Anh bộ đội đặc công say mê sáng tạo

Cập nhật: 13-04-2010 | 00:00:00

Bài 1: NƠI ƯƠM MẦM SÁNG KIẾN

Nếu ai đã từng gặp một lần chắc chắn khó có thể quên nụ cười hiền như con gái của chàng sĩ quan đặc công (ĐC) trẻ tuổi: Thượng úy Lê Đắc Dũng (Đội trưởng Đội 10, Đoàn ĐC B29, Binh chủng ĐC). Nhưng ẩn sau nụ cười ấy là đôi mắt thông minh và cái nhíu mày cương nghị của người cán bộ chỉ huy...

Thượng úy Lê Đắc Dũng (bìa phải) đang giới thiệu với thủ trưởng Binh chủng Đặc công và thủ trưởng Đoàn Đặc công B29 về các loại học cụ huấn luyện của Đội 10 Nhìn gương mặt căng thẳng và lưng áo ướt đẫm mồ hôi của Đắc Dũng trong lúc thực hành “công trình” tại thao trường, đồng đội có cảm giác như anh đang “nín thở” bước vào một trận chiến đầy bất trắc, có thể thành công và cũng có thể thất bại. Cuối cùng một tiếng nổ vang lên ở tầm xa với khoảng cách như mong đợi đã chứng minh rằng, công sức mà anh bỏ ra trong thời gian bấy lâu không là uổng phí...

Ước mơ... tuổi 20

Chàng trai Lê Đắc Dũng thuộc thế hệ đời đầu 8X, sinh ra và lớn lên trong một gia đình “nhà nòi của lính”. Có ông ngoại là cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, các cô chú bác ruột 2 bên nội ngoại đều là bộ đội, đặc biệt có bố mẹ là cán bộ đảng viên trưởng thành từ trong quân đội. Có lẽ vì thế mà Đắc Dũng luôn có một ước mơ cháy bỏng được trở thành người sĩ quan quân đội nhân dân ngay từ khi còn ngồi dưới mái trường phổ thông. Một ước mơ rất... tuổi 20 để được bước tiếp truyền thống gia đình!

Là một học sinh giỏi nhiều năm liền bậc phổ thông và được làm quen với 2 ngoại ngữ (cấp 2 học tiếng Pháp, cấp 3 học tiếng Anh) nên sau khi tốt nghiệp phổ thông Đắc Dũng đã thử sức mình thi đại học cả 3 khối (K, D1 và D3) vào 3 trường năm 1998. Thế nhưng cậu học trò “tham lam” này chỉ đậu vào Học viện Ngân hàng, còn ước mơ vào Lục quân để trở thành “anh bộ đội” vẫn chỉ là... mơ ước. Từ chối làm sinh viên của Học viện Ngân hàng, Đắc Dũng đã toại nguyện trở thành sinh viên của trường Sĩ quan ĐC mùa thi năm sau. Cũng tại mái trường thân yêu này Đắc Dũng đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng năm 2002 và dĩ nhiên trở thành “đồng chí” của ông bà, bố mẹ!

Những ngày dưới mái trường Sĩ quan ĐC, Đắc Dũng luôn miệt mài học tập, môn học nào anh cũng thấy thích. Kết quả học tập các môn cuối khóa đều đạt khá, giỏi. Đặc biệt Đắc Dũng có khiếu “thẩm định” âm nhạc dân ca và ca khúc nước ngoài khá tốt nên thường xuyên tham gia nhiệt tình các hoạt động phong trào của trường. Chính vì vậy mà năm 2003, Đắc Dũng là 1 trong 3 thành viên được nhà trường lựa chọn tham gia chương trình “Trò chơi âm nhạc” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3) và toàn đội đã mang về giải Nhì toàn quốc. Thảo nào lần đầu tiên gặp anh, tôi có cảm giác quen quen, dường như đã gặp anh ở đâu rồi. Qua trò chuyện tôi mới hiểu, hóa ra mình đã từng gặp anh trên... VTV3!

