Việc Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật cho phép chi thêm 33 tỷ USD cho việc phái thêm 30.000 quân đến Afghanistan theo quyết định gửi quân tiếp viện được Tổng thống Barack Obama ký hồi tháng 12 năm ngoái được cho là sẽ tạo một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống Taliban. Tuy nhiên, một lần nữa, giới quan sát cho rằng khi người Mỹ càng đổ nhiều “người và của” cho cuộc chiến ở Afghanistan thì họ lại càng sa lầy ở đây. Nên chăng, Nhà Trắng phải chuẩn bị một “kế hoạch B” cho vùng đất trọng yếu và hiểm trở này?
Càng nhiều, càng sa lầy
Với 30.000 quân tiếp viện và 33 tỷ USD theo sau “yểm trợ”, liệu Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc đại Tây Dương (NATO) có cứu vãn được tình hình hiện nay ở Afghanistan hay không? Bình luận trên tờ USA Today mới đây, nhà nghiên cứu Afghanistan Petr Goncharov phê phán rằng: “Càng ngày, chiến lược chống khủng bố càng khiến cho nhân dân Mỹ hoang mang. Chính sách của Tổng thống Obama đang gây ra nhiều hoài nghi về một phương án sụp đổ tiếp theo”. Theo ông, đây là một quyết định nửa vời vì quyết định gửi quân tiếp viện đưa ra từ hồi tháng 12 năm ngoái nhưng trên thực tế dự kiến trong tháng 10 năm nay mới thực hiện.
Hồi tháng 8 năm ngoái, tướng Pháp Vinsen Deport, khi lên tiếng ủng hộ yêu cầu chi viện thêm 85.000 quân của tướng Makkristan, cựu tổng chỉ huy lực lượng liên quân ở Afghanistan đã khuyến nghị Tổng thống Obama rằng không thể tiến hành một cuộc chiến tranh nửa vời như vậy. Cho nên, hoặc là tiếp viện 100.000 quân hoặc là không có gì. Vậy mà, sau một năm, khi tình hình ngày càng tồi tệ thì số quân tiếp viện lại càng thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu. Thêm 30.000 quân có thể đủ để ngăn ngừa chính quyền Afghanistan hiện nay khỏi sụp đổ, nhưng còn xa mới đủ để tiến hành cuộc chiến chống sự nổi dậy của Taliban.
Sẽ còn bao nhiêu người dân Afghanistan bỏ mạng vì cuộc chiến phi nghĩa này.
Theo ước lượng của vài chuyên viên quân sự, có lẽ Mỹ phải cần có 600.000 quân. Nhưng, chỉ cần một lực lượng 1/4 con số này cũng đã là một gánh nặng lớn lao đối với nền kinh tế Mỹ đang trong thời gian khủng hoảng tài chính và sẽ khiến các chương trình y tế và kinh tế xanh của Tổng thống Obama dừng lại. Còn số tiền 33 tỷ USD chi thêm cho chiến trường Afghanistan sẽ chỉ là khoản tiền hoang phí ném cho gió bay.
Càng ngày, thực tế càng cho thấy rõ rằng những nỗ lực của Mỹ và NATO để xây dựng một hệ thống chính trị ổn định và một nền kinh tế phát triển ở Afghanistan đang thất bại. Chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai hiện không được sự ủng hộ cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Trong khi đó, Taliban lại đang trỗi dậy và giờ đây họ đã kiểm soát một phần hoặc hiện diện khắp nơi trong hầu hết các khu vực cộng đồng người Pashtun ở miền Đông và Nam.
Một cuộc chiến không thể thắng
Kết cục duy nhất của cuộc khủng hoảng dai dẳng ở Afghanistan và ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, chỉ là tăng thêm số kẻ thù. Trong quyển sách gây chấn động dư luận, World War One: A Short History, tác giả Norman Stone xác định rằng Chính phủ Mỹ đã ngụy biện với hàng triệu cử tri Mỹ rằng cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam nếu sinh viên không xuống đường biểu tình và nếu có thêm nhiều binh sĩ Mỹ được gửi tới chiến trường Việt Nam thì Mỹ có thể đã thắng. Nên giờ đây, theo tác giả, thật khó để Tổng thống Obama dừng cuộc chiến Afghanistan, bởi vì nếu Mỹ rút lui, hàng triệu cử tri tin rằng nếu họ có một nhà lãnh đạo thông minh hơn và cứng rắn hơn có thể chiến thắng và vì thế Tổng thống Obama sẽ thua trong cuộc bầu cử tới.
