Bà Bảy... “lăng xăng”

Cập nhật: 10-09-2010 | 00:00:00

Khác với vóc người nhỏ nhắn và vẻ khắc khổ bề ngoài, bà là một nữ doanh nhân đích thực, lại rất nhiệt tình tham gia công tác ở địa phương và hoạt động từ thiện - xã hội. Cũng bởi thế, bà được nhiều người yêu mến và đặt cho biệt danh là bà Bảy “lăng xăng”. Tên thật của bà là Nguyễn Thị Bảy, một tấm gương đi lên bằng chính khả năng của mình...

Vượt lên nỗi đau

Quá khứ với bà là những chuỗi ngày sống trong vất vả, thiếu trước hụt sau. Khi đứa con thứ tư ra đời không bao lâu, chồng bà quay lưng đi theo người khác. Cuộc sống đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Bà phải làm thuê làm mướn đủ thứ việc trên đời nhưng vẫn không đủ nuôi bốn đứa con nhỏ. Khó đến nỗi đã có lúc bà toan nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi, chính tình yêu của người mẹ đã kéo bà trở về với thực tại. Nhìn bốn đứa con nhỏ không có tội tình gì, lại đang rất cần có bàn tay che chở của mẹ, bà nuốt nước mắt vào trong. Bà nói, sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ bà hạ quyết tâm, phải thay đổi cuộc đời. “Mình đã khổ quá rồi, giờ phải cố gắng làm để nuôi con. Mình là người tạo ra các con, phải có trách nhiệm với các con và lo cho chúng hơn mình...” - bà tâm sự.

Khi bà Bảy làm doanh nhân

Đến năm 1996, bà xin được một chân công nhân kiểm phẩm trong một xưởng gốm. Bà thường mang đồ gốm của công ty sang Đồng Nai đặt người ta trang trí mây tre lá (MTL) bên ngoài sản phẩm. Đây chính là điều kiện để bà tiếp xúc và tìm hiểu các kiểu dáng sản phẩm gốm trang trí MTL. Với sự tinh ý và ham học hỏi của mình, bà đã sớm học lóm được nghề gia công MTL trên sản phẩm gốm mà công ty này đang làm.

Những lúc rảnh rỗi, bà xuống xưởng hướng dẫn cho công nhân cách làm những mẫu mới

Khoảng năm 2000, bà dành dụm được ít tiền mua miếng đất cất 100 phòng trọ cho thuê để có thêm tiền nuôi các con đi học. Sau đó, bà nghỉ làm ở công ty để ra ngoài mở cơ sở MTL Thành Lộc. Dãy nhà trọ được dỡ ra để làm xưởng, chỉ chừa lại một số phòng cho công nhân ở. Bà đến các lò gốm lấy sản phẩm về đan mẫu, rồi mang đi chào hàng. Đầu năm 2001, bà đã có khách hàng đầu tiên, đó là Công ty Gốm Thiên Thanh ở TP.HCM. Từ đây, cuộc đời bà như bước sang trang mới. Lúc đầu chưa có điều kiện để thuê công nhân, nên bà và các con tự làm là chủ yếu. Sau này nhờ có mối làm ăn, có thu nhập bà mới thuê thêm một số công nhân về làm phụ. Bà tâm sự: “Cuộc đời tôi đúng là khổ tận cùng... đáy giếng, nhưng đến đó đất cứng quá nên mới trồi lên lại. Người ta ba chìm bảy nổi, còn tôi đến năm chìm, bảy nổi và mười tám cái lênh đênh. Có lẽ, đó cũng chính là đức tính của người phụ nữ Việt Nam - phải biết cố gắng, kiên nhẫn, chịu đựng...”.Khách hàng của bà chủ yếu là người nước ngoài, nên mọi giao dịch chỉ qua điện thoại hoặc email. Thế nhưng chưa bao giờ bà thất hứa với khách hàng. Sản phẩm do cơ sở MTL Thành Lộc làm ra luôn đạt yêu cầu của khách nên họ hoàn toàn yên tâm mỗi khi đặt hàng cho bà. Bà nói: “Hình như nghề dạy nghề, nên dù sản phẩm có khó đến đâu, chỉ cần nhìn mẫu mã người ta gửi sang là tôi làm được liền. Trong làm ăn, mình phải có uy tín. Có như thế, khách hàng mới hợp tác làm ăn lâu dài với mình...”. Dù không làm ăn lớn như nhiều doanh nghiệp khác, nhưng doanh thu hàng năm của cơ sở MTL Thành Lộc luôn bảo đảm khoảng 1 tỷ đồng, có năm phát triển mạnh đạt từ 1,5 - 1,6 tỷ đồng. Điều mà bà cảm thấy vui nhất khi từ một người làm thuê trở thành chủ một cơ sở riêng là đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Những lúc rảnh rỗi, họ có thể nhận hàng về nhà làm để có thêm thu nhập lo cho gia đình. Nhiều công nhân có hoàn cảnh khó khăn còn được bà tạo chỗ ở tại chỗ để họ làm việc được thuận tiện hơn.