Tốt nghiệp trường Sĩ quan ĐC, Đắc Dũng được phân công vào Nam nhận nhiệm vụ. Lần đầu đặt chân đến miền Đông Nam bộ, được sống trong vòng tay yêu thương của đồng đội và tình cảm trìu mến của bà con địa phương, anh nhận ra một điều rằng: Mảnh đất Bình Dương nơi Đoàn ĐC B29 đóng quân chính là nơi sẽ nuôi dưỡng ước mơ của anh, nơi anh sẽ tự khẳng định bản thân mình!

Ở môi trường mới với chức danh là mũi trưởng trinh sát, rồi chuyển sang làm cán bộ mũi của Đội 10 (Đội CKB) của đơn vị, Đắc Dũng rất phấn khởi nhưng cũng không kém phần lo lắng. Anh tâm sự: “Đội CKB có 100% chiến đấu viên (CĐV) là quân nhân chuyên nghiệp. Hầu hết các anh ấy đều là những quân nhân ưu tú, xuất sắc được tuyển chọn kỹ càng. Tuổi đời cũng như tuổi quân của đa số các anh CĐV đều nhiều hơn em. Cũng chính vì vậy mà tầm hiểu biết và nhận thức của các anh cũng rất cao. Do đó để có thể đáp ứng và làm thỏa mãn được những ý kiến thảo luận, thắc mắc, trao đổi trong học tập chính trị và huấn luyện quân sự của lực lượng CĐV là một điều không dễ dàng chút nào. Bản thân em thường xuyên phải tự trau dồi kiến thức đã học, tìm tòi tài liệu và học hỏi rất nhiều kinh nghiệm của những người đi trước...”.

Say mê sáng tạo

Có người cứ nghĩ rằng học tập, huấn luyện tại “Đặc công” thì sẽ khó có thể phát huy tính sáng tạo, khó có thể “trổ tài” nghiên cứu vì “Đặc công” là môi trường rất “bí mật”, rất “kín đáo”. Nhưng, không phải thế! Nếu đã là người có khả năng tư duy sáng tạo thì dù ở bất kỳ lĩnh vực, môi trường làm việc nào cũng có thể “cựa mình nảy mầm” và nở ra các đề tài mang tính khoa học thiết thực, hiệu quả. Với trường hợp của Đắc Dũng cũng vậy. Trong những lần học tập và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), quan sát thấy muốn phá được cửa máy bay, khách sạn... bộ đội ta phải rải dây rất bất tiện, nên Đắc Dũng đã nảy sinh ý nghĩ, tại sao ta không có phương pháp điều khiển từ xa cho nổ mìn phá cửa vừa tiện lợi vừa an toàn? Cứ trằn trọc và suy nghĩ, muốn bắt tay vào thực hiện cái ý tưởng đó, nhưng lấy đâu ra thời gian và các “nguyên vật liệu” để tiến hành đây, vì hầu như công việc học tập, huấn luyện bộ đội đều lấp kín thời gian trong ngày rồi. Thế nhưng không gì có thể ngăn được niềm say mê sáng tạo của chàng sĩ quan ĐC trẻ tuổi này. Tận dụng những ngày nghỉ, giờ nghỉ, Đắc Dũng đã miệt mài viết, vẽ rồi lại xóa, lại vẽ sơ đồ mạch điện; lắp vào, tháo ra cái “mô hình” của ý tưởng đó biết bao lần...

Cho đến một ngày nghỉ phép về quê, được sự động viên khích lệ của bố mẹ và gia đình, Đắc Dũng đã viết nên đề tài “Thiết bị điều khiển đánh nổ mìn từ xa bằng sóng vô tuyến điện đã được mã hóa”. Người ta đi phép để nghỉ ngơi, thăm thú gia đình và đi đây đi đó... còn Đắc Dũng lại “quên” khuấy đi việc “an dưỡng” mà tập trung đầu tư tất cả thời gian được nghỉ phép cho việc nghiên cứu, tìm tòi và cải tiến sáng tạo để làm nên một “công trình” tuy chưa phải là lớn nhưng rất thiết thực và hữu ích trong huấn luyện chiến đấu. Gói gọn cả “mô hình” trong ba-lô, Đắc Dũng trở lại đơn vị sau thời gian nghỉ phép. Được đơn vị tạo điều kiện cả về thời gian và vật chất, anh đã hoàn tất đề tài. Anh cho biết: “Công trình này là một bộ điều khiển có tác dụng dùng để kích nổ các loại lượng nổ từ xa bằng sóng vô tuyến điện đã được mã hóa, với những ưu điểm như: trang bị gọn nhẹ, dễ mang đeo, tiện cho việc cơ động; thao tác dễ dàng, tiết kiệm được thời gian; độ chính xác, mức độ an toàn lớn; nếu được sản xuất hàng loạt chi phí sản xuất rất thấp; tầm điều khiển có thể gần 200m nếu được hiệu chỉnh chính xác; phù hợp với nhiệm vụ SSCĐ. Cấu tạo bộ điều khiển này gồm 2 bộ phận: Máy thu và máy phát”