Thực tế, người Mỹ đã thua ở Afghanistan một thời gian dài trước khi Tổng thống Obama lên cầm quyền bởi tinh thần kháng cự của người dân Afghanistan luôn hừng hực chủ nghĩa dân tộc bảo thủ trong huyết quản. Lịch sử cho thấy từ hàng ngàn năm qua, tất cả các đội quân xâm lược đến xâm chiếm Afghanistan đều không thể chiến thắng như: đế quốc Mông Cổ, Alexander Đại đế thời trung cổ, đế quốc Anh trong thế kỷ 19,… Vì vậy, gửi viện binh đến Afghanistan cũng chẳng khác gì gửi họ vào chỗ chết. Người ta có thể nguyền rủa Taliban nhưng trong cuộc chiến hiện nay, trong tâm tưởng của một số người Afghanistan lực lượng này đang nắm phần chính nghĩa.
Vũ khí không giải quyết được bất cứ vấn đề gì. Tác giả Norman Stone, trong cuốn The Rules of Chaos mà ông đã viết trong thời kỳ chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nhận định rằng một cuộc xung đột càng dài với càng nhiều người và nhiều nước tham gia, thì không một thế lực nào có thể kiểm soát được. Mỗi một người bị giết càng làm tăng thêm số kẻ thù theo lũy thừa. Ở Afghanistan, cha mẹ, bên thông gia, bà con của những người đã chết… tất cả đều chống lại phương Tây.
Họ có thể không cầm vũ khí và không gia nhập Taliban, nhưng chắc chắn họ sẽ không phản đối ai đó muốn tiêu diệt những kẻ đã giết người thân yêu của họ. Sự thật này là hiển nhiên. “Mỗi ngày, NATO đang tạo thêm nhiều kẻ thù. Những người lính của NATO sẽ tiếp tục bỏ mạng và không biết chính xác con số người Afghanistan sẽ bị thiệt mạng sắp tới. Việc phương Tây bỏ ra hàng trăm tỷ USD chỉ làm cho chính phương Tây yếu hơn và dễ bị tấn công hơn”.
Kế hoạch B
Khi hàng ngàn tài liệu mật của cuộc chiến ở Afghanistan mới đây bị WikiLeaks tiết lộ, bức tranh đen tối mà WikiLeaks trưng ra cũng không khác lắm so với những gì mà hầu hết nhiều người đã biết, mặc dù các tài liệu này đã cung cấp một số lượng chi tiết khổng lồ. Nó cũng không khác với những gì mà Chính phủ Mỹ và các quan chức quân sự từng nói về cuộc chiến này.
Trong bài viết với nhan đề “Thousands of reasons to leave” (Hàng ngàn lý do để ra đi) đăng trên Tạp chí Asia Times số ra ngày 29-7, nhà phân tích George Friedman cho rằng lãnh đạo quân sự Mỹ có thể biết điều ấy từ lâu, chứ cũng chẳng phải chờ WikiLeaks tiết lộ. Cuộc chiến tranh mà WikiLeaks vẽ ra cho thấy Taliban có một hậu phương vững chắc là Pakistan. Bên cạnh một chủ nghĩa dân tộc luôn trỗi dậy mạnh mẽ, phe Taliban hiện đang tái lập ảnh hưởng trong nhiều vùng rộng lớn ở Afghanistan với những kỹ thuật chiến đấu tinh vi hơn.
Rõ ràng Taliban vẫn sử dụng công nghệ tương tự như đã từng sử dụng chống lại Liên Xô trước đây và Liên minh phương Bắc (của người Afghanistan dùng chống lại chính Taliban) đó là tên lửa vác vai - hệ thống phòng không được vác trên vai - (Man-Portable Air Defense Systems - MANPADS). Nhưng Taliban có khả năng tiếp vận nên mới sử dụng tên lửa vác vai và như thế chứng tỏ rằng vẫn có hậu cứ của quân Taliban nằm đâu đó trong lãnh thổ Pakistan vì chắc chắn rằng họ không thể tự sản xuất ra MANPADS.
