An toàn giao thông đường sắt: Chớ nên xem thường!

Cập nhật: 17-06-2015 | 10:26:03
Trong 5 tháng đầu năm 2015, tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trong nước đã tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể là đã xảy ra 86 vụ TNGT đường sắt, làm chết 76 người và bị thương 24 người. So với cùng kỳ năm 2014, số vụ TNGT đường sắt tăng gần 18% (tăng 13 vụ), số người chết tăng 8,5% (tăng 6 người) và số người bị thương tăng 50% (tăng 8 người).
Một điểm giao cắt giữa đường dân sinh và đường ray xe lửa không có hàng rào bảo vệ tại TX.Dĩ An. Ảnh: B.MINH

TNGT đường sắt tăng

Thực tế cho thấy, TNGT đường sắt xảy ra chủ yếu tại các đường ngang dân sinh (chiếm gần 79%), tại các đường ngang có cảnh báo tự động chiếm hơn 18% và tại các đường ngang có biển báo chiếm gần 3%. Các vụ tai nạn đường sắt xảy ra chủ yếu tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (đường ngang), nhất là đường ngang dân sinh. Nguyên nhân gây tai nạn phần lớn do người tham gia giao thông đường bộ không chấp hành đúng các quy định về trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ khi vượt qua đường sắt...

Bình Dương có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua để về ga Sóng Thần - một trong những đầu mối giao thông vận tải ở khu vực phía Nam do ga nằm cạnh Khu công nghiệp Sóng Thần, tiếp giáp giữa Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai, có hệ thống đường quốc lộ liên tỉnh, bến cảng… Từ một nhà ga chỉ có 3 đường để tránh vượt tàu, đến nay nhà ga đã có 17 đường với sức chứa trên 350 toa xe, 5 kho chứa hàng, trong đó có 1 kho hàng lẻ với tổng diện tích 2.500m2... Do đó vấn đề ATGT đường sắt tại khu vực này luôn được các ngành, lực lượng chức năng quan tâm.

Những năm gần đây tình hình TNGT đường sắt tại Bình Dương có giảm xuống khi số vụ tai nạn xảy ra rất ít. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh lại xảy ra 3 vụ TNGT đường sắt làm 3 người chết, so với cùng kỳ tăng 100% - một con số dù nhỏ nhưng rất đáng quan tâm khi so sánh với số vụ TNGT đường sắt xảy ra trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay. Điển hình như vụ tai nạn xảy ra vào sáng ngày 7-1-2015 làm một phụ nữ tử vong. Vào thời điểm trên, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đi ngang qua KP.Bình Đường 3, phường An Bình, TX.Dĩ An, vợ chồng chị Lê Thị L. (quê Mỏ Cày, Bến Tre) đi xe máy băng qua đoạn đường sắt tại khu vực này thì bị đoàn tàu SE chạy hướng Hà Nội - Sài Gòn đâm vào đuôi xe máy khiến vợ chồng chị L. văng xuống đường sắt. Tai nạn xảy ra làm chị L. chết tại chỗ, còn chồng của chị thì bị thương. Theo nhiều người dân sinh sống tại khu vực này thì tại đây có nhiều đường ngang dân sinh tự phát băng qua đường sắt. Hàng ngày người dân khi có việc lưu thông thường băng qua đường ngang tự phát, trong khi tại khu vực này không có rào chắn và bị che khuất tầm nhìn nên rất dễ xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người còn xem nhẹ tính mạng của mình khi vẫn vô tư băng ngang đường sắt mà không chấp hành quy tắc an toàn khi vượt qua đường sắt, hành lang ATGT đường bộ, đường sắt...

Nhiều biện pháp khắc phục

Trước tình trạng chung nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 12/CT-TTg yêu cầu tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô và đường sắt. Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chỉ đạo rà soát, đánh giá các điểm, vị trí đường ngang gây mất ATGT đường sắt; bố trí người trực cảnh giới tại các đường ngang có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, đường ngang không có người gác có nguy cơ mất ATGT đường sắt. Yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường giám sát việc thực hiện quy trình, quy phạm ATGT đường sắt của đội ngũ nhân viên gác đường ngang; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết bị an toàn trên hệ thống đường ngang; cung cấp lịch trình chạy tàu cho lực lượng chức năng để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa vi phạm…

Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đã chỉ đạo và nêu quyết tâm từ nay đến cuối năm phải kiềm chế, giảm thiểu TNGT đường sắt. Đối với các giải pháp trước mắt, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào bảo đảm trật tự ATGT đường sắt; nâng cao khả năng của Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt; tổ chức diễn tập cứu hộ trên từng cung đường; rà soát lại toàn bộ các đường ngang, hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, cảnh báo.

Về lâu dài, yêu cầu ngành đường sắt triển khai chiến lược giao thông đường sắt đến năm 2030, với các mục tiêu cụ thể, trong đó xác định lộ trình cụ thể về hành lang bảo đảm ATGT đường sắt. Ban ATGT các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết quy tắc giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt và cảnh báo nguy cơ xảy ra TNGT tại các đường ngang đường sắt, nhất là đường ngang không có gác chắn trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, qua hệ thống truyền thanh xã, phường. Về vấn đề này, đại diện Ban ATGT tỉnh cho biết sẽ tổ chức lực lượng phối hợp để quản lý, nắm vững giờ tàu qua địa bàn để tăng cường công tác kiểm tra tại các đường ngang có rào chắn và thiết bị cảnh báo tự động để phát hiện, xử lý vi phạm (đóng mở thanh chắn, hoạt động của thiết bị) và xử phạt vi phạm quy tắc giao thông khi đi qua đường sắt đối với người tham gia giao thông đường bộ; kiểm tra, rà soát các điểm giao cắt, tổ chức giải phóng bảo đảm tầm nhìn cho cả hai phía đường bộ, đường sắt. Riêng đối với đường ngang không có rào chắn và thiết bị cảnh báo tự động mà có mật độ phương tiện giao thông cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn sẽ tổ chức cửngười cảnh giới để bảo đảm an toàn…

 BÌNH MINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=884
Quay lên trên