Anh hùng trên đất lửa

Cập nhật: 10-07-2012 | 00:00:00

Đất anh hùng, sinh ra anh hùng

Xã Long Nguyên (Bến Cát) được mệnh danh là vùng đất lửa anh hùng, biết bao người con đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc! Chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ, giờ đây Long Nguyên thay da đổi thịt từng ngày. Những vết thương lửa đạn của thuở nào dần được xóa nhòa bằng những cánh rừng cao su xanh thẫm. Nhưng vinh quang ngày nay của Long Nguyên thấm đượm biết bao mất mát. Lật lại những trang sử hào hùng của đất Bình Dương, càng cảm phục những tấm gương vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những người con ưu tú không tiếc máu xương giành lấy hòa bình cho đất nước.

 Anh hùng Đoàn Văn Thái an nhàn bên những chậu hoa

Những ngày này tìm về chiến khu Long Nguyên, được Chủ tịch UBND xã Phan Hữu Định giới thiệu với chúng tôi hiện địa phương có một anh hùng còn sống. Lần theo địa chỉ chúng tôi gặp được anh hùng Đoàn Văn Thái, một người bằng xương bằng thịt, để lại cho lịch sử quê nhà biết bao câu chuyện, giấy bút khó lòng chuyển tải hết được.

Lớn lên trên vùng đất chiến khu Long Nguyên, nhưng hiện ông an cư trên đất Bình Nhâm, TX.Thuận An. Cứ ngỡ một trong những anh hùng còn sống có nhiều đặc biệt để khám phá. Nhưng không, ông sống trong một căn nhà đơn sơ, bên khu vườn cũng không có gì đặc biệt, chỉ vài chậu kiểng trước nhà khá tươm tất.

Ông kể với giọng của một người bước qua tuổi “xưa nay hiếm”: Ngày xưa trai gái trong làng ngất ngây bên những câu chuyện điển hình dũng sĩ diệt Mỹ, nhất là câu chuyện anh hùng Lê Văn Tám đốt kho xăng, truyền tụng rộng rãi trở thành thần tượng để chúng tôi noi theo. Ai cũng muốn thi đua thành dũng sĩ diệt Mỹ bất chấp gian nguy. Người hậu phương thì hưởng ứng tích cực phong trào hũ gạo tình thương, góp gạo nuôi quân. Thanh niên trai tráng xung phong ra tiền tuyến đánh giặc.

Ngày đầu vào bộ đội, tay còn chưa quen báng súng tôi cũng sẵn sàng xung phong tham gia đánh trận Quỹ Hiệp - Lai Khê. Lần đó tôi diệt 2 tên, bắt sống 3 tên, thu về 3 súng, được cả đại đội ngợi khen, tuổi trẻ vốn đã hăng hái càng hun đúc thêm lòng nhiệt huyết.

Tâm tình người lính

Lần đầu ra chiến trường, lập chiến công ai không vui nhưng cũng chính trận đầu ấy trong tâm tư người thanh niên tuổi 18, Đoàn Văn Thái chứng kiến những mất mát lớn lao của cuộc đời. Giọng ông Thái chùn xuống hẳn: “Vào quân ngũ cùng một lúc với tôi là 3 người bạn thân. Vậy mà 4 người cùng đi đánh trận, chỉ còn  mình tôi trở về. Những hy sinh khó chấp nhận được. Mới vào quân ngũ, chưa qua khóa đào tạo nào về chiến thuật, cách sử dụng súng. Bởi vậy khi đối diện với kẻ thù, súng tôi hết đạn, loay hoay hoài không biết cách tiếp đạn, ngỡ súng đã hư. Tôi gọi bạn tôi: Quỳnh ơi súng tao hư rồi! Lập tức thằng Quỳnh bỏ vị trí tới chỉ tôi cách tiếp đạn. Sau đó bị địch phát hiện lúc nào không biết rồi nó bị bắn ngay đầu chết tại chỗ trước mặt tôi. Thằng Quỳnh rồi đến thằng Tài, bạn bè thân nhất lần lượt ra đi. Những ngày thơ ấu ngây thơ, cùng gắn bó vui đùa như máu thịt, vậy mà chỉ phút giây bên chiến trường oan nghiệt, tình bạn giữa chúng tôi phải chia lìa vĩnh viễn, ai dám chấp nhận sự thật đau thương đó.

Ngày thơ ấu, bạn bè cùng vui đùa, nhưng có cuộc vui nào trọn vẹn đâu. Ngày vào tiểu đoàn, ước mơ trên đầu súng, xông pha chiến trường đem lại yên bình cho đất mẹ, thanh bình hoan ca trên đôi chân mình là khát vọng, là lý tưởng, là mục tiêu. “Sinh ra và lớn lên vào bộ đội, đôi chân của tôi chưa bao giờ có được bước đi thanh thản, nhẹ nhàng. Ngày ngày chỉ sống trong lo âu sợ hãi. Trước mặt, trên đầu, dưới chân ở đâu cũng có bom đạn kẻ thù rình rập. Sinh mạng bị tước đi lúc nào không hay. Chúng tôi chỉ có một ước ao đôi chân bước trên đất mẹ yên bình! Tôi sẽ đi bộ cùng trời cuối đất của quê hương để nghe hương thơm ngào ngạt của hoa, cỏ dưới chân mềm. Điều kỳ diệu cuối cùng cũng đến, ngày nay tôi có được cuộc sống thanh bình, thỏa ước mơ của thời niên thiếu mình cùng bạn bè...”.

