Ai đã gây cảnh đau lòng!

Cập nhật: 22-09-2012 | 00:00:00

Bài 1:Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh

Bài 2: Sống như anh

Bài 3: Những bức ảnh sống mãi với thời gian

Bài 4: Nỗi lòng người lính già

Bài 5: Tiếng gọi từ lòng đất

Bài cuối: Ai đã gây cảnh đau lòng!

Theo đơn tố cáo của ông Bảy Sáng, khu đất nghĩa trang của gia tộc ông có 45 ngôi mộ và trong chiến tranh được bộ đội và nhân dân chôn cất thêm 6 chiến sĩ hy sinh. Năm 2009 không hiểu vì lý do gì những ngôi mộ này bị san lấp, ủi phá thành bình địa. Ai đã gây nên việc này?

Tan hoang mồ mả

Ông Sáng cho biết, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, từ một chiến sĩ du kích ông trở về sống với mẹ tại quê nhà, xã Tân Mỹ, Tân Uyên. Lúc bấy giờ mẹ ông Sáng mới có dịp dẫn ông ra khu đất mồ mả của dòng tộc, chỉ rõ từng phần mộ ông, bà, chú bác... Đến năm 1959, thời kỳ giặc Mỹ càn bố, đốt nhà gom dân nên ông tiếp tục lên đường chiến đấu. Năm 1963 và 1966, lúc đó chiến sự vô cùng khốc liệt, có những trận đánh lớn xảy ra ở gần cầu Chùa, xã Tân Mỹ, khiến bộ đội ta hy sinh nhiều. Lúc đó Bảy Sáng là Xã đội trưởng xã Tân Mỹ, nên sau trận năm 1963, chính tay ông đã chôn cất 2 đồng chí tên Anh và Cần vào nghĩa trang gia tộc mình. Chôn cất đồng đội xong, ông được điều về công tác ở Huyện đội Tân Uyên, là cán bộ quân báo. Năm 1966, trong một lần về công tác ở xã nhà, ông phát hiện trong nghĩa trang gia tộc có thêm 4 mộ mới. Hỏi ra ông mới biết, đó là những chiến sĩ mới hy sinh được bộ đội và nhân dân lo việc chôn cất.  

Bia mộ nghĩa trang gia tộc ông Sáng bị vứt bừa bãi (1) và những ngôi mộ còn sót lại trong khu nghĩa trang này (2)

Suốt mùa kháng chiến chống Mỹ, Bảy Sáng miệt mài trên đường hành quân mà không nghĩ có ngày về. Thế rồi, ngày 30-4 lịch sử đã kết thúc cuộc chiến chống Mỹ gian khổ của dân tộc, Bảy Sáng may mắn được trở về quê hương tiếp tục công tác ở Huyện đội Tân Uyên. Đây cũng là điều kiện để ông quan tâm đến mồ mả của dòng tộc và có cả phần mộ của đồng đội. Năm 1982, sau khi nghỉ hưu, ông Sáng đến xã Tân Mỹ làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ của nghĩa trang gia tộc, nhưng cán bộ địa chính khi xuống hiện trường đo đạc thì không đồng ý cấp vì cho rằng đó là đất mồ mả. Bảy Sáng thấy cũng hợp lý, vì mình cũng không dùng phần đất đó để canh tác, càng nghĩ là đất tâm linh thì ai dám xâm phạm. Thế rồi việc không tưởng đã xảy ra. Năm 2009, một thương gia ở TP.HCM lên mua lô đất sát nghĩa trang gia tộc ông Sáng và không hiểu từ đâu trong sổ đỏ của người này có luôn phần đất nghĩa trang gia tộc của ông. Có sổ đỏ rồi thì người này coi như được quyền sử dụng đất và việc san ủi đã xảy ra. Ông Sáng bức xúc: “Tại sao khi tôi xin cấp sổ, cán bộ trả lời là không cấp được vì đất mồ mả, còn người khác ở TP.HCM lên lại lặng lẽ có sổ đỏ”.