Thượng úy Lê Đắc Dũng (bìa phải) cùng đồng đội thực hành trên máy tínhThành công...

Sau khi xem xét “công trình” của anh, Thủ trưởng đoàn đã đồng ý để Đắc Dũng thử nghiệm thực tế công trình này tại thao trường Đoàn ĐC B29 dưới sự chứng kiến của chỉ huy đơn vị và Đoàn thanh niên cơ sở. Nhìn gương mặt căng thẳng và lưng áo ướt đẫm mồ hôi của Đắc Dũng trong lúc thực hành “công trình” ấy, đồng đội có cảm giác như anh đang “nín thở” bước vào một trận chiến đầy bất trắc, có thể thành công và cũng có thể thất bại. Cuối cùng thì một tiếng nổ vang lên ở tầm xa với khoảng cách như mong đợi đã chứng minh rằng, công sức mà Đắc Dũng bỏ ra trong thời gian bấy lâu không là uổng phí. Tất cả mọi người chứng kiến đều phấn khởi vỗ tay tán thưởng. Đồng chí chỉ huy đơn vị thì vui khôn xiết. Anh nói với Đắc Dũng như là đang nói với em trai của mình vậy: “Vậy là ngon rồi! Thành công rồi! Chúc mừng em!”.

Không dừng lại ở đó, kỳ nghỉ phép năm sau Đắc Dũng đã viết nên một đề tài khác có vẻ “vĩ mô” hơn với tên gọi: “Thiết bị phát hiện khí tài nhìn đêm bằng tia hồng ngoại”. Anh bộc bạch: “Khi xem các chương trình thời sự nói về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq, lính Mỹ có sử dụng thiết bị nhìn ban đêm. Với thiết bị này lính Mỹ có thể quan sát được đối phương trong đêm tối nhưng đối phương lại không thể phát hiện ra. Hơn nữa, thực tế ngay tại đơn vị mỗi lần huấn luyện chiến thuật khi “quân xanh” được trang bị ống nhòm nhìn đêm bằng hồng ngoại đã gây ra không ít khó khăn cho “quân đỏ” trong quá trình cơ động tiếp cận mục tiêu. Từ đó, em đã nảy sinh ý tưởng cải tiến kỹ thuật thiết kế máy cảnh báo hồng ngoại. Thiết bị này giúp cho ta có thể phát hiện được đối phương đang quan sát ta bằng thiết bị nhìn ban đêm và tìm được hướng đứng của đối phương. Thiết bị này có thể được sử dụng phù hợp cho cả bộ binh và đặc biệt là lực lượng ĐC”.

Cả hai đề tài sáng kiến trên của anh đã được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Binh chủng đánh giá cao, được Cục Kỹ thuật binh chủng tặng bằng khen và được chọn đi dự hội thi “Mô hình học cụ” cấp toàn quân năm 2008. Ngoài ra, anh còn có một số sáng kiến cải tiến kỹ thuật khác rất thiết thực trong công tác huấn luyện tại đơn vị, như: “Thiết bị nhìn góc khuất” giúp bộ đội phát hiện được mục tiêu “ẩn nấp” trong những góc góc khuất; “Dụng cụ đếm đạn” tiết kiệm được thời gian kiểm tra, phân phát đạn; “Kính kiểm tra đường ngắm súng K54” và “Mô hình các loại bom lực lượng khủng bố thường sử dụng” (Còn tiếp)

BĂNG PHƯƠNG

Bài 2: Chàng trai... đa tài

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=645
Quay lên trên