Thời gian qua, âm nhạc Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng luôn xuất hiện nhiều tác giả với những tác phẩm mang dấu ấn thời đại. Hiện tại, khắp 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều đã sử dụng ca khúc của các nhạc sĩ Bình Dương để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đồng thời đáp ứng được phần nào nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
Các hội viên Câu lạc bộ Sáng tác ca khúc Bình Dương nhận hoa chúc mừng nhân Ngày Âm nhạc Việt Nam
Tự hào âm nhạc Bình Dương
Nếu trong thời kỳ chống Pháp, Bình Dương có nhạc sĩ Lê Trần, thì sang giai đoạn chống Mỹ, Bình Dương cũng tự hào có nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhạc sĩ Thanh Sơn. Sau ngày 30-4-1975, các hoạt động âm nhạc được phát triển rộng khắp cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng (lúc đó vẫn còn là Sông Bé).
Sau khi Đài Phát thanh Sông Bé được thành lập, những người hoạt động văn học - nghệ thuật (VH-NT) tỉnh nhà, nhất là hoạt động âm nhạc ngày càng phát triển. Lúc này, không chỉ có nhạc sĩ Nguyễn Bé Sáu, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch với những tác phẩm được công chúng đón nhận, mà hàng loạt các nhạc sĩ trẻ đã bắt đầu xuất hiện, như: Nguyễn Văn Trạng, Phan Hữu Lý, Đỗ Thành Huấn, Võ Đông Điền, Lê Trung Hiếu, Đặng Quang Vinh, Đỗ Hữu Xuân...
Năm 2000, Câu lạc bộ Sáng tác ca khúc Bình Dương được thành lập bao gồm các nhạc sĩ tâm huyết với hoạt động âm nhạc ở Bình Dương. Đây là nơi để các nhạc sĩ Bình Dương giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, phát triển đội ngũ sáng tác trẻ. Thông qua những chuyến đi thực tế, lớp tập huấn, câu lạc bộ đã “trình làng” những ca khúc viết về đất và người Bình Dương, mang đến cho công chúng và những người yêu nhạc Bình Dương nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật.
Nhân kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2022, các nhạc sĩ Bình Dương đã cùng nhìn lại những thành tựu của âm nhạc tỉnh nhà, nhận rõ những hạn chế, yếu kém. Qua đó, động viên nhau phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của âm nhạc Việt Nam, phấn đấu có nhiều tác phẩm hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh...
Chú trọng thẩm mỹ và định hướng
Tuy đã đạt được nhiều thành tựu, song bức tranh âm nhạc Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng hiện nay khá ngổn ngang, bề bộn, có nhiều vấn đề phải bàn. Với đặc trưng riêng, âm nhạc là lĩnh vực mà bất cứ ai, từ chuyên nghiệp đến không chuyên đều có thể thử sức mình. Tuy nhiên, một điều mà nhiều người lo ngại là mặc dù vô vàn sáng tác mới ra đời nhưng rất ít tác phẩm đọng lại trong lòng công chúng, ghi danh trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Mảng ca khúc thiếu niên, nhi đồng cũng ít có những tác phẩm hay. Bao năm trôi qua, nhưng sân khấu ca nhạc thiếu nhi vẫn thuộc về những ca khúc có tuổi đời lên tới nửa thế kỷ. Thiếu vắng ca khúc hay cho thiếu nhi vẫn là điều mà những người làm nghề canh cánh trong lòng.
Nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh, cho biết trong thời kỳ đổi mới, văn hóa Việt Nam và âm nhạc nói riêng chịu sự ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ bởi quy luật của kinh tế thị trường. Nhìn nhận vấn đề thực trạng của đời sống âm nhạc hiện nay để chúng ta đưa ra kế hoạch cùng các giải pháp tích cực hơn; qua đó, tạo điều kiện cho lĩnh vực âm nhạc của tỉnh nhà hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, làm tốt vai trò, phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của nền âm nhạc Việt Nam, thực hiện tốt các chức năng thẩm mỹ, sáng tạo, định hướng... của âm nhạc.
Chia sẻ thêm với chúng tôi về những kết quả đạt được của âm nhạc Bình Dương, nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, cho biết trong năm 2022, Hội VH-NT tỉnh đã tổ chức trại sáng tác âm nhạc tại Phú Quốc (Kiên Giang); tham gia trại sáng tác âm nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tổ chức chương trình giới thiệu tác giả - tác phẩm cho nhạc sĩ Nguyên Hồng. Bên cạnh đó, Hội VH-NT tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương sản xuất 2 chương trình truyền hình và 4 chương trình truyền thanh chào mừng các ngày lễ và sự kiện của địa phương, phát hành Tuyển tập ca khúc nhiều tác giả “Về với Bình Dương” chào mừng 25 năm Bình Dương xây dựng và phát triển...
“Thời gian tới, hội sẽ đề ra nhiều hoạt động cụ thể hơn với mục đích tạo điều kiện cho các nhạc sĩ hoạt động, nhất là trong lĩnh vực sáng tác để có nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật, mang đậm tính dân tộc và nhân văn; ngăn ngừa được nguy cơ méo mó thẩm mỹ và nhân cách vì những sản phẩm “phi âm nhạc”. Cách loại trừ cái dở hữu hiệu nhất là đưa ra cái hay hơn để thay thế và làm trong sạch môi trường âm nhạc”. (Nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh) |
MINH HIẾU