trên 278 tỷ đồng. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Nghị quyết 16/ BCT của Bộ Chính trị năm 1988 đã mở rộng đường cho ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Sông Bé. Trên những cơ sở đó, đến năm 1990, nhiều công ty, xí nghiệp đã dần thích ứng với cơ chế mới, phát huy được nguồn vốn, kỹ thuật, năng lực quản lý và từng bước phát triển, mở rộng sản xuất.
Từ khi có chủ trương đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sông Bé đã vận dụng sáng tạo, phù hợp các chủ trương, chính sách của Trung ương vào hoàn cảnh thực tế của địa phương. Đây là giai đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo đà vươn lên mạnh mẽ cho Bình Dương trong giai đoạn phát triển mới sau năm 1997. Một trong những chính sách được tỉnh sớm đề ra trên lĩnh vực phát triển kinh tế đối ngoại và thu hút đầu tư trong và ngoài nước mà sau này được nhiều địa phương khác nghiên cứu áp dụng đó chính là chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư”. Mục đích của chính sách này nhằm tạo ra một không gian mở để nền kinh tế phát triển nhanh, từng bước trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, có kết quả nổi trội về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đột phá bằng công nghiệp
Ngày 1-1-1997, trên cơ sở chia tách tỉnh Sông Bé, Bình Dương bước vào quá trình xây dựng và phát triển. Sau khi ổn định tình hình, cuối tháng 1-1997, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh đã họp hội nghị lần thứ nhất (mở rộng), bàn các chuyên đề nhằm phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong năm 1997, những chương trình mục tiêu quan trọng đến năm 2000. Kế thừa những thành tựu của Sông Bé, việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp (KCN) tập trung là mục tiêu xuyên suốt vô cùng quan trọng trên con đường phát triển tỉnh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực tập trung thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết là ưu tiên phát triển các KCN tập trung, tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo đà phát triển ổn định và bền vững.
Từ thực tiễn đổi mới, tỉnh xác định chỉ có phát triển công nghiệp mới tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Với tư duy đó, bắt đầu từ KCN đầu tiên của tỉnh (Sóng Thần 1), chỉ một thời gian ngắn sau năm 1997, Bình Dương đã có 7 KCN được Chính phủ cấp phép xây dựng và đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 1.500 ha gồm Sóng Thần I, II, Đồng An, Bình Đường, Việt Hương, Tân Đông Hiệp và KCN Việt Nam - Singapore. Quy mô của các KCN phát triển nhanh, đưa giá trị sản xuất tăng mạnh từ 94,7 tỷ đồng (1997) lên 3.081 tỷ đồng (2000).
Các dự án đầu tư vào KCN đã đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặt khác, sự hình thành các KCN đã thu hút, thúc đẩy các loại hình dịch vụ phát triển, hình thành những khu đô thị mới. Hiệu quả rõ nét nhất của các KCN là đã đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả phát triển các KCN tập trung thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ và chính quyền tỉnh. Môi trường đầu tư thông thoáng và thuận lợi, sự quan tâm tháo gỡ khó khăn kịp thời đã làm cho các nhà đầu tư an tâm khi đầu tư vào Bình Dương.
Nhờ kiên trì thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nền sản xuất công nghiệp của Bình Dương phát triển nhanh chóng, đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng của nền kinh tế, tạo được bước phát triển đột phá cho địa phương. Sự tăng trưởng liên tục và nhanh chóng của nền sản xuất công nghiệp cùng với việc đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đưa Bình Dương từ một tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội thuộc hàng cao nhất cả nước. (còn tiếp)
P.V