Đứng trước khu mộ chí bị cày xới tan hoang, bia mộ vứt bừa bãi, ông Sáng như chết lặng và căm phẫn hành vi vô lương tâm, mất đạo lý không thể tin nổi. Ông nhớ lại, khoảng năm 2008 có một đôi vợ chồng đến nhờ ông giới thiệu tìm người san ủi mặt bằng để phân lô bán nền. Họ nói, mẹ họ có mua lô đất của ông Lâm Văn Tân để kinh doanh. Ông Sáng nghĩ, đúng là phần đất ông Tân giáp ranh với đất nghĩa trang gia tộc ông. Ông từ chối việc giới thiệu, nhưng linh cảm được điều gì đó nên ông dẫn cặp vợ chồng này ra tận nghĩa trang dặn dò: “Phần trên là đất ông Lâm, phía bên là đất mộ chí của dòng tộc tôi, hai bên chưa cắm mốc ranh giới cụ thể nên các cháu cẩn thận khi san ủi không được lấn sang đất của tôi”. Nhớ lại như vậy, nên ông suy nghĩ “không lẽ cặp vợ chồng này là thủ phạm”. Ông miệt mài đi tìm họ nhưng bặt vô âm tín. Cho đến năm 2012, vô tình đọc trên báo chí có thông báo bốc mộ đối với 6 ngôi mộ còn lại trong nghĩa trang dòng tộc của mình mà đợt trước họ san ủi chưa hết. Lúc này ông mới bất ngờ đến hụt hẫng vì toàn bộ khu đất nghĩa trang đã được chính quyền cấp sổ cho bà Nguyễn Thị Sáo, ngụ tại Q.9, TP.HCM - là mẹ của đôi vợ chồng hôm nọ.

Công lý chưa được thực thi

Sau khi biết rõ người xâm hại mồ mả gia tộc, ông Sáng gửi đơn lên chính quyền và TAND huyện Tân Uyên đề nghị minh xét. Tại biên bản hòa giải ngày 2-4-2010, xã Tân Mỹ đã kết luận ý kiến của ông Lâm Thành Sự, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ như sau: “Về nguồn gốc đất, sau giải phóng trở về thì người dân tiếp tục khai hoang sử dụng và chôn cất mồ mả của ông bà. Trên đất hiện có rất nhiều mồ mả...”. Người dân địa phương gồm bà Nguyễn Thị Dốt, ông Đoàn Văn Thưởng, ông Ngô Văn Nên... đều có đơn xác nhận khu đất bị san ủi là đất nghĩa trang gia tộc Bảy Sáng. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Lai, nguyên Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện thực hành trường Sĩ quan Công binh - Bộ Tư lệnh Công binh (trung tâm này sát đất nghĩa trang của ông Sáng) có đơn xác nhận: “Tôi xác nhận gia đình ông Huỳnh Văn Sáng hàng năm vào cuối tháng 12 âm lịch đều tổ chức cho con cháu đến thăm viếng mộ. Khi giãy cỏ mồ mả xong họ ghé vào đơn vị tôi uống trà, hàng năm đều như vậy...”.

Lẽ ra với thực tế như vậy, ngành chức năng cần xem xét lại vụ việc một cách thấu lý đạt tình. Đằng này, ngày 22-11-2011, TAND huyện Tân Uyên đưa vụ việc ra xét xử theo quan hệ pháp luật của vụ án là “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn, ông Huỳnh Văn Sáng và bị đơn, bà Nguyễn Thị Sáo. Như vậy tòa xét xử theo vụ việc dân sự mà không xem xét ở yếu tố hình sự đối với hành vi xâm hại mồ mả được quy định tại điều 246, Bộ luật Hình sự: “Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Điều đáng nói hơn nữa, trong hai phiên tòa của TAND huyện Tân Uyên và TAND tỉnh Bình Dương đều tuyên xử bà Sáo thắng kiện về tranh chấp QSDĐ. Lý do là vì bà Sáo có sổ đỏ được chính quyền cấp còn ông Sáng thì không? Tòa còn nhận định, mồ mả không còn nhiều đã san lấp mặt bằng, chỉ còn 5 ngôi mộ nhưng ông Sáng không có giấy tờ để chứng minh là đất nghĩa trang gia tộc mình? Ông Sáng nói “sự nhận định và xét xử như vậy khiến ông vô cùng đau lòng”. Hiện ông Sáng tiếp tục có đơn gửi các cấp có thẩm quyền tố cáo về hành vi xâm hại mồ mả. Vừa qua, UBND huyện Tân Uyên đã có Công văn số 2101 gửi xã Tân Mỹ yêu cầu, xem xét giải quyết đơn của ông Sáng và báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản về huyện trước tháng 9-2012. Trao đổi thêm với chúng tôi, một lãnh đạo huyện cũng cho biết: “Qua sự việc mà ông Sáng gửi đến, chúng tôi thấy rất nghiêm trọng. Hiện Huyện ủy, HĐND, UBND và Công an huyện đang vào cuộc”.

