Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Jorge Taiana đã đề nghị Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon giúp giải quyết tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Falkland (Argentina gọi là Malvinas) sau khi Anh thông báo kế hoạch khai thác dầu mỏ tại khu vực này.
“Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã hiểu về vấn đề này”, ông Jorge Taiana nói với các phóng viên sau cuộc gặp với ông Ban Ki-moon tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York.
Người dân Argentina biểu tình phản đối Anh thăm dò dầu khí tại quần đảo tranh chấp.
Bộ trưởng Ngoại giao Argentina cho biết, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã nhận thấy tình hình đang xấu đi và khẳng định sẵn sàng góp phần giải quyết tranh chấp giữa Argentina và Anh.
Sau đó, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc cũng ra tuyên bố cho biết ông Ban Ki-moon bày tỏ sự hài lòng trước cam kết của Buenos Aires về việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Căng thẳng giữa Argentina và Anh bùng lên sau khi các nhà chức trách tại London thông báo kế hoạch khoan thăm dò dầu mỏ tại vùng biển xung quanh quần đảo Falkland
Trong động thái đáp trả sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Argentina với Tổng Thư ký Ban Ki-moon, Đại sứ Anh tại Liên hiệp quốc Mark Grant khẳng định, London “chắc chắn về chủ quyền của nước này tại quần đảo Falkland, Nam Georgia và quần đảo Sandwich”.
“Chúng tôi phải làm rõ rằng chính quyền của quần đảo Falkland hoàn toàn có quyền phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ trên các khu vực biển xung quanh và chúng tôi ủng hộ việc kinh doanh hợp pháp tại lãnh thổ Falkland”.
Trong động thái khác, Argentina đã đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo này ra hội nghị Thượng đỉnh Nam Mỹ và khu vực Carribe và nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo khu vực, trong đó có Brazil, Mexico và Colombia.
Quần đảo Falkland, hay còn gọi là Malvinas, cũng chính là nguyên nhân của cuộc chiến kéo dài 74 ngày năm 1982 giữa Anh và Argentina với kết quả thắng lợi thuộc về chính quyền tại London.
Hiện nay, Falkland do Anh quản lý và là nơi sinh sống của khoảng 3.000 người dân Anh. Từ sau cuộc chiến năm 1982 tới nay, bốn công ty Anh đã cố gắng thực hiện việc thăm dò dầu khí xung quanh vùng biển Falkland.
(Theo Tiền Phong)