Anh Lê Hoài Tâm: Thành công đến từ sự học hỏi và sáng tạo không ngừng

Cập nhật: 29-03-2022 | 07:55:22

Yêu nghề, toàn tâm toàn ý với công việc, anh Lê Hoài Tâm, Trưởng bộ phận sản xuất công đoạn cắt dập dây điện, Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (TP.Dĩ An) đã cho ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giảm thao tác và tiết kiệm nguyên liệu, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Toàn tâm toàn ý với công việc

Tốt nghiệp THPT, thay vì lựa chọn thi vào trường đại học như chúng bạn cùng trang lứa, anh Lê Hoài Tâm lại chọn cho mình một công việc trong nhà máy. Anh Tâm cho biết hoàn cảnh gia đình lúc đó gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nếu thi vào trường đại học sẽ là gánh nặng đối với cha mẹ, do vậy anh quyết định chọn đi làm công nhân, vừa có thu nhập cho bản thân, vừa có thêm điều kiện phụ giúp gia đình.

Năm 1997, anh Tâm xin vào làm công nhân Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (chuyên sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác). Toàn tâm toàn ý với công việc, anh không ngừng học hỏi chuyên môn kỹ thuật từ đồng nghiệp đi trước và tự tìm tòi học... để nâng cao tay nghề, phát triển bản thân. Từ kinh nghiệm tích lũy đã giúp anh am hiểu về máy móc thiết bị sản xuất của công ty, trong quá trình thao tác máy, anh đã nhận thấy những bất cập và có nhiều sáng kiến cải tạo nâng cao hiệu quả hoạt động của máy móc thiết bị. Tiêu biểu nhất là đề tài “Cải thiện giảm lãng phí dây điện kiểm tra đầu giờ của máy AC”.

Anh Lê Hoài Tâm (bên phải) luôn quan tâm dìu dắt, chia sẻ kinh nghiệm góp phần nâng cao trình độ tay nghề cho các công nhân trẻ

Anh Tâm cho biết trước khi cải tiến, mỗi khi máy hoạt động chạy sản phẩm phải thực hiện công đoạn kiểm tra về cảm biến chiều dài (cần hơn 3,7m), cắt chuốt dập (cần hơn 2,7m) và phát hiện mối nối trong cuộn dây điện nguyên liệu (cần hơn 2,2m). Với 3 công đoạn này trên 1 máy, mỗi lần kiểm tra phải tốn và bỏ đi 10m dây điện gây lãng phí nguyên liệu. Sau khi áp dụng sáng kiến cải tiến, cả 3 công đoạn này chỉ cần sử dụng duy nhất 1 dây điện với chiều dài 3m nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, đồng thời giảm thao tác và tăng năng suất. Sáng này của anh Tâm đã tiết kiệm nguyên liệu và làm lợi về giá trị kinh tế cho doanh nghiệp hơn 877 đô la Mỹ/ tháng/1 máy. Sáng kiến đã được Ban Giám đốc công ty triển khai áp dụng ở 90 máy tại nhà máy ở TP.Dĩ An và các nhà máy ở Khu công nghiệp Mỹ Phước (TX.Bến Cát), tỉnh Trà Vinh.

Bên cạnh đó, anh còn có sáng kiến cải tiến “Thu hồi dụng cụ sản xuất”. Trước khi cải tiến, tại dây chuyền sản xuất, muốn thu dụng cụ sản xuất thì công nhân phải di chuyển khỏi vị trí làm việc, sau khi cải tiến lắp thêm thiết bị, dụng cụ sản xuất được đưa trở lại vị trí công nhân làm việc. Với sáng kiến cải tiến này đã giúp công nhân giảm thời gian thao tác, tăng năng suất lao động...

Thành công từ yêu nghề

Xuất phát điểm từ công nhân sản xuất trực tiếp, với nỗ lực không ngừng học hỏi và cống hiến sáng tạo trong công việc, anh Tâm được Ban Giám đốc tin tưởng bổ nhiệm vào các vị trí quản lý khác nhau. Hiện nay, anh đang đảm nhiệm chức vụ Trưởng bộ phận sản xuất công đoạn cắt dập dây điện với mức thu nhập ổn định hơn 20 triệu đồng/tháng và những chế độ phúc lợi khác.

“Để đạt được những ước mơ mà mình đang hướng tới, điều quan trọng là học cách đặt ra mục tiêu phấn đấu. Và tôi luôn tự nhủ, nếu chưa thành công, hãy cố gắng, cố gắng hơn nữa. Với nỗ lực vượt khó không ngừng phấn đấu trong công việc, đến nay tôi đã thực hiện được ước mơ của mình từ khi rời ghế nhà trường là có một công việc, thu nhập ổn định và có cuộc sống hạnh phúc cùng gia đình”, anh Tâm chia sẻ.

Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Trưởng phòng Kế hoạch sản xuất Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam, cho biết song song với công tác tuyên truyền, vận động hưởng ứng các phong trào thi đua, công đoàn cơ sở công ty luôn quan tâm, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Đặc biệt, Ban Chấp hành công đoàn luôn chủ động tham mưu với Ban lãnh đạo công ty tạo mọi điều kiện hỗ trợ về kinh phí, nhân lực, vật chất để đoàn viên và NLĐ thực hiện sáng kiến. Công đoàn cơ sở cùng bộ phận QCC - hoạt động cải tiến, tổ chức và phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” trong đoàn viên và NLĐ. Qua phong trào đã lan tỏa và thu hút đông đảo đoàn viên và NLĐ hưởng ứng tham gia. Định kỳ 6 tháng, Ban kiểm định sáng kiến của công ty sẽ đánh giá, nhận xét và rút kinh nghiệm cụ thể cho từng đề tài. Đối với những sáng kiến có khả năng ứng dụng cao, hiệu quả tốt được biểu dương khen thưởng kịp thời; đồng thời chọn ra các sáng kiến tiêu biểu để tham gia dự thi với các chi nhánh trong cả nước để bình chọn đi dự thi với các chi nhánh công ty ở các quốc gia khác nhau ở công ty mẹ có trụ sở tại Nhật Bản.

Bà Nhung cho biết: “Đề tài sáng kiến “Cải thiện giảm lãng phí dây điện kiểm tra đầu giờ của máy AC” của anh Tâm đã vinh dự được chọn qua Nhật Bản để báo cáo, được hội đồng chấm giải tổng công ty đánh giá cao và trao giải. Điều này là sự ghi nhận với những cống hiến của đoàn viên và NLĐ; đồng thời động viên, khích lệ anh em phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Do vậy, trong suốt nhiều năm qua, Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam luôn là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài điển hình thực hiện tốt phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” trong toàn tỉnh và của tập đoàn”.

25 năm gắn bó làm việc với Công ty TNHH Yazaki ESD Việt Nam, anh Tâm đã cho ra hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có 30 sáng kiến cải tiến kỹ thuật lớn đã mang lại hiệu quả công việc cũng như giá trị làm lợi về kinh tế cao cho doanh nghiệp.

ĐỖ TRỌNG - THẢO NGUYÊN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=646
Quay lên trên