Bình Dương thuộc nhóm dẫn đầu về số lượng, trữ lượng nguồn phóng xạ so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Bởi vậy, việc xây dựng các kế hoạch ứng phó sự cố (ƯPSC) thật chi tiết, cụ thể là một việc làm cần kíp.
Có 40 nguồn phóng xạ
Kế hoạch ƯPSC bức xạ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2020 được xây dựng trên cơ sở sự cần thiết, hiện trạng về tình hình ứng dụng kỹ thuật bức xạ và công tác ƯPSC bức xạ trên địa bàn tỉnh. Kết quả điều tra thống kê năm 2010 cho thấy trên địa bàn tỉnh có 93 cơ sở nguồn bức xạ, trong đó có 59 cơ sở y tế và 34 cơ sở công nghiệp được phân bố tại các huyện, thị. Các nguồn bức xạ trên địa bàn tỉnh chỉ sử dụng hai loại nguồn bức xạ là nguồn phóng xạ kín và máy phát tia X. Về số lượng nguồn bức xạ, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 157 nguồn bức xạ, bao gồm 93 máy phát tia X y tế, 64 nguồn bức xạ ở các cơ sở công nghiệp, trong đó có 24 máy phát tia X công nghiệp và 40 nguồn phóng xạ.
Hiện nay Bình Dương có đến 59 cơ sở y tế tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố bức xạ hạt nhân (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Trong số này, đáng kể nhất có nguồn phóng xạ của Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú. Tổng hoạt độ phóng xạ của nguồn này lên đến 51,6 triệu Gbq, gồm 134 thanh nguồn có thể tách riêng biệt. Nguồn phóng xạ này đặt ở mức nguy hiểm cấp 1. Ngoài ra, còn có các nguồn phóng xạ của các công ty Tôn Hoa Sen, Sun Steel, Red Bull, Tân Hiệp Phát... đều có hoạt độ mỗi nguồn > 1 Gbq. Đó là chưa kể đến các nguồn phóng xạ nhỏ lẻ đang nằm rải rác ở 93 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều đang sử dụng nguồn bức X là các máy phát tia X để chẩn đoán bệnh như máy CT scaner, máy chiếu chụp X quang, máy chụp răng...Trên đây chỉ mới là nguồn phóng xạ đã được thống kê chưa đầy đủ năm 2010. Thực tế là trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn có nguồn phóng xạ của các cơ sở công nghiệp trôi nổi từ nơi khác đến. Hoạt động thường gặp của các cơ sở này là sử dụng nguồn phóng xạ kín để kiểm tra chất lượng nền móng công trình giao thông, xây dựng... Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ vẫn chưa quản lý được nguồn phóng xạ này do các chủ cơ sở ngoài tỉnh không tuân thủ nghiêm ngặt quy định trình báo cơ quan chức năng địa phương khi mang nguồn phóng xạ từ nơi khác đến.
Đi đầu trong công tác ƯPSC
Hiện nay, kỹ thuật bức xạ - hạt nhân đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng bên cạnh những lợi ích thiết thực, to lớn của ngành năng lượng hạt nhân và kỹ thuật bức xạ hạt nhân thì mối nguy cơ về sự cố và nhiễm xạ là rất lớn. Đã có một số sự cố về hạt nhân gây nên sự mất an toàn về bức xạ, hạt nhân đã xảy ra trên thế giới gây tổn hại đáng kể đến con người. Tại Việt Nam, vào năm 2002, đã xảy ra sự cố rơi nguồn phóng xạ Ir-192 trong xạ hình công nghiệp kiểm tra khuyết tật kim loại của Công ty Alpha, thuộc Tập đoàn Vinashin khiến cho một số nhân viên bị nhiễm xạ. Hay sự cố đánh mất nguồn Cs-137 trong thiết bị đo mức của Công ty Cổ phần Xi măng Việt Trung cho đến nay vẫn chưa tìm ra nguồn phóng xạ (năm 2003); sự cố mất nguồn phóng xạ hở Eu-152 dùng trong nghiên cứu của Viện Công nghệ xạ hiếm tại Hà Nội (năm 2006) gây hoang mang lo sợ trong cộng đồng dân cư.
Nguyên nhân chính của các sự cố bức xạ nói trên là do không tuân thủ theo các quy định về bảo đảm an toàn bức xạ. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét lại khả năng ƯPSC của các đơn vị chủ quản là rất thấp. Bởi không có kế hoạch ƯPSC và thiếu diễn tập thường xuyên nên khi xảy ra sự cố, thường có sự hoảng loạn và lúng túng. Bởi thế, chi phí khắc phục sự cố là rất lớn, lại ảnh hưởng không nhỏ đến con người và môi trường, gây bất ổn xã hội.
Nguồn phóng xạ hiện hữu đang có mặt tại Bình Dương hiện nay là rất lớn. Bởi vậy, nếu xảy ra sự cố, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không có kế hoạch cụ thể nhằm ƯPSC. Chính vì thế, UBND tỉnh Bình Dương đã sớm lên phương án xây dựng kế hoạch ƯPSC cấp tỉnh và trình Bộ Khoa học và Công nghệ xét duyệt nhằm giảm thiểu tối đa tác hại đối với con người và môi trường một khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, để làm được điều này là không hề dễ dàng. Chính Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị đã thừa nhận trong cuộc họp mới đây về việc xây dựng kế hoạch ƯPSC bức xạ giai đoạn 2011-2020: “Mặc dù tỉnh Bình Dương có nhiều nguồn bức xạ, trong những năm qua chưa có xảy ra sự cố nào, nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không xảy ra sự cố. Mỗi sự cố lại là một mối nguy hại mới. Chính vì thế, an toàn bức xạ hạt nhân là bài học không mới cũng không cũ. Bình Dương phải thực hiện nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch ƯPSC để có những phương án chuẩn bị đối phó tốt nhất”.
KHÁNH VINH