Bài 4: Một người Quảng làm nhà “Bình Dương học” qua báo chí!
Là người Quảng Nam làm rể đất Bình Dương, ông Nguyễn Hiếu Học, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học dân gian được bạn bè gọi là nhà “Bình Dương học”. Bởi, kiến thức của ông về Bình Dương xưa và nay rất đầy đủ, phong phú các lĩnh vực về con người vùng đất hiền hòa này… Ông từng cộng tác nhiều năm với báo Bình Dương trong chuyên mục “Đất và người Bình Dương”.
Đến nhà ông, thứ nhiều nhất và đáng giá nhất là những tủ sách chất ngất! Rất nhiều sách quý, hiếm xuất bản cả mấy chục năm trước vẫn được ông lưu giữ cẩn thận. “Có như thế mới trả lời bạn đọc của báo Bình Dương cũng như người xem Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Đó là 2 trong số các nơi tôi cộng tác mục hỏi - đáp về các lĩnh vực văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán… của vùng đất này”, ông Nguyễn Hiếu Học chia sẻ.
Ông Nguyễn Hiếu Học đang nói về bài viết cho chuyên mục “Bạn đọc hỏi” đăng trên báo xuân Bình Dương
Đúng như vậy thật! Tôi từng được đọc những bản thảo ông viết. Quá công phu là nhận xét của người đọc biết trân trọng công việc của nhà nghiên cứu. Bởi có khi, để trả lời cho một câu hỏi của độc giả, ông phải đọc vài cuốn sách. Bài viết thì ghi chú nguồn trích dẫn thật cẩn thận. Nay ông vẫn miệt mài nghiên cứu, viết lách. Bản thân ông đã vinh dự nhận các huy chương vì sự nghiệp giáo dục, văn học nghệ thuật, nhận bằng khen thành tích xuất sắc 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của tỉnh…
“Dấu xưa đất Thủ” là một trong những quyển sách nổi tiếng của ông Nguyễn Hiếu Học về Bình Dương. Quyển này cũng được giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ do UBND tỉnh và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức. Đọc “Dấu xưa đất Thủ” sẽ thấy phong cảnh, sản vật, con người của Bình Dương ở đó. Nói về việc cộng tác với Báo Bình Dương, ông Nguyễn Hiếu Học nói: “Trước tôi hay cộng tác cho tờ báo ngày, sau đó Báo Bình Dương có thêm ấn phẩm Bình Dương cuối tuần. Khoảng từ năm 2004 đến cuối 2008, tôi đã cộng tác cho chuyên mục “Đất và người Bình Dương”. Trước đó, khoảng năm 1999 đến 2003, tôi cộng tác cho mục “Bạn đọc hỏi” và nhiều bài viết về lĩnh vực khác nữa...”.
Nhà của ông Nguyễn Hiếu Học cũng là nơi đàm đạo văn chương của giới văn nghệ sĩ. Thi sĩ Bùi Giáng, nhà văn Sơn Nam… là những người từng “về Bình Dương là tìm đến Nguyễn Hiếu Học”. Nhà văn Sơn Nam từng bảo rằng: “Nói đến Bình Dương là nói đến Nguyễn Hiếu Học và nhắc đến Nguyễn Hiếu Học là nghĩ ngay đến Bình Dương…”. Vốn tri thức giàu có được tích lũy từ cuộc sống, sách vở đã giúp ông thể hiện trong các tác phẩm khác như: Nam bộ xưa và nay (in chung); Nét đẹp Bình Dương (in chung); Làng nghề Bình Dương; Văn hóa ẩm thực Bình Dương; Những ngôi chùa, đình tiêu biểu ở Bình Dương, Bước đầu tìm hiểu về văn hóa ẩm thực Bình Dương…
Nhà ông Nguyễn Hiếu Học có cây sơ ri xòe tán cây che trọn bộ bàn ghế đá. Đó là nơi ông thường uống trà, đàm đạo thơ phú cùng bạn bè. Ông Hiếu Học hay nói với tôi: “Con ngồi yên đó mà nghe chú nói. Chú nói 2 phút là phải đọc cả chục quyển sách đó, biết không?”. Và tôi biết đó là duyên hạnh ngộ mà tôi may mắn có được. Bởi, kiến thức ở một người ham học, ham đọc như ông - một tính cách Quảng Nam quả thật là quá ư phong phú…
Ông vẫn dành cho Báo Bình Dương một tình cảm đặc biệt và nói rằng, xu thế chung của truyền thông hiện nay là đa phương tiện. Nhưng làm gì thì làm cũng phải có những bài viết, chuyên mục thật sâu sắc, đậm đà về vùng đất phát triển nhanh chóng của tỉnh nhà. Tôi hiểu điều này bởi tôi biết ông yêu Bình Dương - quê hương thứ 2 của ông như yêu vùng đất Quảng Nam, quê nhà luôn trong tâm tưởng của ông vậy…
QUỲNH NHƯ
Bài cuối: Vẫn đồng hành với Báo Bình Dương