Một ước mơ đơn sơ, giản dị của tuổi trẻ thời chiến tranh. Nhưng để có ước mơ đó không dễ với ông Thái và bạn bè trang lứa của ông. Người người ra đi, lớp lớp hy sinh để đổi lấy sự thanh bình ấy. Cứ mỗi trận chiến tiểu đoàn hơn cả trăm người vậy mà kết thúc chỉ còn lại đâu chục mà thôi. Rồi trận chiến khác được bổ sung lính mới, nhưng rồi cũng ra đi. Cứ mỗi lần hành quân đánh trận, đơn vị phải chuẩn bị mồ chôn xác đồng đội.

Ông Thái nhớ lại trận đánh Sở Gà - Tân An, Tương Bình Hiệp kế hoạch bại lộ, bị địch phục kích chúng tôi phải lui về Cây Dương, rừng Xóm Ruộng, Mỹ Phước 3 ngày nay. Tưởng chừng về vùng đất này được yên lành, nhưng khoảng 4 - 5 giờ chiều trời bắt đầu tối mà bọn Mỹ vẫn cho trực thăng đổ quân truy kích. Tôi bị trúng miểng bom M79, xuyên phổi không thở được và ngất đi. Anh em đồng đội tưởng tôi chết, do bị truy kích ác liệt cả tiểu đoàn phải rút về căn cứ. Nhưng đến 2 giờ sáng tôi tỉnh dậy, xung quanh yên ắng chỉ có tiếng ếch nhái rền vang. Ruộng nước lấp xấp, tôi liền ôm bó rơm trên tay chạy, chạy một đoạn rồi ngã quỵ̣, ngất đi trên bó rơm. Bước nào hay bước đó, biết đâu gặp người cứu giúp. Trong cơn mê sảng đó tôi thấy quê mình được yên bình giải phóng, một cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu chảy vào tim, thế là tôi tỉnh dậy và tiếp tục chạy. Thế rồi như chuyện cổ tích, cứ ngỡ mình không vượt qua lần bị thương đó, thì bỗng dưng gặp được một phụ nữ tốt bụng, thường xuyên che chở cho cách mạng, bà mang tôi về giấu trong hầm bí mật chăm sóc và tìm đồng đội đến cứu giúp”.

Một tuần sau vết thương chưa kịp lành, ông tiếp tục vác súng lên đường tham gia chiến dịch Mậu Thân và khi bước chân trên quốc lộ 14 đoạn Hố Bình Lương, giáp ranh xã Hòa Lợi và Chánh Phú Hòa ngày nay, ông nghe dưới chân mình một cảm giác nhẹ nhàng sung sướng lạ thường, vậy là ước mơ hòa bình lại đánh thức trong tâm khảm của người lính trẻ.

Thoát chết

Ba năm tham gia bộ đội, tính từ ngày đầu nhập ngũ đến khi được vinh dự phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ông tham gia trên dưới 100 trận đánh và nhiều phen thoát chết. Trận đánh vào Sài Gòn, bị địch chia cắt, bao vây tại Thủ Đức (TP.HCM), ra không được, tiếp ứng không xong. 16 ngày đêm cả Đại đội 3 của ông có 30 người phải đối đầu nào là biệt kích, nào là đánh càn, rồi trực thăng bắn tỉa. Liên tục phải di chuyển, tránh mưa bom của kẻ thù, vừa đánh trả gây áp lực với địch. Vậy mà 16 ngày đêm cả đại đội kiên cường phá vòng vây, lần thoát chết đó ông được phong làm Đại đội phó.

“Sau lần đó, tôi bảo với đồng đội: Không chết lần này, Đoàn Văn Thái không bao giờ hy sinh trên chiến trận. Không ngờ câu nói đó tự làm khó cho mình. Trận đánh đồn Cua Paris tháng 11-1968, Đại đội 1 liên tiếp thất bại, không xung phong thì “bể mặt”, thế là tôi nhận trách nhiệm vừa đánh đồn vừa giải cứu đồng đội”. Ông vẫn dùng cách đánh của Đại đội 1, nhưng làm bất ngờ địch pháo kích xong ông đã có mặt trong lòng địch. Trong tích tắc đồn Cua Paris bị bắn hạ mà không tốn nhiều đạn, làm tê liệt toàn bộ bộ máy của địch ở đây, tiêu diệt 4 xe tăng và cứu được những đồng đội bị thương đang bị pháo kích. Sau trận thắng đó, ông được bổ nhiệm chức Đại đội trưởng Đại đội 3. Biệt danh Đoàn Văn Thái cũng nổi danh như cồn và ngày 20-12-1969, tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, ông được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân chỉ sau 3 năm đi bộ đội, một anh hùng trẻ nhất thời bấy giờ.

Quả thật tìm về những mất mát, vinh quang của quá khứ chỉ riêng anh hùng Đoàn Văn Thái đã để lại biết bao câu chuyện khó có thể kể hết. Gương sáng anh dũng kiên cường đấu tranh vì lý tưởng cách mạng, vì hòa bình độc lập quê nhà của ông sẽ vẫn tồn tại mãi mãi cho dù thời gian có làm phai mờ đi quá khứ và mang đi những gì con người quý giá nhất.

HÒA NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1021
Quay lên trên