Sau 20 năm hình thành và phát triển, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đã quyết định thành lập một hệ thống phòng thủ trên không vững chắc để bảo vệ các quốc gia trong khối trước sự tấn công của kẻ thù. Kế hoạch đang được ráo riết thực hiện dưới sự hỗ trợ phần lớn của “đầu tàu Nga”, chuyên gia về vũ khí quân sự hàng đầu trên thế giới. Giới phân tích cho rằng “lá chắn phòng không của SNG” là nhằm vào hệ thống “lá chắn tên lửa của Mỹ”.
Phòng thủ hay đáp trả?
Mới đầu tháng 8 Nga vừa triển khai dàn tên lửa S-300 tại vùng Abkhazia, nước cộng hòa ly khai của Gruzia được Nga ủng hộ tuyên bố độc lập. Đây là một trong những bước đi nhằm triển khai hệ thống phòng thủ trên không chung trải dài từ biên giới của các nước thành viên NATO đến biên giới Trung Quốc. Từ năm 2007, Nga và các nước đồng minh thuộc Liên Xô cũ đã có kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng thủ trên không chung, nhưng đến cuối năm 2009 kế hoạch mới được hình thành.
Phát ngôn viên Không quân Nga Vladimir Drik tuyên bố: “Giai đoạn xây dựng hệ thống phòng không khu vực giữa Nga và Belarus tại Đông Âu đang được thực hiện. Việc xây dựng hệ thống phòng không tương tự tại vùng Kavkaz và Trung Á cũng đang được bắt đầu”. Ông cũng cho biết, hệ thống phòng không hợp nhất các nước SNG thực hiện nhiệm vụ cảnh báo cũng như đẩy lùi các cuộc tấn công của kẻ địch tiềm năng. Ria Novosti nhận định, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động như hiện nay, việc khối SNG tích cực hợp tác quân sự trong lĩnh vực hệ thống phòng không là điều rất cần thiết.
Hệ thống đánh chặn tên lửa S-400 ra mắt trong lễ diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít 2010
Theo kế hoạch, sẽ có 3 hệ thống phòng thủ trên không chung, bao gồm hệ thống Nga-Belarus, Nga-Armenian ở khu vực Kavkaz và hệ thống phòng thủ trên không khu vực Trung Á. Sau khi được định hình, cả 3 khu vực phòng thủ nói trên sẽ bắt đầu tiến hành phối hợp hoạt động, đưa ra các nguyên tắc chiến đấu và quy chế trao đổi thông tin chung. Hệ thống phòng không khu vực Đông Âu sẽ do Nga và Belarus đảm nhiệm.
Tham gia hệ thống phòng không khu vực Kavkaz có các đơn vị quân đội Nga và Armenia. Riêng hệ thống phòng không khu vực Trung Á có tới 4 nước tham gia gồm Nga, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan. Dự kiến hệ thống này sẽ bao gồm các hệ thống cảnh báo sớm của các nước thành viên và một trung tâm kiểm soát chung duy nhất. Đồng thời, Nga cũng sẽ tiến hành sửa chữa các trạm radar tại Tajikistan và Kyrgyzstan cũng như sẽ cung cấp thiết bị dự trữ và phụ tùng dành cho các trang thiết bị của hệ thống phòng không các nước đồng minh.
Việc Nga và các nước SNG thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) bao gồm các thành viên là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan quyết tâm xây dựng hệ thống phòng thủ trên không được nhiều chuyên gia coi là một đòn đáp trả nhằm vào các kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu của Mỹ. Từ những năm 2000, chính quyền Bush đã xúc tiến kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại Ba Lan và CH Czech, với lý do là chặn các cuộc tấn công từ Iran. Và nay hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ đang được mở rộng ra nhiều nước như Romania, Bulgaria và một số nước vùng Vịnh. Nga cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu mà Mỹ đang gây dựng thực chất không phải nhằm bảo vệ Mỹ và các nước châu Âu khỏi nguy cơ đe dọa từ phía Iran mà là để xây dựng vành đai an ninh quanh Nga.
Lá chắn tên lửa đối mặt lá chắn phòng không
Hai con “át chủ bài” trong hệ thống phòng thủ trên không của SNG là hệ thống đánh chặn tên lửa S-400 Triumf và Hệ thống S-300 đều do Nga sản xuất và chế tạo. S-400 được coi là nền tảng của hệ thống phòng không Nga đến năm 2020 hoặc thậm chí là 2025. Là hệ thống tên lửa thứ 4 và hiện đại nhất của Nga hiện nay, S-400 được xem là niềm tự hào cho tiềm lực khoa học công nghệ trong việc nghiên cứu và chế tạo các loại vũ khí vệ quốc được kế thừa và phát triển từ thời kỳ Liên Xô.
S-400 là phiên bản nâng cấp từ hệ thống tên lửa đất đối không lưỡng tầm (tầm trung và tầm xa) đất đối không S-300, được thiết kế nhằm đánh chặn và phá hủy các mục tiêu trên không ở tầm xa 400km như các loại phi cơ ném bom - chiến đấu, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Đặc biệt, S-400 còn có thể phá hủy được máy bay tàng hình và các loại tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500km. Xét về đặc điểm kỹ chiến thuật, S-400 vượt xa những hệ thống phòng không tương tự của Mỹ và Pháp.
Mỗi dàn S-400 gồm có hai loại tên lửa đạn đạo: Loại thứ nhất có thể đánh chặn và phá hủy các mục tiêu trên không ở tầm cao lên tới 400km, gấp hai lần tầm hoạt động của hệ thống tên lửa MIM-104 Patriot của Mỹ và gấp 2,5 lần hệ thống S-300 do Nga sản xuất trước đây. S-400 ngoài việc diệt tên lửa đối phương ở tầm cao còn được sử dụng để tiêu diệt máy bay, kể cả máy bay tàng hình mà radar khó phát hiện hay diệt máy bay cảnh báo trên không đường dài, máy bay gây nhiễu điện tử... Nga đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không S-400 để bảo vệ không phận Mátxcơva và các khu công nghiệp ở trung tâm lãnh thổ Nga.
Nỗi lo mới của Mỹ
Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống vô tuyến định vị tối tân và những tổ hợp tên lửa phòng không của Nga như S-400 và tiến tới là S-500 có thể loại trừ khả năng sống sót của máy bay thuộc Lực lượng Không quân Mỹ nếu xung đột quân sự xảy ra. Theo nghiên cứu, không chỉ những máy bay chiến đấu F-15, F-16 và F/A -18 của Mỹ không có khả năng chống lại hệ thống phòng không của Nga mà thậm chí máy bay chiến đấu đa mục tiêu tương lai thế hệ 5 Joint Strike Fighter cũng như F-35 Lightning II nổi tiếng của Mỹ cũng vậy.
Còn để có được khả năng vượt trội như hàng không Mỹ vào thời kỳ kết thúc chiến tranh lạnh thì Lầu Năm Góc phải đưa vào sử dụng ít nhất 400 máy bay F-22 Raptor nữa. Còn nếu không, hàng không Mỹ cuối cùng sẽ bị mất khả năng ưu việt chiến lược của mình trước hệ thống phòng không Nga. Tiến sĩ Carlo Kopp, nhà phân tích quốc phòng của Australia, người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trong lĩnh vực kỹ thuật radio định vị - đã so sánh khả năng của những hệ thống tên lửa phòng không tối tân của Nga và máy bay F-35 của Mỹ.
Tiến sĩ Kopp đưa ra kết luận, đối với hệ thống phòng không Nga, F-35 chỉ là mục tiêu hạng nhẹ. Các chuyên gia nghiên cứu của APA cũng đưa ra kết luận, từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, các kỹ sư của Nga đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc hiện đại hóa các phương tiện của hệ thống phòng không. Ngoài ra, các nhà khoa học Nga có khả năng phân tích tiềm năng của các nước khác như Mỹ và đồng minh của Mỹ nhờ vào vũ khí mà họ đã sử dụng trong các cuộc xung đột vũ trang tại Iraq năm 1991 và Serbia năm 1999. Vì thế, khi hệ thống phòng không của SNG được hoàn thành, Mỹ có thể là quốc gia đầu tiên sẽ đứng ngồi không yên khi cảm thấy tầm ảnh hưởng cũng như kế hoạch răn đe của mình tại khu vực Đông Âu đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo SGGP