Luật sư Nguyễn Chí Quang, đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Hành vi sai trái đã rõ ràng

Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ việc của ông Sáng, tôi nhận thấy hành vi xâm hại mồ mả của đương sự với nghĩa trang gia tộc ông Sáng là rõ ràng, không thể chối cãi. Rất tiếc là các cấp giải quyết đã “lái” vụ việc qua quan hệ dân sự. Hiện chúng tôi đang làm thủ tục để đề nghị tòa xem xét hình sự về hành vi xâm hại mồ mả.

Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh (tiếp theo)

-Ngày 18-9-1966: Được thư anh Hồng Thu nhắc nhở về công tác giáo dục, M. sẽ cố gắng thực hiện. Sẽ làm thật đầy đủ, hết nhiệt tình của M.

- Ngày 19, 20-9-1966: Anh H.Lý chuẩn bị về căn cứ, M. định hỏi anh thêm về tình hình D.H. M. lại suy nghĩ không biết anh ấy về gặp anh H.Thu có nói gì về M. không. Thật khổ tâm hết sức và nếu các đồng chí đánh giá lệch tư tưởng thì sao. Sự thật tư tưởng M. chưa được an tâm lắm về phần công tác thế cho nên cứ thấy bực bực thế nào, lo lo làm sao. Đầu óc nặng nề quá.

M. rất mong thư anh H.T và tài liệu gửi đến.

- Ngày 22-9-1966: Bữa nay đi xem bệnh. Trong người thấy uể oải, mệt mỏi lắm. Từ lâu, M. vẫn biết bệnh của mình, ngày nào người cũng không được khỏe, làm việc được đó là ở sự cố gắng vươn lên. Nay có điều kiện, có thuốc men, M. nên giữ tư tưởng, tư tưởng thật thoải mái. Làm việc thế nào sau khi chữa bệnh, M. đến chiến trường bảo đảm công tác, có sức khỏe, vui tươi, không lề rề, tâm trạng trở lại bình thường.

Cũng vì bệnh mà trong thời gian qua M. vấp phải nhiều khuyết điểm, nhiều nhất là trong việc nói năng với người thân thiết thì cộc cằn khó nghe... M. vẫn biết do bệnh nên con người mới như vậy, phải lo lắng.

Tin tưởng rằng, sau lần trị bệnh này, con người M. sẽ đổi mới, khỏe về thể xác cả về tinh thần, tư tưởng.

-Ngày 4-10-1966: Hơn 1 tuần qua, M. nghỉ làm việc dưỡng bệnh, kiểm điểm lại mọi việc M. thấy M. còn nhiều cái dở. Nhiều lúc đã còn nghĩ mông lung, trong sinh hoạt nhiều lúc xem bình thường, vui đùa quá lố rồi sinh ra bực cho bản thân. Thêm nữa, có những ý nghĩ không đẹp mấy, mâu thuẫn với ý nghĩ, cơ bản những điểm này cần khắc phục ngay.

Đối với người thân cùng quê hương, đối với bạn bè, đồng chí cần đổi sửa.

Trong công tác, trong lĩnh vực tình cảm cũng như mọi vấn đề khác trong sinh hoạt hàng ngày từ nay phải chú ý để khỏi vấp thiếu sót, để khỏi ân hận, để được tiến bộ hơn.

Bản thân đặt ra nội quy, kỷ luật cần khắc ghi, nghiêm chỉnh thực hiện.