Việc hơn 90 ngàn tài liệu được ai đó thu thập, chuyển hóa và phóng ra cho tổ chức phản chiến WikiLeaks là một nỗ lực công phu và có phối hợp chứ không thể là hành động của một cá nhân, như binh nhất Bradley Manning 22 tuổi, người đang bị điều tra hay là Julian Assange, người Australia 39 tuổi đang trụ ở Thụy Điển - sáng lập viên WikiLeaks. Nỗ lực có phối hợp ấy nhắm vào mục tiêu gì nếu không phải là thúc đẩy Mỹ sớm triệt thoái khỏi Afghanistan?
Tình hình chiến trường Trung Á này vẫn có rất nhiều biến số. Và đoạn chót của cuộc chiến Afghanistan có thể sẽ diễn ra như thể đã từng diễn ra tại Việt Nam. Đoạn chót này sẽ kết thúc đúng như nhan đề của một cuốn sách viết về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam: “Khi đồng minh tháo chạy”.
Vấn đề hậu cứ ấy được các tài liệu do Wikileaks tiết lộ xác nhận: Một mặt, Pakistan không cho Mỹ truy đuổi Taliban hay al-Qaeda trong lãnh thổ của mình, mặt khác, nhiều tướng lĩnh trong cơ quan mật vụ của Pakistan (ISI) vẫn lặng lẽ yểm trợ cho quân Taliban. Người Pakistan thừa hiểu rằng một khi Mỹ rút đi, Taliban, hay một liên minh trong đó có Taliban, sẽ đứng ra thành lập chính phủ ở Afghanistan. Vì vậy, Pakistan sẽ duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Taliban.
Trong bài viết “Plan B for Afghanistan” (Kế hoạch B cho Afghanistan), nhà phân tích Brian M Downing cho rằng có một lựa chọn cho Mỹ và đồng minh là rút khỏi các khu vực cộng đồng người Pashtun sinh sống ở miền Đông và miền Nam (căn cứ địa của Taliban) để tập trung vào phát triển kinh tế và chính trị ở các vùng phía Bắc, nơi có phong trào kháng chiến chống Taliban rất mạnh. Bởi cuộc nổi dậy của Taliban hầu như chỉ dựa trên các bộ lạc Pashtun ở phía Nam và phía Đông. Trong khi ở phía Bắc và phía Tây, hầu như không có cộng đồng người Pashtun và hầu như không có phong trào nổi dậy nào. Và như vậy không khác gì tình huống của Liên minh phương Bắc dưới sự yểm trợ của Liên Xô trong quá trình chống lại Taliban trước đây.
Tuy nhiên, dù kế hoạch B được vạch ra như thế nào thì ngay cả một cuộc chiến mà người Mỹ đang đổ tiền và của nhiều “đến cỡ đó” cũng chưa chắc đã có thể thành công. Họ lãng quên một thực tế rõ ràng là việc gửi thêm quân đến vũng lầy Afghanistan và thúc đẩy chính quyền Pakistan leo thang chiến tranh chống lại nhân dân của chính họ, chỉ làm cho cuộc khủng hoảng thêm tồi tệ thay vì bớt trầm trọng hơn.
Khi hàng ngàn tài liệu mật phơi bày sự thật về cuộc chiến tranh ở Afghanistan, chính quyền Mỹ đã “hết chỗ chạy” vì dư luận từ Đông sang Tây, từ phe phản chiến tới phe bảo thủ về an ninh đều gây áp lực lên bức tranh đen tối này. Trong khi Taliban vẫn có khả năng tồn tại và kiểm soát được một vùng lãnh thổ rộng lớn, bên cạnh một nước láng giềng đầy thân hữu và thiện chí như Pakistan chờ ngày Mỹ rút, khi đó, nếu không thể tiêu diệt Taliban thì sự chọn lựa của Mỹ là gì? Nhiều người đã nghĩ ngay đến kế hoạch tháo chạy đang được chính quyền Obama chuẩn bị. Đó mới chính là “kế hoạch B”.
Theo SGGP