An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhức nhối

Cập nhật: 05-06-2023 | 08:24:03

An toàn thực phẩm (ATTP) hiện đang là vấn đề nhức nhối được cả xã hội quan tâm. Người dân đang phải đối mặt với các loại thực phẩm bẩn, không bảo đảm vệ sinh về chất lượng cũng như độ an toàn trong chế biến, sản xuất.

 Làm bánh cốm, bánh tằm tại chợ Thủ Dầu Một

 Phát hiện nhiều vụ vi phạm

Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh, trong “Tháng hành động vì ATTP”, cục cùng với các địa phương đã kiểm tra đột xuất 72 vụ liên quan đến vệ sinh ATTP, phát hiện 21 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt là 71 triệu đồng. Trong tổng số 72 vụ kiểm tra, tuyến tỉnh phát hiện 4 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không bảo đảm điều kiện về ATTP; tuyến huyện phát hiện 17 vụ vi phạm, xử lý 6 vụ với tổng số tiền phạt 64 triệu đồng, nhắc nhở 3 cơ sở.

Cùng với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Ban Chỉ đạo (BCĐ) ATTP các huyện, thị, thành phố cũng đã thực hiện hàng loạt cuộc kiểm tra. Mở đầu là TP.Tân Uyên, năm qua địa phương này đã ra quân kiểm tra hơn 1.900 cơ sở sản xuất thực phẩm, xử phạt 3 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 18 triệu đồng. Các đoàn kiểm tra liên ngành trên địa bàn thành phố đã thực hiện hơn 1.920 test nhanh, phát hiện 165 test dương tính với glucose lipid và chất hàn the trong chả bò, chả chay, chả lụa, mì vàng.

Trong khi đó tại huyện Bàu Bàng, chỉ trong 12 ngày ra quân kiểm tra trong Tháng ATTP, BCĐ ATTP huyện đã kiểm tra 28 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó có 4 bếp ăn tập thể, 11 cơ sở dịch vụ ăn uống, 13 cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Trong 28 cơ sở được kiểm tra, có 5 cơ sở không đạt, xử phạt hành chính 4 cơ sở với tổng số tiền 10 triệu đồng, 1 cơ sở cam kết đóng cửa do kinh tế khó khăn không có khả năng đóng phạt. Cũng qua kiểm tra, đoàn lấy 18 mẫu thực phẩm để test gồm 6 mẫu bún, 7 mẫu chả lụa, 1 mẫu bún khô, 4 mẫu cải chua. Kết quả, tất cả 18 mẫu đều âm tính với hàn the, formol hoặc hypoclorid.

Theo các thành viên trong BCĐ ATTP huyện Bàu Bàng, đa số các cơ sở được xây dựng kiên cố, sạch sẽ, thông thoáng, dễ vệ sinh, có dụng cụ chế biến đầy đủ, thức ăn sống tách biệt với thức ăn chín, trang bị đồ chứa rác thải bảo đảm theo quy định. Tuy nhiên, một vài nơi chế biến, kinh doanh có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo, bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ không bảo đảm vệ sinh. Trong khi đó, bếp ăn tập thể tại công ty thì chủ doanh nghiệp chưa thường xuyên giám sát nhà cung cấp suất ăn trong quản lý vệ sinh.

Tại huyện Dầu Tiếng, BCĐ ATTP huyện tiến hành kiểm tra 49 cơ sở, có 7 cơ sở không đạt điều kiện ATTP, nhắc nhở 7 cơ sở dịch vụ ăn uống vi phạm về điều kiện vệ sinh.

Cần 3 giải pháp chiến lược

Thực tế cho thấy, hiện các vụ ngộ độc thực phẩm đang diễn biến rất phức tạp và có nhiều trường hợp tử vong vì ăn phải các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, để giải quyết vấn đề ATTP cần 3 giải pháp chiến lược: Cơ chế - chính sách; kinh tế - xã hội; khoa học - công nghệ cũng như hành động quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng, người sản xuất và người tiêu dùng. Trước nhất, cần điều chỉnh các văn bản luật có liên quan đến ATTP cho phù hợp với tình hình đất nước; khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước về những văn bản pháp luật liên quan đến ATTP. Bên cạnh đó, cần có những chính sách nhằm ngăn chặn các sản phẩm nguy hại từ bên ngoài vào nước ta, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Các cơ quan thẩm quyền liên quan cần tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh (chăn nuôi, giết mổ động thực vật, trồng trọt, cơ sở chế biến…), xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng vi phạm vệ sinh ATTP.

Mặt khác, các cơ sở sản xuất, chế biến cũng cần phải có những biện pháp để phát triển sản xuất sạch, bảo đảm vệ sinh ATTP theo đúng mọi tiêu chuẩn được cơ quan chức năng đánh giá, chứng nhận. Nhà sản xuất cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh, tránh vì lợi nhuận mà gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng và toàn xã hội. Người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là chất lượng các loại thực phẩm. Người dân cần thận trọng nhiều hơn trong việc lựa chọn thực phẩm để bảo đảm vệ sinh, rõ nguồn gốc, tránh mua những thực phẩm kém chất lượng, gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

 Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum sinh ra bởi vi khuẩn Clostridium Botulinum, đây là một chất độc cực mạnh và đã có trường hợp tử vong. Hầu hết các trường hợp ngộ độc Clostridium Botulinum qua thực phẩm đóng hộp tại gia không đúng cách, đặc biệt là thực phẩm hàm lượng acid thấp như măng tây, đậu xanh, củ dền, bắp, thịt hộp... Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo người dân cần “thực hành tốt” khâu chế biến thực phẩm, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường; thực hiện ăn chín, uống sôi, ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín, không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần bảo đảm phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Botulinum, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=638
Quay lên trên