Theo chân đoàn thực hiện chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương tham gia tài trợ nhằm xây nhà tình nghĩa cho các cựu chiến binh, lực lượng thanh niên xung phong đã góp phần làm nên con đường lịch sử; phóng viên đã gặp, được trò chuyện cùng các cô, các chị một thời là những thanh niên xung phong (TNXP) không ngại khó khăn, họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để mở đường, tiếp vận... đưa quân ra tiền tuyến góp phần vào thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những con người... góp phần làm nên lịch sử
Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 30 vạn thanh niên từ mọi miền đất nước đã hăng hái lên đường gia nhập vào các đội TNXP. Họ ra đi để lại phía sau là gia đình, tuổi thanh xuân để được cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trên con đường Trường Sơn lịch sử, hình ảnh các chị TNXP vận chuyển công văn, đưa đón cán bộ, tải thương, chăm sóc thương binh, gùi hàng, tải đạn, phá bom, phá đá mở đường... Các chị đã không tiếc xương máu để những đoàn xe chi viện được an toàn thẳng tiến vào chiến trường miền Nam.
Ông Trần Đình Thuận, Phó Giám đốc Vietcombank Bình Dương trao quyết định tặng nhà tình nghĩa cho cựu TNXP Trần Thị Liên
Theo chân đoàn, chúng tôi đến ấp 3, xã Minh Thắng, huyện Chơn Thành, Bình Phước để gặp cựu TNXP Trần Thị Liên, tham gia đội 7 đơn vị C7N500P18 nghe kể lại những kỷ niệm vui buồn của tháng ngày chị cùng đơn vị tham gia mở đường tại Hà Tĩnh, Quảng Bình mà cho đến giờ vẫn không phai nhạt trong ký ức. “Trong một lần đang san lấp đường, chỉ vài phút trước, chị em TNXP chúng tôi còn vui đùa nhưng trong tích tắc thì máy bay của địch thả bom, tiểu đội của tôi hy sinh gần hết, riêng tôi thì bị một mảnh bom văng trúng vào đầu hiện nay vẫn còn nằm trong đó, bây giờ vào khi trái gió trở trời là bị đau nhói... trong cơn đau này tôi lại nhớ rõ những hình ảnh của các đồng đội ngã xuống, tôi luôn nhớ về họ...”! Người phụ nữ này nghẹn ngào khi nhớ về những năm tháng bi hùng.
Một trong kỷ niệm buồn đối với chị là vào ngày 24-7-1968, trước thông tin về sự hy sinh của 10 cô gái TNXP tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), theo chị thì những nữ TNXP anh hùng Xuân, Tần, Cúc, Hợi... nằm xuống càng khiến cho tinh thần của thế hệ TNXP lúc bấy giờ càng thêm ý chí hào hùng, nghị lực phi thường! “Lần đó, chúng tôi làm việc cách khu vực của các chị ấy khoảng 1km, khi hay tin 10 cô gái trẻ đã anh dũng hy sinh, mọi người không ai kìm được nước mắt khóc thương...!”, chị Liên bùi ngùi nhớ lại khoảnh khắc tang tóc khi nhìn thấy các chị em đồng đội TNXP đã nằm lại ở chiến trường, vĩnh viễn ra đi. Do cuộc sống còn quá bộn bề, bận bịu mưu sinh nên đã hơn 42 năm qua mà chị vẫn chưa có cơ hội để trở về chiến trường xưa. “Bây giờ tôi chỉ mong ngày nào có điều kiện được một lần về lại chốn cũ để thắp nén hương tưởng nhớ vong linh của các chị...”, người nữ TNXP này giờ đã 53 tuổi.
Khi chúng tôi đến nhà cựu TNXP Nguyễn Thị Bốn ở ấp Long Bình, xã Tân Quan, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước thì cơn mưa chiều bất ngờ đổ ập. Tiếp chúng tôi trong căn nhà của chương trình vừa mới xây dựng hoàn thành được ít hôm; chị xúc động khi nhớ về “Mùa hè đỏ lửa - 1972”: trong lần mở đường vượt qua một cây cầu giữa làn bom, đạn của địch, đồng đội của chị đã hy sinh không ít, riêng chị trong trận càn của địch vào mùa hè năm đó cũng bị thương khá nặng nhưng đã thoát chết...
Có dịp theo chân đoàn, chúng tôi còn nghe những câu chuyện về một thế hệ lực lượng TNXP đã ngày đêm san đồi, xẻ núi đá... mở những “con đường máu” ra tiền tuyến.
Theo lời kể của các cựu TNXP, trên chiến trường những lời ca, tiếng hát đã giúp các chị thêm vui vẻ, lạc quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đôi khi đau thương mất mát lại giúp các chị thêm nhiều nghị lực để vượt qua gian lao, nguy hiểm... Chuyện về những cô gái mảnh mai kê vai cõng gạo từ lúc đầu gia nhập chỉ được 1 ang (8kg), rồi 2 ang... dần dần lên 7 - 8 ang, bao tải đạn nặng gần trăm kg... đã là hình ảnh hằn sâu trong ký ức của những cựu nữ TNXP. Hay những câu chuyện mà những người lính lái xe đường Trường Sơn không ai quên những địa danh như: Truông Bồn (Đô Lương), Rú Trét (Nam Đàn, Nghệ An), ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) từng được coi là “cửa tử”, là “túi bom” của Mỹ trút xuống đường 15A. Làm sao họ quên được hình ảnh trong đêm đen, 12 cô gái ở Truông Bồn mặc áo trắng làm cọc tiêu di động dẫn đường cho đoàn xe. Bất chấp mưa phùn gió rét cắt da, quên cả bom rơi đạn nổ, các nữ TNXP đã trở thành ánh sáng xua tan bóng đêm để dẫn đường cho đoàn xe thẳng tiến vào chiến trường miền Nam. Sự hy sinh của 8 cô gái ở Truông Bồn dưới làn đạn bom oan nghiệt của kẻ thù đã để lại tiếc thương cho bao người. Để có ngày hôm nay, 30 vạn TNXP, 30 vạn đôi vai đã cùng gánh vác niềm tin, đầy ắp khát khao độc lập tự do của dân tộc. Để rồi ngày đêm họ vượt núi băng rừng, xương máu của họ đã đổ xuống khai phá con đường huyền thoại cho từng đoàn xe ra tiền tuyến đã được xây bằng nhiệt huyết của hàng vạn trái tim tuổi trẻ, góp phần đưa non sông đất nước hưởng trọn niềm vui thống nhất!
... và khắc nhớ công ơn!
Sau ngày đất nước thống nhất cho đến nay, tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm thực hiện nhiều chính sách đền đáp công ơn những anh hùng, liệt sĩ, những người có công với cách mạng, trong đó lực lượng cựu TNXP cũng đã nhận được sự lưu tâm. Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” là cuộc vận động do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức nhằm kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, các Mạnh Thường Quân tham gia ủng hộ, giúp xây dựng nhà tình nghĩa cho các cựu chiến binh, lực lượng TNXP đã sống và chiến đấu trên con đường huyền thoại, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử, kết thúc bằng thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Đình Phục, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương (Vietcombank Bình Dương) cho biết: Chương trình nhằm góp phần xoa dịu những nỗi đau, mất mát của các thế hệ cha anh, đây là bổn phận, trách nhiệm của thế hệ hôm nay khắc ghi những mất mát hy sinh của những con người đã hình thành nên con đường Trường Sơn lịch sử. Hưởng ứng chương trình này, Ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cũng đã quyết định dành 40 tỷ đồng tài trợ cho chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” để góp phần xây dựng 600 căn nhà và trao 1.000 suất học bổng cho con em của các đối tượng là những cựu chiến binh, cựu TNXP đã một thời hy sinh thầm lặng.
Ông Phục còn cho biết: Tham gia chương trình này, Vietcombank Bình Dương tài trợ đã tài trợ 1,5 tỷ đồng góp phần xây dựng 50 căn nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá 30 triệu đồng. Ngoài ra, chi nhánh cũng đã hỗ trợ 100 suất học bổng, trị giá 2 triệu đồng/suất dành cho con em các gia đình thương binh liệt sĩ, các cựu TNXP, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc cung đường Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn đang cư ngụ trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Ông Nguyễn Viết Tuyển, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Chơn Thành, Bình Phước cho biết: Toàn huyện hiện có 146 cựu TNXP, đa số là các chị em, trong đó có 4 chị sống neo đơn. Trong thời gian qua, bằng nguồn quỹ của mình, hội cũng đã hỗ trợ cho các chị em từng bước vượt qua khó khăn, làm ăn kinh tế gia đình. Cho đến nay, hội chỉ còn 6 trường hợp diện hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Xúc động, vui mừng biết ơn... đó là những cảm xúc mà họ chia sẻ cùng chúng tôi khi được đón nhận những ngôi nhà mà họ mơ ước từ bấy lâu nay. Trong những ngày qua, theo chân đoàn, 50 căn nhà của chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” là niềm vui đến với 50 hoàn cảnh khó khăn của thế hệ cựu chiến binh, lực lượng TNXP.
Tuy những hỗ trợ trên vẫn còn nhỏ bé so với những khó khăn thực tế nhưng với tấm lòng của tập thể, của lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Vietcombank Bình Dương đến với chương trình đã thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”, do Vietcombank tài trợ là nghĩa cử cao quý của thế hệ hôm nay nhằm tri ân đối với thế hệ những người cựu chiến binh, cựu TNXP, những người đã làm nên con đường Trường Sơn lịch sử... hôm nay.
MINH DUY