Về huyện Bến Cát và Dầu Tiếng hỏi thăm anh hùng Nguyễn Văn Song rất nhiều người biết, mặc dù ông đã mất từ năm 2005. Bà con tự hào nói đó là ông “10 viên 9 thằng” . Tôi hỏi, “10 viên 9 thằng” là sao? Là “dũng sĩ diệt Tây” chứ sao. Thời kháng chiến, nếu anh hùng Song có trong tay 10 viên đạn thì y chang 9 thằng quân xâm lược phải đi đời...
3 lần thoát chết ngoạn mục
Anh hùng Nguyễn Văn Song, sinh năm 1923 tại xã Thới Hòa, huyện Bến Cát. Sau này ông về sống tại xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng. Trong chiến tranh ông là Tiểu đội trưởng du kích xã, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Anh hùng Song (ngoài cùng bên phải) thời kỳ công tác ở miền Bắc
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tình nghĩa mới được Bộ Quốc phòng xây tặng tại xã Minh Thạnh, bà Phan Thị Lý bồi hồi kể lại những kỷ niệm về người chồng mà bà rất yêu thương và tự hào. Bà Lý quê tận Thái Bình. Năm 1954, anh hùng Song tập kết ra Bắc được vài năm thì ông nghe tin người vợ ở trong Nam đã chết vì bom đạn của kẻ thù. Nghe tin sét đánh, ông Song ngày đêm thương nhớ khôn nguôi về miền Nam, nơi vợ ông đã chết mà 3 đứa con còn thơ dại. Bà Lý nói, tôi thấy ông thương quá nên xin phép bố mẹ được chăm sóc ông. Lúc đầu gia đình cản trở nhưng sau rồi cũng êm, bởi ai cũng ngưỡng mộ người trai anh hùng. Thế rồi, mối tình trai Nam gái Bắc đã đơm hoa kết trái...
Tâm sự đến đây, bà Lý đượm buồn, bà nói khẽ, vợ chồng ở với nhau mấy chục năm, tình yêu thời chiến, bom đạn dập vùi... vậy mà nay ông lại bỏ tôi đi sớm. Rồi bà như sôi nổi hẳn lên khi tôi hỏi về những chiến công oanh liệt của ông. Bà kể, chồng bà là người kiên cường và gan dạ, dũng cảm vô song quả đúng như một phần tên gọi của ông. Sinh ra trong gia đình rất nghèo, tuổi thơ của ông phải đi ở đợ cho nhà giàu, cực khổ không chịu nổi. Cách mạng Tháng 8 thành công chưa đầy một tháng, giặc Pháp trở lại xâm lược miền Nam. Trước họa xâm lăng của dân tộc, ông từ bỏ kiếp ở đợ xung phong vào đội quân cảm tử tại địa phương và chiến đấu vô cùng anh dũng. Bà Lý cho biết, tháng 2-1947 ông Song bị giặc bắt. Biết ông là Việt Minh “thứ dữ”, địch không cần xét hỏi mà lôi ông và một đồng đội nữa ra bờ sông cầu Đò (thị trấn Mỹ Phước) xử bắn. Trước họng súng của kẻ thù ông không hề khiếp sợ. Vừa nghe tiếng súng nổ ông đã nhảy bùm xuống sông, lặn vào nằm gọn trong bụi dứa. Riêng người đồng đội thì hy sinh. Địch truy tìm cả ngày bắn nát bờ sông nhưng không tìm được ông, tưởng ông đã chết nên chúng bỏ đi. Đêm xuống ông bò vào nhà dân xin ăn vì bị địch giam đói mấy ngày liền. Thấy ông, mọi người phát hoảng vì cứ nghĩ ông đã bị địch bắn chết rồi. Sau đó, ông ngất lịm vì đói, trên mình đầy gai dứa, tóe máu. Ông được nhân dân đưa vào rừng cứu chữa và sau đó trở về tiếp tục chiến đấu.
Bà Lý bên những kỷ vật của chồng
Lần thứ 2 ông bị địch bắn cũng xảy ra ở dòng sông. Hôm đó, địch đi tuần phát hiện ông đội nón lội ở bờ sông, chúng gọi ông vào bờ. Biết vào là chết, ông mưu trí lặn sâu mất tăm nhưng cố tình để chiếc nón lại nổi lềnh bềnh. Địch gọi không được, thế là chúng xả súng bắn nát chiếc nón và cứ nghĩ là ông đã chết. Lần thứ 3 địch quyết liệt hơn, chúng vào tận nhà dân để truy sát ông. Hôm đó chúng bao vây tứ phía một căn nhà của dân. Bí quá ông dắt súng và leo lên nóc nhà định quyết tử với giặc. Rất may, người chủ nhà nhanh trí, giả vờ gọi “thằng nhóc sao không đi cắt cỏ chăn trâu, mày có đi nhanh lên không...”. Nghe vậy, ông hiểu ý vội xách liềm, cầm bao lom khom chạy đi “cắt cỏ” trước mắt kẻ thù mà chúng cứ tưởng là “con nít”. Lát sau, chúng biết bị lừa liền đuổi theo ông bắn vãi đạn nhưng ông đã nhanh chân “chuồn” vào rừng.