Bà Bảy... “lăng xăng”

Đó là “biệt danh” mà bà con cô bác ở địa phương yêu mến đặt cho bà. “Lăng xăng” ở đây có nghĩa bà là người của công việc. Ngoài việc quản lý ở cơ sở MTL, bà còn tham gia công tác ở địa phương và còn tham gia nhiều công tác xã hội khác. Bà từng tham gia công tác phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, rồi đến Chủ tịch Hội Người cao tuổi (NCT) thị trấn Tân Phước Khánh và còn là thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Bình Dương.

Bà Bảy (hàng đầu, thứ 2 trái qua) cùng địa phương đi trao nhà tình thương cho người nghèo

Với sự lanh lẹ, hoạt bát và làm việc có tâm trong mọi công việc, từ năm 2006, bà được lãnh đạo địa phương tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội NCT. Về nhận nhiệm vụ mới, bà rất tích cực trong việc xây dựng phong trào và phát triển hội viên mới. Bà mang theo máy hình đến tận từng nhà, vận động rồi chụp hình để làm thẻ hội viên cho các cụ. Từ chỗ chỉ có hơn 100 người tham gia sinh hoạt hội, đến nay, Hội NCT thị trấn Tân Phước Khánh đã thu hút 867 cụ tham gia sinh hoạt. Không dừng lại ở đó, bà còn tổ chức nhiều phong trào giúp đỡ hội viên, như: phong trào trợ táng, trợ giúp người già neo đơn, khó khăn. Bà còn đứng ra thành lập chân quỹ hội, đến nay, quỹ hội đã phát triển trên 30 triệu đồng (mỗi hội viên khi vào hội đóng góp 50.000 đồng, khi nào hội viên không tham gia sinh hoạt nữa sẽ trả lại). Số tiền này sẽ cho các hội viên vay lấy lãi để chăm lo lại cho các cụ. Với tư cách cá nhân, bà còn ủng hộ tiền mua áo ấm cho NCT trong hội, hỗ trợ xây nhà tình thương cho người nghèo. Vào đầu tháng 6 vừa qua, Hội NCT thị trấn Tân Phước Khánh đã vinh dự đại diện cho tỉnh tham dự hội nghị điển hình tại Hà Nội. Riêng bản thân bà, hàng năm đều được khen thưởng về thành tích xuất sắc trong công tác.

Có dịp đi theo CLB Nữ doanh nhân tỉnh khảo sát các hoàn cảnh khó khăn, trao tặng mái ấm tình thương, tặng sổ tiết kiệm cho người nghèo mới thấy hết sự “lăng xăng” của bà. Như đã thành lệ, trước mỗi lần đi bà đều là người liên lạc kêu gọi chị em cùng đi cho đông vui. Đến nơi, bà lại “lăng xăng” căng dây cột băng rôn, có khi còn làm luôn nhiệm vụ quay phim, chụp hình tư liệu cho CLB... Với tư cách là thành viên Ban chủ nhiệm phụ trách công tác từ thiện - xã hội, bà đã phát động chị em tham gia phong trào ủng hộ xây mái ấm tình thương cho người nghèo. Năm nay, chị em đã đăng ký ủng hộ xây dựng 18 căn, mỗi căn trị giá 20 triệu đồng. Bà còn là trung tâm kết nối tình cảm chị em trong CLB, bởi thế những lúc có việc bận bà không tham gia cùng các thành viên trong CLB được là mọi người thấy như thiếu thiếu cái gì đó. Bà chia sẻ: “Tham gia CLB không chỉ để học hỏi về kinh doanh, mà còn là nơi để mình cùng nhiều chị em khác có điều kiện chia sẻ với nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Những mái ấm tình thương, những suất học bổng, những cuốn sổ tiết kiệm, những phần quà... mà các thành viên trong CLB giúp đỡ cho người nghèo đều mang ý nghĩa: chia sẻ một phần khó khăn, giúp họ sớm vươn lên trong cuộc sống. Mình cũng từng nghèo khó cùng cực rồi được xã hội giúp đỡ mới vươn lên được như hôm nay. Giờ mình đã có điều kiện, phải biết chia sẻ, giúp đỡ lại những hoàn cảnh khó khăn...”. Bốn người con của bà giờ đây ai cũng có công ăn việc làm ổn định, riêng cô con gái thứ ba hiện nay đang theo học cao học tại Úc. Bà nói: “Vậy là mình hạnh phúc lắm rồi. Bằng nghị lực và cố gắng vươn lên, mình đã nuôi các con nên người...”.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=855
Quay lên trên