AstraZeneca được ghi nhận về công tác ngoại giao vaccine của Việt Nam

Cập nhật: 01-12-2022 | 10:16:42

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Nitin Kapoor - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam.

Chiều 30-11, tại Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vaccine, tập thể Công ty AstraZeneca Việt Nam đã vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho những đóng góp nổi bật về triển khai công tác ngoại giao vaccine của Việt Nam.

Bên cạnh bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể Công ty, cá nhân ông Nitin Kapoor - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam và các Thị trường mới nổi khu vực châu Á cũng được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huy chương Hữu nghị, vì những đóng góp giúp đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng và cung ứng vaccine, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á tiếp cận vaccine COVID-19.

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca là vaccine đầu tiên được phê duyệt, phân phối và đưa vào sử dụng tại Việt Nam. Tổng cộng đã có hơn 72 triệu liều vaccine COVID-19 của công ty được cung ứng cho Việt Nam thông qua hợp đồng đặt mua trước và viện trợ song phương từ Chính phủ các nước.

Theo ước tính, trong năm đầu tiên triển khai tiêm chủng, tính đến tháng 12 năm 2021, vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã ngăn ngừa hơn 232.000 ca tử vong ở Việt Nam, giảm tình trạng nhập viện và tử vong cho cộng đồng trước đợt bùng phát dịch thứ tư.

Ông Nitin Kapoor cho hay: “Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác cùng Chính phủ và người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu này. Sự ghi nhận quý báu hôm nay có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với hơn 500 nhân viên AstraZeneca tại Việt Nam, đối tác của chúng tôi, các đồng nghiệp trong khu vực và trên toàn cầu. Tất cả đã làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ để cung ứng vaccine phi lợi nhuận và sớm trước thời hạn đồng thời vẫn đảm bảo duy trì nguồn cung các loại thuốc tiên tiến khác cho những bệnh nhân đang âm thầm chống chọi với những căn bệnh mạn tính nguy hiểm.”

Trong thời điểm đại dịch khiến cho việc điều trị các bệnh không lây nhiễm bị gián đoạn, AstraZeneca Việt Nam đã trao tặng 150.000 hộp thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm cho Bộ Y tế để hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân.

Đại diện Công ty AstraZeneca Việt Nam (phải) nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho những đóng góp nổi bật về triển khai công tác ngoại giao vaccine của Việt Nam.

Hành trình vaccine COVID-19 của AstraZeneca tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 11-2020, khi AstraZeneca và Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam ký kết hợp đồng đặt mua trước để đưa 30 triệu liều về Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Dù gặp phải tình hình thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu, AstraZeneca đã nỗ lực để ưu tiên cung ứng cho Việt Nam và hoàn thành cam kết trước thời hạn vào đầu tháng 12-2021.

Từ thời điểm bắt đầu đại dịch, AstraZeneca và các đối tác trên toàn cầu đã cung cấp hơn ba tỷ liều vaccine cho hơn 180 quốc gia trên toàn thế giới. Khoảng hai phần ba số lượng này đã được chuyển đến các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Về hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, Việt Nam đã thúc đẩy Tập đoàn AstraZeneca đầu tư 90 triệu USD phát triển lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam.

Có thể khẳng định, chiến dịch ngoại giao vaccine đã hết sức thành công, cùng với chiến dịch tiêm chủng đã giúp "xoay chuyển tình thế," đưa Việt Nam trở thành một trong ít quốc gia "đi sau về trước" trong triển khai tiêm chủng vaccine, một trong những quốc gia quyết định chuyển chiến lược từ ứng phó sang chủ động thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sớm nhất ở khu vực. Từ một nước có tỷ lệ tiêm nằm trong số các nước thấp nhất khu vực, Việt Nam đã trở thành nước có số lượng tiêm, tốc độ tiêm và tỷ lệ bao phủ vaccine cao hàng đầu thế giới./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên