ASEAN tăng cường an ninh biển và an toàn năng lượng hạt nhân

Cập nhật: 27-05-2012 | 00:00:00

Từ ngày 24 đến 26-5, tại Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra các hội nghị quan chức cấp cao (SOM) ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Các hội nghị đã kiểm điểm tình hình hợp tác ASEAN, giữa ASEAN với đối tác thời gian qua và thảo luận những vấn đề cùng quan tâm của khu vực.

Xây dựng lòng tin

Tham gia các hội nghị gồm các quan chức cấp cao đến từ 10 nước thành viên ASEAN cùng Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Tại Hội nghị SOM ASEAN, các nước tiếp tục khẳng định nỗ lực thúc đẩy xây dựng cộng đồng vào năm 2015, tăng cường liên kết và kết nối, mở rộng quan hệ với các đối tác trên cơ sở vai trò trung tâm của ASEAN.

  Bế mạc Hội nghị quan chức cấp cao ARF tại Campuchia.Trong chương trình nghị sự, các đại biểu tham gia đã thảo luận và thông qua báo cáo về các biện pháp xây dựng lòng tin và chính sách ngoại giao mang tính “phòng ngừa”, cứu trợ thảm họa, an ninh hàng hải, không phổ biến và giải giáp vũ khí, chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia cũng như cuộc diễn tập cứu trợ thảm họa ARF năm 2012.

Hội nghị còn thảo luận về những sáng kiến hiện nay của ARF, trong đó có kế hoạch hành động của ARF về an ninh hàng hải, bản dự thảo kế hoạch hành động của ARF về việc không phổ biến và giải giáp vũ khí, tuyên bố dự thảo của ARF về hợp tác nhằm đảm bảo an ninh thông tin quốc tế, dự thảo tài liệu về trung tâm chia sẻ thông tin về mối đe dọa xuyên biên giới của ARF, tài liệu dự thảo về thực hiện hệ thống giám sát dịch bệnh và tài liệu dự thảo về một cuộc hội thảo liên quan tới an ninh vũ trụ cho ARF, cũng như tài liệu dự thảo về hội thảo giám sát động đất.

Thông qua dự thảo Quy tắc ứng xử biển Đông (COC)

Trong khuôn khổ các hội nghị các quan chức cấp cao liên quan (ASEAN, EAS, ARF…), các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông. Nhiều nước nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, cần phải bảo đảm nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 và tinh thần của DOC.

Tại Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC), đại diện quốc phòng của 27 quốc gia thuộc ARF đã phê chuẩn các nguyên tắc chính trong bản dự thảo Quy tắc ứng xử biển Đông (COC).

Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia nhấn mạnh việc xây dựng COC là rất quan trọng đối với việc tăng cường hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo quốc phòng nhất trí, tranh chấp trên biển nói chung và ở biển Đông nói riêng cần phải được giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các điều ước khu vực.

Báo Philippines Star dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Soeung Rathchavy cho biết: “Bản dự thảo sẽ được trình lên để ngoại trưởng các nước ASEAN ra quyết định cuối cùng trong cuộc họp tháng 7, trước khi bắt đầu đàm phán với Trung Quốc”.

Về vấn đề an toàn năng lượng hạt nhân, hội nghị cho rằng đây là vấn đề hệ trọng đối với khu vực. Cần khuyến khích các nước tham gia các điều ước quốc tế và cơ chế quốc tế về hạt nhân, hoàn thiện khuôn khổ luật pháp trong nước, xây dựng các trung tâm đào tạo và hỗ trợ về an ninh hạt nhân, tăng cường hợp tác quốc tế về vấn đề này.

Phát biểu tại Hội nghị ASPC, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, Việt Nam kiên định quan điểm chống phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và tích cực tham gia các cơ chế để thực hiện việc này nhằm xây dựng khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung phi vũ khí hạt nhân một cách bền vững.

Thượng tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình và nêu bật an toàn là yếu tố phải quan tâm hàng đầu khi sử dụng năng lượng hạt nhân.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=278
Quay lên trên