An toàn giao thông: Nhìn từ góc độ văn hóa

Cập nhật: 03-08-2011 | 00:00:00

Những năm gần đây, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra nhiều và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng TNGT là do ý thức chấp hành pháp luật của một số người tham gia giao thông còn hạn chế, tùy tiện. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông chính là xây dựng văn hóa giao thông (VHGT), xây dựng nhận thức về VHGT và cách ứng xử khi tham gia giao thông.

 Văn hóa giao thông: là không mua bán lấn chiếm lòng, lề đường

Văn hóa là một khái niệm mang nội hàm rộng lớn liên quan đến mọi mặt của cuộc sống con người. Mục đích của xây dựng VHGT là xây dựng được xã hội mà giao thông phải đạt được “Trật tự, an toàn, nhanh chóng, thuận tiện”, đó là một trong những tiêu chí cần thiết để xây dựng nét văn hóa chung trong cuộc sống hiện nay.

Để có VHGT thì người tham gia giao thông phải có hiểu biết đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT; khi tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng; biết tôn trọng và nhường nhịn, biết chia sẻ giúp đỡ người khác, có thái độ ứng xử chuẩn mực, văn minh, lịch sự kể cả khi vi phạm hành chính về TTATGT và bị xử phạt, khi thấy các sự cố về đường sá, phương tiện... phải kịp thời báo hiệu hoặc thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Người thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT phải gương mẫu, nắm chắc pháp luật, thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm TTATGT theo đúng quy định của pháp luật; không sách nhiễu, tiêu cực khi thi hành công vụ; tận tâm phục vụ nhân dân, giúp đỡ người tham gia giao thông khi gặp hoạn nạn. Tổ chức cá nhân kinh doanh vận tải hành khách phải đặt mục đích an toàn lên trên hết, cần tăng cường giáo dục đạo đức cho người điều khiển phương tiện để có thái độ ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

Qua thống kê phân tích cho thấy, nguyên nhân của rất nhiều vụ TNGT và ùn tắc giao thông là do người tham gia giao thông vi phạm pháp luật giao thông, có đến trên 80% số vụ TNGT do người điều khiển vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây ra. Mỗi năm, lực lượng công an cả nước đã kiểm tra, xử lý trên 6 triệu trường hợp vi phạm TTATGT với các lỗi thường gặp là: đi không đúng phần đường, làn đường; chạy quá tốc độ, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đường ngược chiều; chở quá số người quy định, vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; thiếu văn minh lịch sự trên phương tiện giao thông công cộng; thậm chí một số trường hợp khi va chạm giao thông có cách hành xử không đúng mực, thiếu văn minh để phương tiện trên đường gây cản trở giao thông, gây gổ hành hung người khác... Thực tế, chỉ khi nào có lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ trên đường, thì ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân mới được tuân thủ.

Có thể nói, chính vì không tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông mà dẫn đến nhiều vụ TNGT đáng tiếc. Ngày 12-7, tại QL.13, thuộc phường Phú Hòa, TX.TDM đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng. Nguyễn Thanh Tú, SN 1985, quê quán huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận điều khiển mô tô BS 65H4-9789 lưu thông từ hướng đường Lê Hồng Phong đến giao lộ QL.13 - đường 30-4 đụng vào phía sau xe ô tô BS 51E-00975 do Võ Minh Luân, SN 1987, thường trú phường Đông Hòa, TX.Dĩ An điều khiển đậu bên lề phải phía trước cùng chiều (xe ô tô bị chết máy đậu để sửa chữa). Tai nạn làm Tú chết tại hiện trường. Và trong thời gian qua, cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, sau đó vì thiếu kiềm chế mà các bên gây gổ nhau.

Lúc 15 giờ ngày 23-6, tại khu phố Tân An, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An xảy ra vụ va chạm giao thông giữa Vũ Văn Quân, SN 1987, quê quán tỉnh Nam Định và Lâm Đức Sển, SN 1987, quê quán tỉnh Bạc Liêu, điều khiển xe máy BS 61F8-2533, chở phía sau là vợ Mai Thảo Trâm, SN 1987. Sau đó, tên Sển có lời qua tiếng lại cự cãi với anh Quân, lúc này anh Đỗ Thái Hiền, SN 1986, là cán bộ Công an TX.Dĩ An đến can ngăn và thông báo cảnh sát giao thông đến để xử lý. Cùng lúc đó, đồng bọn của tên Sển gồm Trần Vũ Trường Giang, SN 1990, quê quán tỉnh Hậu Giang; Lâm Thị Diễm Linh, SN 1992, quê quán tỉnh  Sóc Trăng cùng Điện, Xuân, Tín (chưa rõ lai lịch) chạy đến thách thức và dùng đá ném anh Hiền và Quân bị thương phải điều trị tại bệnh viện. Nhận được tin báo Công an phường Tân Đông Hiệp đến hiện trường bắt 4 tên (Sển, Trâm, Linh, Giang) để xử lý. Trên đây chỉ là một số vụ việc điển hình, mong rằng đây chính là những bài học đối với mọi người, cần phải có thái độ văn hóa khi tham gia giao thông, đừng để xảy ra những vụ việc đáng tiếc làm ảnh hưởng đến tính mạng của mình và mọi người.

                        CHÍ NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên