Xã An Sơn, TP.Thuận An - vùng đất có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng, sau 46 năm xây dựng và phát triển hiện đã và đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Trong giai đoạn mới, An Sơn tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của xã ven sông, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái và nâng tầm cảng An Sơn tạo đà phát triển thương mại - dịch vụ của địa phương.
Cảng An Sơn được kỳ vọng sẽ kéo theo sự phát triển thương mại - du lịch của địa phương
Thế mạnh kinh tế vườn
Xã An Sơn nằm ở phía tây bắc TP.Thuận An, là vùng đất có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, An Sơn là căn cứ cách mạng của Đảng bộ, quân và dân huyện Lái Thiêu (TP. Thuận An ngày nay), đồng thời đây cũng là một trong những căn cứ kháng chiến quan trọng của tỉnh Bình Dương. Sau 46 năm xây dựng và phát triển, An Sơn đã có những bước tiến rõ nét, đặc biệt là sự thay đổi trên lĩnh vực kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Với vị trí nằm dọc theo sông Sài Gòn, xã An Sơn có tiềm năng và thế mạnh thuận lợi trong phát trển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái.
Hiện xã An Sơn có khoảng 202 ha diện tích trồng cây măng cụt. Trên địa bàn có 1 hợp tác xã thương mại nông nghiệp dịch vụ An Sơn và 8 tổ hợp tác trồng hoa kiểng, chăm sóc vườn cây ăn trái với 26 thành viên. Hợp tác xã thương mại nông nghiệp dịch vụ An Sơn đang có kế hoạch quảng bá thương hiệu sản phẩm tập thể thông qua việc tập hợp, làm điểm tập kết những sản phẩm cây ăn trái đạt chuẩn VietGAP để khách tham quan an tâm thưởng thức và mua trái cây tại vườn.
Ông Trần Văn Viễn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp An Sơn, chia sẻ: “Gia đình tôi có khoảng 40.000m2 đất vườn, trồng chủ yếu cây măng cụt theo tiêu chuẩn VietGAP với hơn 600 gốc, mang thương hiệu “măng cụt Lái Thiêu”, đủ điều kiện xuất đi các tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời, tôi còn xen canh một số loại cây ăn trái khác như dâu, mít tố nữ, mít Thái và hơn 400 gốc bưởi da xanh ruột đỏ cho thu hoạch quanh năm. Vườn cây ăn trái này đã giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống. Hiện nay, xã đang đẩy mạnh phát triển mô hình sinh thái miệt vườn, người dân chúng tôi rất vui mừng hưởng ứng”.
Ông Hà MinhTuấn, Chủ tịch UBND xã An Sơn, cho biết nhằm phát huy các thế mạnh, hiện xã An Sơn đang xúc tiến vận động các cá nhân, tập thể tham gia xây dựng du lịch vườn sinh thái. Thời gian qua xã đã huy động các nguồn lực, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển mô hình vườn du lịch sinh thái, chọn lựa địa điểm vườn cây đẹp, ở vị trí thuận tiện cho khách du lịch đi lại, tham quan. Đi kèm là chú trọng phát triển dịch vụ ẩm thực, giải trí phong phú để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Để tạo sức bật cho ngành du lịch - dịch vụ nghỉ dưỡng ven sông, thời gian tới xã An Sơn đẩy mạnh nâng cao chất lượng và hiệu quả vườn cây ăn trái theo hướng VietGAP gắn với du lịch sinh thái, đồng thời bảo vệ tốt môi trường, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Song song đó, An Sơn sẽ tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường đê bao ven sông Sài Gòn, hệ thống giao thông trên địa bàn bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản.
Nâng tầm Cảng An Sơn
Cùng với tiềm năng và thế mạnh trong phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái, phát triển dịch vụ cảng sông đang được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy để An Sơn tạo bước đột phá trong phát triển thương mại - dịch vụ, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Cảng An Sơn được khởi công xây dựng năm 2012 với diện tích 320.000m2. Cùng với hoạt động vận chuyển hàng hóa đang diễn ra thường ngày, Cảng An Sơn đang tiếp tục được tỉnh đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh.
Ông Hà MinhTuấn, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Sơn luôn kỳ vọng sau khi Cảng An Sơn chính thức hoàn thành sẽ nâng tầm, phát huy hết thế mạnh, hoạt động hiệu quả, kéo theo sự phát triển thương mại - du lịch của địa phương, nhất là hoạt động kinh tế ven sông, góp phần thay đổi diện mạo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của xã, tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống người dân”.
PHƯƠNG LÊ