-Ngày 10-10-1966: Chỉ còn mấy ngày nữa là tới ngày kỷ niệm, ngày giỗ thứ hai của anh Trỗi. Để thiết thực kỷ niệm ngày hy sinh anh dũng của anh, M. phải làm gì? Trong công tác: Đối với kẻ thù? Đối với đồng chí? Đối với bản thân? Đạo đức một người cách mạng, con người cộng sản? Đối với người thân yêu? Đó là những vấn đề cần phải làm thế nào cho được tốt, toàn diện.

Hãy đi lên để tìm chân lý sống!...

 Q.H (ghi)

 

Nhớ anh

(Kỷ niệm ngày hy sinh anh dũng của Nguyễn Văn Trỗi)

Mến tặng anh Ng.V Tuấn trong nhà lao Mỹ - Thiệu - Kỳ

Quên sao được tháng 10 - sáu bốn!

Ngày 15 anh Trỗi đã hy sinh

Vì quyền dân tộc của mình

Tự do, độc lập, dân sinh giống nòi

Anh đã chết nhưng anh vẫn sống

Sống trong lòng nam nữ thanh niên

Tiếp thêm giọt máu vào tim

Một bầu nhiệt huyết, nhiệt tình đấu tranh.

                           ***

Đêm nay tôi lại nhớ đến anh

Người đồng chí đấu tranh dũng cảm

Gương anh khắc mãi trong tim

Khí tiết cách mạng, con đường Mác - Lê

Nhớ anh, tôi nhớ lời anh dặn

Nhớ anh, sống chiến đấu như anh

Góp công giải phóng quê hương

Giành quyền dân tộc, tình thương giống nòi

Làm sao xứng với tuổi xanh

Giải phóng đất nước, đoạt thành ước mơ.

 

Quà mừng chiến thắng

(Kính tặng Đại hội DS2T)

Vui biết mấy trong ngày đại hội

Lòng rộn ràng thêu vội chiếc khăn

Tặng anh dũng sĩ ngoan cường

Món quà kỷ niệm, kính, thương anh nhiều

Ngày đêm chiến đấu quên mệt mỏi

Vượt mọi gian nguy tiến lên đường

Anh đi giải phóng quê hương

Anh đi bảo vệ tình thương dân mình

Lòng kính mến người anh dũng cảm

Lập chiến công rạng rỡ muôn nơi

Tên anh “Dũng sĩ” chói ngời

Người người, lớp lớp, đời đời theo anh!

Này bè lũ cướp nước hôi tanh

Đừng có hống hách, đừng mong được về

Vui thay, vui quá, vui ghê!

Người anh yêu nước tâm tình đi anh!

 

Nói đi em

(Mến tặng em H., người em cùng quê hương)

Em hỡi! Em ơi! Em nghĩ gì?

Rộn ràng, khấp khởi hay sầu bi?

Chuyện đời, tình cảm là thế ấy

Buồn, thương, hối hận mà làm chi...

                       ***

Hãy nghĩ đến ngày mai tươi sáng

Miền Nam ta giải phóng tự do

Gia đình sum họp một nhà

Cùng nhau vui hát bài ca “Thanh bình”

Em yêu hỡi! Sao em không nói?

Nói đi em! Chị lắng nghe đây

Nghe em kể lại những ngày

Đấu tranh gian khổ, đắng cay kiên lòng

Bên nhau chiến đấu cùng lý tưởng

Vững lòng san phẳng mọi bất công

Bên nhau chiến đấu vì dân

Đạp bằng trở ngại, tiến lên diệt thù...

(Kỷ niệm ngày bị đau, trong đợt thi đua kỷ niệm 2 năm ngày anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, 17-10-1966)

 

Đọc sách

Nói đến đọc sách, nhà đại văn hào Mắcxim Goocky viết: “Càng đọc sách càng làm cho tôi gần với thế giới và công việc... càng thấy yêu quê hương và yêu nước Nga vô hạn”.

Một vị lãnh tụ cũng đã từng nói: “Một quyển sách hay, một bản nhạc tốt, một bài thơ hay có tác dụng như hàng binh đoàn xung phong ra trận diệt quân thù”.

(Ngày 20-10-1966)

KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=209
Quay lên trên