Ai... đồng nát không?

Thứ hai, ngày 22/11/2010

Khi còn nhỏ, tôi vẫn thường nghe một âm thanh quen thuộc trong khu phố nơi mình sống, đó là tiếng rao của một người phụ nữ với giọng rất thanh và lớn: “Ai... bán đồng nát không?”. Tiếng rao của những người đi mua đồng nát hay thường  thì mọi người vẫn quen gọi là mua... ve chai.

Họ là những người mẹ, người chị của gia đình, “đồ nghề” của họ chỉ đơn giản là một chiếc đòn tre cùng với hai chiếc thúng lớn, họ cứ đi và rao khắp mọi nơi mà họ có thể. Công việc của họ nói ra thì có vẻ cũng khá đơn giản vì họ chỉ việc đi thu mua phế liệu của những gia đình để kiếm từng đồng lời nho nhỏ. Những món hàng mà họ có thể mua được như lon thiếc, chai thủy tinh hay có thể chỉ là một vài kg giấy vụn... Nói chung họ có thể mua tất cả, những thứ mà chúng ta vẫn nghĩ nó là đồ bỏ đi. Nhưng không phải ai cũng có thể làm được nghề này vì nhiều lý do khác nhau nhưng lý do trên hết đó chính là những người làm nghề này là vô cùng vất vả...

Chị Cúc tần tảo trên đường mưu sinh

Nghề vất vả!

Ngày nay, hình ảnh về chiếc đòn tre và hai chiếc giỏ thúng đã dần ít thấy mà thay vào đó là những chiếc xe đạp. Chị Nguyễn Thị Cúc (TX.TDM) có hơn mười năm làm nghề đi mua ve chai tâm sự, bây giờ ai đi mua ve chai cũng đi xe đạp hết vì có thể tiết kiệm sức, đi được nhiều nơi và mang được nhiều đồ hơn, chiếc xe đạp mà chị đang dùng cũng là một món hàng ve chai mà chị mua được khi mới vào nghề. Kể về thời gian đó chị vui vẻ nói: “Hồi mới làm cái nghề này đâu có biết giá hết, toàn nhắm mắt mua thí để giữ mối, thêm nữa là cũng tập mua cho quen, thế là cuối tháng tính ra toàn bị... lỗ vốn”. Chị lấy tay áo quệt mồ hôi trên trán rồi nói thêm: “Mà lỗ cũng phải thôi, chứ giá đồng, sắt, nhôm... cứ nay giá này mai giá khác, mà đâu phải ngày nào cũng có hàng để ghé vựa bán mà biết giá, nên lỗ là chuyện thường tình và đành phải chịu”. Tôi cười rồi nói đùa, sao chị nói nghe giống giá vàng quá vậy, người ta thì theo dõi giá vàng, giá đô-la còn chị thì theo dõi giá phế liệu, chị cười lớn rồi nói: “chắc vậy quá em ơi”.

Chiếc xe đạp với 40kg ve chai… “vẫn chạy tốt”

Vào Bình Dương cũng hơn 5 năm, chị Trương Thị Thền (quê Hà Tĩnh) ban đầu làm công nhân cho một nhà máy ở khu công nghiệp, tưởng đâu được ổn định để lo cho gia đình và thì năm 2009 do tình hình khủng hoảng kinh tế, công ty cho cắt giảm lao động - trong số đó có chị. Sau hai tháng không tìm được việc làm ở những công ty khác nên chị mới chuyển qua nghề mua ve chai cho tới bây giờ. Chị tâm sự, khi mới đi mua ve chai, phần vì chưa quen và phần không rành đường đi nên chị chỉ đi vòng vòng những khu vực quanh khu nhà trọ, bởi thế nên có khi cả ngày chị chẳng mua được gì. Rồi chị hỏi tôi: “Em biết thứ quan trọng nhất của nghề này là cái gì không?”, tôi đoán chắc là sức khỏe, vì cả ngày đều phải ngồi trên xe và đạp thì nếu yếu yếu chắc là... làm không nổi. Chị cười rồi nói: “Đó là tiền lẻ và cái cân”, chị kể, bữa đó khi gom ve chai xong, chuẩn bị trả tiền cho người bàn, trong lòng vui mừng vì tính ra cũng lãi được gần 10 ngàn đồng thì mới sực nhớ mình không có tiền lẻ mà khách thì không có tiền thối, thế là chị đành ngậm ngùi để hàng lại và đi đổi tiền, khi quay trở lại thì đã có người khác mua mất rồi, hôm đó đi về mà chị cứ tiếc mãi, coi như đây là một bài học kinh nghiệm cho mình.

