“Canh một chưa nằm, canh năm đã dậy”, từ xa xưa đến nay nghề nông luôn là một nghề vất vả nhất, đòi hỏi người nông dân cần cù thức khuya dậy sớm để trồng trọt, chăn nuôi. Phần đông các bạn trẻ ở nông thôn ngày nay ít lựa chọn làm nông, thế nhưng anh Nguyễn Thành Hên (ấp Bến Tranh, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng) đã chọn ở lại quê hương, gắn bó với cây trồng, vật nuôi theo truyền thống của gia đình.
Anh Hên cắt cỏ voi chuẩn bị thức ăn cho bò
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh Nguyễn Thành Hên là một thanh niên thân hình gầy gò cùng làn da đen nhẻm, đậm chất nông dân. Đổi lại, anh có nụ cười tươi luôn nở trên môi. Bản chất nông dân thật thà, chất phác có sao nói vậy, anh kể: “Từ nhỏ đã gắn với việc làm nông của gia đình, tôi cũng đã quen với việc đồng áng. Bản tính lại rụt rè, nhút nhát nên khi trưởng thành tôi sợ cảm giác xô bồ khi ra xã hội. Chỉ thích gắn bó với mảnh vườn, vật nuôi, tự làm chủ bản thân mình” .
Cũng như bao nhà nông khác, ngày mới của anh Hên bắt đầu từ rất sớm, đặc biệt đối với việc cạo mủ cây cao su, phải thu hoạch mủ về đêm thì cây mới cho sản lượng tốt nhất. Thế là 2 giờ sáng mỗi ngày, khi mọi người còn say giấc nồng thì anh đã có mặt ở lô cao su để khai thác dòng nhựa trắng. Xong việc, anh về nhà bắt đầu với việc chăm sóc đàn bò, heo, gà… Công việc cứ cuốn chiếu ngày này qua ngày khác, dù vất vả nhưng đã mang lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình anh. Đó chính và niềm vui, động lực giúp anh xua tan những vất vả.
Hiện nay, anh phụ trách thu hoạch mủ cho vườn cây 2 ha cao su của gia đình, nuôi 9 con bò, 50 con heo rừng và hàng chục con gà. Để tiết kiệm chi phí thức ăn cho gia súc, cũng như bổ sung nguồn cỏ, rau củ các loại mới giúp bò, heo phát triển tốt, cho thịt thơm ngon, anh tận dụng 2.000m2 đất quanh nhà để trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Hiện anh đang nuôi 9 con bò gồm các giống: Bò ta, bò kem, bò 3B. Sau 2 năm, nếu nuôi đạt trọng lượng tốt, 1 cặp bò sẽ được thương lái mua với giá 100 triệu đồng. Đối với heo rừng, từ cặp heo giống được tặng, hiện nay anh đã nhân giống được 50 con. Khi xuất chuồng, trung bình mỗi kg heo hơi anh bán với giá 90.000 đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm làm nông, anh Hên cho biết: “Đối với tôi, làm nông cũng là nghề cha truyền con nối, tôi cũng không có nhiều bí quyết chỉ cốt yếu làm sao luôn giữ vệ sinh chuồng, trại sạch sẽ. Nguồn thức ăn cho vật nuôi cũng bảo đảm, chất lượng, nguồn nước uống sạch và bảo đảm tiêm ngừa đầy đủ cho vật nuôi”.
Không chỉ chăn nuôi, sản xuất giỏi, phát triển kinh tế làm giàu chính đáng, mang về nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, anh Hên hiện tại còn là một bí thư chi đoàn tại địa phương. Anh đã đoàn kết, tập hợp thanh niên nông thôn qua các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Qua đó, phát huy tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ địa phương. Đặc biệt, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi khi đoàn viên thanh niên có nhu cầu tham quan, học tập.
Nói về anh Hên, chị Huỳnh Thị Tuyết Sương, Bí thư Xã đoàn Thanh An, cho hay: “Anh Hên là tấm gương sáng trong phong trào thanh niên nông thôn khởi nghiệp tại địa phương. Từ việc vươn lên làm giàu chính đáng, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, anh còn truyền cảm hứng giúp nhiều thanh niên nông thôn khác giữ nghề, làm giàu, làm đẹp cho quê hương”.
Cũng như bao nhà nông khác, ngày mới của anh Hên bắt đầu từ rất sớm, đặc biệt đối với việc cạo mủ cây cao su, phải thu hoạch mủ về đêm thì cây mới cho sản lượng tốt nhất. Thế là 2 giờ sáng mỗi ngày, khi mọi người còn say giấc nồng thì anh đã có mặt ở lô cao su để khai thác dòng nhựa trắng. Xong việc, anh về nhà bắt đầu với việc chăm sóc đàn bò, heo, gà… Công việc cứ cuốn chiếu ngày này qua ngày khác, dù vất vả nhưng đã mang lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình anh. Đó chính và niềm vui, động lực giúp anh xua tan những vất vả.
VƯƠNG PHẠM