Áo trắng má hồng

Cập nhật: 19-01-2013 | 00:00:00
Thướt tha áo trắng nói cười/ Để ta thương nhớ một thời áo nâu/ Tóc hoe hoe cháy trên đầu/ Ta cùng bạn gái cưỡi trâu học bài (Áo trắng má hồng, Nguyễn Duy). Mỗi người Việt Nam ngay từ lúc nằm nôi, chẳng mấy ai lại không được đưa nôi theo nhịp điệu dịu dàng của lục bát, chẳng mấy ai lại xa lạ với cánh cò, cánh vạc, với sung chát, đào chua… Lục bát, đó là hồn phách của dân tộc Việt. Và những câu thơ sáu - tám mềm mại của chuyến xe về miền quá khứ học trò của Nguyễn Duy ở đây như nhắc nhở đến một Nguyễn Bính với lục bát miên man hình tượng “chị Trúc” trong thi phẩm “Lỡ bước sang ngang”. Cũng vận dụng thể thơ lục bát, với Nguyễn Duy còn là thấp thoáng giai điệu của câu ca dao tỏ tình nghịch ngợm: Áo trắng là áo trắng bay/ Thấp tha thấp thoáng cái ngày mong manh/ “Rừng xanh ai nhuộm mà xanh/ Má hồng ai nhuộm mà quanh năm hồng...”.   Áo trắng là áo trắng à!/ Một hôm ta thấy bạn ta ngượng ngùng/ Vờ che ngực áo hơi phồng/ Ta run rẩy ngó má hồng hây hây  Không ít quan niệm cho rằng, thơ tình phải buồn, phải đau mới hay. Nguyễn Duy đã chứng minh, thơ tình không cần buồn, chẳng cần đau vẫn có thể hay. Trong “Áo trắng má hồng”, sự tài hoa trong sử dụng ngôn từ, sự tài nghệ trong vận dụng khúc thức dân gian cộng với sự tài tình trong khai thác tâm lý lứa tuổi đã khiến thơ Nguyễn Duy được nhiều nhà phê bình nhìn nhận là đã trở thành đặc sản thi ca của dòng thơ mới hôm nay. Áo trắng là áo trắng ai/ Buồn phơ phất buổi ban mai đến trường/ Long lanh ngọn cỏ giọt sương/ Song song chân đất con đường xa xa. Thậm chí ngay cả tả vẻ đẹp của bầu ngực người con gái, nhà thơ viết, kín đáo mà vẫn thật khơi gợi: Áo trắng là áo trắng à!/ Một hôm ta thấy bạn ta ngượng ngùng/ Vờ che ngực áo hơi phồng/ Ta run rẩy ngó má hồng hây hây. Để rồi ngày nọ, khi mà trí tưởng tượng của chàng trai mới lớn còn đang mơ màng, chưa thể hình dung thêm chút đầy đặn của câu chuyển ẩn sau “ngực áo hơi phồng” ấy thì người ta đã vội “sang ngang” (tựa như chị Trúc thuở nào của thi sĩ Nguyễn Bính!): Áo trắng là áo trắng này!/ Phấp pha phấp phỏng cái ngày ta mong/ Bỗng dưng bạn ấy lấy chồng/ Bỏ ta lại giữa mùa đông xám trời… Vậy là sự ngẩn ngơ, trách móc tiếp theo như được nhân lên gấp bội khi câu thơ Nguyễn Duy sử dụng triệt để các “ngón” luyến láy, nhấn nhá phụ âm, thường xuyên có cách đảo ngữ bất ngờ: Áo trắng là áo trắng ơi!/ Cho ta xin lại dáng người ta mơ/ Cho ta tí tẹo ngẩn ngơ/ Ước chi người ấy bây giờ là đây. Dường chừng chính những câu thơ lục bát mang âm hưởng ca dao thế này chính là thứ đặc sản đậm đà phong vị dân tộc nhiều người làm được nhưng vị ngon của mỗi vùng, mỗi người chế biến lại khác nhau. Bởi vậy, có khen tặng quá lời chăng, khi nói rằng thể tài lục bát hóc hiểm được Nguyễn Duy dùng cảnh sắc đồng quê và chữ nghĩa bình dân tạo ra dáng mới, một kiểu rất ư... Nguyễn Duy: Áo trắng là áo trắng bay/ Thấp tha thấp thoáng cái ngày mong manh/ “Rừng xanh ai nhuộm mà xanh/ Má hồng ai nhuộm mà quanh năm hồng...”! Với “Áo trắng má hồng”, người ta luôn cảm thấy mình quen với nỗi buồn hơn là niềm vui và cũng do vậy mà những hiện thực đơn giản nhỏ nhoi như “tí tẹo ngẩn ngơ” bên con đường “mùa đông xám trời” cũng khiến cho người ta rưng rưng “thấp tha thấp thoáng cái ngày mong manh”. Quá lời nữa chăng khi nhận ra rằng những câu thơ lục bát của Nguyễn Duy tạo ra được một khung cảnh vừa có nhạc, vừa có họa lại vừa có hồn. Kỳ ảo mà sinh động. HỒNG PHÚC
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1165
Quay lên trên