Vừa kể chuyện, bà Lý vừa tự hào lần dở những tấm huân chương chiến công mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho ông. Quả thực, tận mắt chứng kiến, tìm hiểu về cuộc đời của người anh hùng, lớp trẻ chúng tôi cảm thấy rất tự hào và khâm phục trước những chiến công oanh liệt của anh hùng Song - người con ưu tú của vùng đất miền Đông anh hùng.
Thư gửi Bác Hồ
Gần 9 năm tham gia chiến đấu, khi ở bộ đội cũng như khi hoạt động du kích ở địa phương, anh hùng Nguyễn Văn Song luôn nêu cao tinh thần chủ động, hăng hái đánh giặc, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn ác liệt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông đã tham gia chiến đấu hơn 30 trận, tự tay đốt cháy 12 xe vận tải của địch, diệt hàng chục tên, thu nhiều vũ khí và vận động nhiều binh lính ngụy trở về với nhân dân, góp phần tích cực duy trì và phát triển phong trào cách mạng ở địa phương. Đặc biệt, từ năm 1950 đến 1954, làm Tiểu đội trưởng du kích, ông đã kiên trì bám đất, bám dân để hoạt động. Có lần tiểu đội của ông đảm nhiệm một mũi chặn địch trên đường 13. Quân địch đông gấp bội, Nguyễn Văn Song bình tĩnh động viên tiểu đội kiên quyết chiến đấu. Trận đó, riêng ông đã đốt cháy 5 xe địch, góp phần chặn đứng quân địch, bảo vệ được tài sản và tính mạng của nhân dân. Nhiều lần ông cùng với đồng đội đi điều tra và diệt đồn địch. Điển hình là trận Tân Định và Vĩnh Hòa. Giai đoạn này anh hùng Song đã trở thành nỗi khiếp đảm của kẻ thù, bởi tài bắn đâu trúng đó. Biệt danh “10 viên 9 thằng” là xuất hiện trong thời kỳ này.
Với những thành tích trong chiến đấu, năm 1952, Nguyễn Văn Song được bầu là chiến sĩ giết giặc xuất sắc của tỉnh. Ngày 19-5-1952 (ngày sinh nhật Bác), ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong những kỷ vật mà anh hùng Song để lại, bà Lý đưa cho tôi xem lá thư ông gửi Bác Hồ nhân dịp sinh nhật Bác. Lá thư được viết năm 1955, lúc này ông đã tập kết ra Bắc. Nội dung thư cảm động, thể hiện tinh thần của người chiến sĩ luôn hướng về Đảng, về Tổ quốc và Bác Hồ kính yêu. Bức thư có đoạn: “Nhân ngày 19-5 kỷ niệm sinh nhật Bác, cháu biên thư chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu để lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành thắng lợi. Thưa Bác! Qua mấy năm kháng chiến cháu ở xa Bác nhưng luôn luôn hướng về Bác, về Đảng. Những lúc chiến đấu gay go gian khổ, cháu luôn nhớ lời Bác dặn “Uy vũ không sờn, gian lao không sợ” nên cháu đã làm tròn một phần nhiệm vụ”.
Bức thư được chép thành hai bản, một bản gửi cho Bác, một bản ông giữ lại và nay trở thành kỷ vật thiêng liêng của gia đình ông. Năm 1971, anh hùng Song nghỉ hưu. Sau hòa bình ông trở về quê hương miền Đông và tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ ở địa phương. Nhắc tới Nguyễn Văn Song là niềm tự hào của người dân Bến Cát và Dầu Tiếng. Tại tượng đài chiến thắng được xây dựng sau ngày giải phóng (ở vòng xoay thị trấn Mỹ Phước) đã khắc ghi tên tuổi của 10 anh hùng huyện Bến Cát, trong đó tên ông được ghi đầu tiên.
Chia tay với bà Lý, chúng tôi ra về khi trời gần tối. Câu chuyện về người anh hùng Nguyễn Văn Song cũng như lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta khiến tôi nhớ về câu nói nổi tiếng của nhà văn An-ba-ni Ma-met: “Trên đất nước Việt Nam có bao nhiêu bông hoa tươi thắm thì có bấy nhiêu anh hùng”.
KIẾN GIANG