Argentina: Phó Tổng thống bị kết án 6 năm tù

Cập nhật: 13-12-2022 | 14:17:08

Thông tin có vẻ “giật gân” vừa được báo chí phương Tây giật tít đậm: Bà Cristina Fernandez - cựu Tổng thống và là đương kim Phó Tổng thống Argentina vừa bị tòa tuyên án 6 năm tù giam trong một phiên xử đặc biệt. Dư luận đặt vấn đề liệu bà Fernandez có thật sự tham nhũng hay đây chỉ là đòn chính trị nhắm vào cánh tả ở Nam Mỹ?

Bà Fernandez bị buộc tội “dàn xếp” 51 hợp đồng công trình công cộng ở tỉnh Santa Cruz thuộc bang Patagonia để trao thầu cho một công ty của Lázaro Báez, một người bạn và đối tác kinh doanh của bà và người chồng quá cố của bà, cựu Tổng thống Néstor Kirchner trong giai đoạn 2003-2007. Ông Báez cũng bị tuyên án 6 năm tù cùng với bà Fernandez.


Bà Cristina Fernandez de Kirchner.

Bên cạnh mức án 6 năm tù, bà Fernandez còn phải chịu hình phạt bổ sung là “cấm giữ chức vụ suốt đời”, có nghĩa là bà vĩnh viễn không còn được tham gia chính quyền với bất cứ chức vụ nào. Bản án đánh dấu lần đầu tiên một Phó Tổng thống Argentina bị kết tội khi đương chức. Ngoài ra, hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán đã bác bỏ cáo buộc thứ hai nhắm vào bà Fernandez, đó là cáo buộc bà “điều hành một tổ chức tội phạm”, mà nếu có tội, bà có thể phải nhận bản án đầy đủ là 12 năm tù.

Năm nay 69 tuổi, bà Fernandez, lấy theo tên chồng là Fernandez de Kirchner, từng là người phụ nữ quyền lực nhất của đất nước Argentina hiện đại, sau thời bà Evita (phu nhân tổng thống lừng danh Juan Domingo Peron). Lúc ông Kirchner còn sống và làm Tổng thống Argentina, vợ chồng nhà Kirchner cũng tạo thành “cặp đôi quyền lực” tương tự như thời ông Peron, và bà Fernandez từng được mọi người ví như một “Evita thứ hai”. Sau khi ông Kirchner qua đời, bà tiếp tục được công chúng Argentina ái mộ và bầu lên làm tổng thống, kế nhiệm người chồng quá cố và giữ chức vụ này trong 2 nhiệm kỳ (từ năm 2007-2015). Bà và người chồng quá cố, ông Kirchner, cùng với các lãnh đạo khác trong khu vực, như: ông Lula da Silva của Brazil, bà Michele Bachelet của Chile,.. tạo nên một “làn sóng hồng” của chính trị thiên tả ở Nam Mỹ trong gần 20 năm qua. Nhiều người dân Argentina ủng hộ nhà Kirchner vì hai người đã thực hiện các chính sách kinh tế tiến bộ giúp cải thiện cuộc sống cho người nghèo và giúp đưa Argentina trở lại thịnh vượng sau sự sụp đổ kinh tế nghiêm trọng vào năm 2001 và 2002.

Trong thời điểm hiện tại, bà được nhiều người kỳ vọng sẽ ra tranh cử tổng thống vào năm tới. Tuy nhiên, bà Fernandez lại bày tỏ không quan tâm đến việc đó nữa: “Tôi sẽ không trở thành ứng cử viên cho bất cứ điều gì, không phải tổng thống, không phải thượng nghị sĩ. Tên của tôi sẽ không có trong bất kỳ lá phiếu nào”.

Trong một buổi phát trực tiếp sau khi phán quyết của tòa án được công bố, bà Fernandez nói rằng các cáo buộc chống lại bà có động cơ chính trị. “Rõ ràng là họ luôn có ý kết tội tôi” - bà nói.

Bản án chắc chắn sẽ làm sâu sắc thêm những rạn nứt trong xã hội và chính trường Argentina. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 11/2022 bởi công ty thăm dò ý kiến Zuban Córdoba y Asociados, 61,9% số người được hỏi nói rằng họ có hình ảnh tiêu cực về bà Fernandez. Trong khi những người ủng hộ bà đã hứa sẽ làm tê liệt đất nước bằng các cuộc biểu tình rầm rộ. Câu chuyện của bà Fernandez có vẻ rất giống với câu chuyện của ông Lula Da Silva bị buộc tội và tuyên án tù cách đây 4 năm, ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Brazil năm 2018 đưa ông Jair Bolsonaro lên nắm quyền. Ông Lula Da Silva đã được trả tự do sau 3 năm ngồi tù và đã quay trở lại chính trường, được dân chúng Brazil bầu lại làm tổng thống.

Các nhà phân tích chính trị trong khu vực mô tả cuộc điều tra và xét xử rồi tuyên án bà Fernandez là một hình thức “chiến tranh chính trị” liên quan đến các chính trị gia, cơ quan tư pháp và giới truyền thông, thường nhằm mục đích bôi nhọ các nhà lãnh đạo cánh tả, quy cho họ là tham nhũng.

Từ khi còn làm Tổng thống Argentina (giai đoạn 2007-2015), bà Fernandez đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của thành phần chính trị đối lập, những người theo khuynh hướng bảo thủ, cực hữu và ủng hộ giới tư bản giàu có. Bà từng nhiều lần đối mặt với các cáo buộc về đủ loại tội danh khác nhau, bao gồm các cáo buộc rằng bà đã thông đồng với Chính phủ Iran để che đậy sự tham gia của Tehran vào vụ đánh bom năm 1994, làm 85 người thiệt mạng tại trung tâm văn hóa Do Thái AMIA.

Năm 2016, xảy ra vụ bê bối “Notebooks”, trong đó bà bị cáo buộc đã trao các hợp đồng công trình công cộng để đổi lấy tiền lại quả. Vào lúc 4 giờ sáng một đêm tháng 7/2016, Jose López, cựu thư ký công trình công cộng của bà Fernández, đã bị bắt quả tang khi đang cố cất giấu những chiếc túi đựng trong thùng chứa 8,9 triệu USD tiền mặt trong một tu viện ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires. Vụ việc sau đó đã được xử lý.

Phán quyết hiện tại bắt nguồn từ những lần cáo buộc tham nhũng trước đây mà các thẩm phán chưa tập hợp đủ chứng cứ để buộc tội bà, sau thời gian điều tra họ mới có đủ bằng chứng. Vụ việc năm 2016 được các thẩm phán mở rộng điều tra và vào năm 2018 thẩm phán liên bang Claudio Bonadío đã đưa ra cáo trạng trong đó cáo buộc rằng “bà Fernandez đứng đầu một mạng lưới tham nhũng rộng lớn, ít nhất 87 lần chuyển những bao tải đầy tiền đến nhà riêng của bà ở thủ đô Buenos Aires”.

Đó là lời buộc tội nghiêm trọng, đáng kinh ngạc đầu tiên đối với cựu Tổng thống Ferandez và đối với một cựu Tổng thống Argentina. Bản cáo trạng buộc tội bà Fernandez đã nhận hối lộ từ các công ty xây dựng để đổi lấy các hợp đồng công trình công cộng trong 2 nhiệm kỳ tổng thống của bà từ năm 2007-2015. Cáo trạng nói rằng mạng lưới tham nhũng rộng lớn bao gồm các doanh nhân và quan chức chính phủ đã được thiết lập bởi ông Néstor Kirchner trong nhiệm kỳ 2003-2007 của ông.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên