Hỏa táng thi thể bệnh nhân COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ ngày 27/4/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, đến 8 giờ 30 sáng 1/5 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận số ca tử vong do dịch COVID-19 là 3.193.084 ca, trong tổng số 151.994.598 ca mắc. Số người bình phục đã lên tới 129.265.081 người.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận tổng cộng 868.300 ca nhiễm mới, trong đó tập trung đông nhất tại Ấn Độ với 402.110 ca, tiếp sau là Bazil (73.076 ca), Mỹ (58.820 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (31.891 ca), Pháp (24.299 ca), Argentina (22.420 ca).
Đây là lần đầu tiên Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới vượt trên 400.000 ca/ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Nam Á này.
Cũng trong 24 giờ qua, Ấn Độ có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới với 3.522 ca.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 15 tháng qua, khu vực châu Mỹ bao gồm Bắc, Nam và Trung Mỹ, đứng đầu 6 khu vực lãnh thổ về số người nhiễm và tử vong do COVID-19, với hơn 40% số ca nhiễm và 47% số ca tử vong toàn cầu.
WHO cho biết trong 1 tuần qua, khu vực này ghi nhận 1,4 triệu ca nhiễm mới, trong đó Brazil thông báo có số ca tử vong cao nhất khu vực, 17.667 ca.
Trong bối cảnh đó, Brazil đặc biệt ưu tiên chương trình tiêm chủng, huy động hơn 3 tỷ real (tương đương 555 triệu USD) bổ sung ngân sách mua vaccine.
Tại châu Âu, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp như đã nêu trên, Italy và Đức cũng đang chứng kiến sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 với số ca nhiễm mới lần lượt là 13.446 ca và 12.845 ca.
Tại châu Á, ngoài điểm nóng là Ấn Độ, số ca nhiễm mới tại Iran vẫn ở mức cao với 19.272 ca được ghi nhận trong 24 giờ qua. Hiện tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Iran đã lên gần 2,5 triệu ca. Iraq và Philippines là 2 quốc gia châu Á khác có tổng số ca nhiễm trên 1 triệu ca.
Tại châu Phi, trong 24 giờ qua, cả châu lục này ghi nhận 9.558 ca nhiễm mới, trong đó Tunisia có số ca nhiễm mới cao nhất 1.904 ca, tiếp sau là Nam Phi 1.674 ca, Ethiopia 1.024 ca, Ai cập 1.021 ca./.
Theo TTXVN