Với nghề này thì cái cân được xem như là “đồ nghề” chính khi làm việc, chị Thền chia sẻ, có một vài cái cân của người đi mua ve chai không bao giờ cân đủ kg đâu. Những cái cân này đã được quấn dây đồng bên trong lò xo rồi, nếu quấn càng chặt thì tỷ lệ nhẹ của món hàng càng nhiều, nhưng như vậy thì đồng nghĩa với việc dễ bị phát hiện. Tôi ngạc nhiên khi nghe chị nói sự thật về cái cân mà chị vừa nói .Tôi hỏi vì sao chị có thể nói cho tôi nghe một điều “cực kỳ quan trọng” như vậy thì chị cười: “Nói để cho em yên tâm là cân chị không bao giờ cân thiếu hết, giữ uy tín để em không bán cho ai, lâu lâu chị còn mua ve chai của em nữa chứ”. Một kg sắt nếu bán tại vựa thì có thể cao hơn từ 1.500 - 2.200 đồng, một ký giấy thì có thể là 300 đồng, nhựa thì có thể 400 đồng... Tôi nghĩ với những mức chênh lệch quá thấp như vậy thì quả thật là rất khó để người mua ve chai có thể kiếm sống bằng nghề này nên tôi có thể hiểu và cảm thông cho họ. Họ không hoàn toàn xấu khi gian dối mà hãy xem như đây là một khoản nho nhỏ để họ lấy lại sức đến tận nhà và mua những thứ mà mỗi gia đình đã thật sự không cần xài tới nữa!

Những nỗi niềm...

Chị Cúc cầm ly nước tôi đưa trên tay, uống một ngụm rồi nói: “Có những gia đình họ nhìn mình kỳ lắm, chị đi vào nhà họ mua ve chai mà họ lấy khẩu trang bịt mặt lại rồi mới ra mở cửa và quan sát mình kỹ lắm”. Tôi hiểu cho cảm giác của chị lúc đó, một cảm giác mặc cảm cho cái nghề mà mình đang làm vì vẫn còn nhiều người có thành kiến không tốt với những ai làm nghề này, đó có thể là sự dơ bẩn, nhếch nhác hay thậm chí là trộm cắp. Rồi chị nhìn tôi và nói: “Nhưng cũng có rất nhiều người thông cảm cho cái nghề này em ạ”. Tôi cười rồi hỏi chị về những dự định tương lai, chị tâm sự là hiện tại cũng chỉ biết cố gắng làm, kiếm một số vốn nhỏ rồi tìm đường buôn bán chứ chắc chị không theo nghề này mãi được. Rồi chị nghẹn ngào, có những khi đi ngang trường con của chị học, chị chỉ biết đứng từ xa nhìn con mình tan trường đi về mà không thể nào chạy lại đón con như người ta được, chị sợ con bị bạn bè chọc ghẹo vì có mẹ đi làm nghề mua ve chai, chị nghĩ một mình chị phải chịu những ánh mắt đó là đủ rồi, chị không muốn con chị phải chịu cảm giác đó. Chị kể, những khi đi mua ve chai giấy vụn, thấy có truyện tranh là chị đều để dành cho con đọc chứ nhất quyết không bán lại cho vựa, rồi chị ngỏ ý hỏi tôi có truyện nào muốn bán không. Tôi nói, tôi sẽ tặng chị tờ báo Bình Dương khi bài viết này được đăng, hy vọng con chị sẽ đọc được và hiểu được tấm lòng của mẹ và rằng đây cũng là một nghề như bao nghề khác trong cuộc sống này. Chị nhìn tôi và cười.

Nếu một ngày không còn ai đi mua ve chai, không còn ai hàng ngày chạy xe đạp chở hàng phế liệu nặng trĩu trên từng khu phố để thu mua từng kg sắt vụn, từng ký giấy báo thì những thứ đó sẽ đi về đâu hay lại tiếp tục bị quăng xuống sông, xuống kênh rạch? Nếu những sản phẩm này không được thu gom để tái chế thì môi trường của chúng ta sẽ ra sao? Nghề mua ve chai không thật sự đáng bị chê hay xấu hổ như một vài người đã nghĩ, đó là một nghề đáng quý như bao nghề khác và trên hết là giúp cho môi trường được bảo vệ tốt hơn. Chúng ta trọng và thầm cám ơn những người như thế - những người làm nghề thu mua ve chai.

BÙI TRUNG CHÍ