Ba chàng “bếp dã chiến 0 đồng”

Cập nhật: 31-08-2021 | 09:00:17

Trong một căn kiốt cũ ở khu phố 1, phường Hội Nghĩa (TX.Tân Uyên) có ba chàng trai trẻ mỗi ngày vẫn chăm chỉ nấu hàng trăm suất ăn miễn phí cho người dân khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Hơn 2 tháng qua, cc anh Lưu Thanh Tuấn, Lê Quang Sang và Lê Hữu Phước đã dành trọn thời gian mỗi ngày để phục vụ bữa ăn chay cho bà con khó khăn…


Ba chàng trai trẻ tình nguyện vào bếp mỗi ngày để nấu cơm trao cho người dân khó khăn

Thắp lửa yêu thương

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhiều khu vực công nhân lao động ở phường Hội Nghĩa bị phong tỏa và còn nhiều lao động nghèo không có thu nhập, khó khăn lại thêm khó khăn. Những hình ảnh ấy đã làm lay động tấm lòng nhân ái của ba chàng trai trẻ và ý tưởng thành lập “bếp dã chiến” để nấu ăn giúp cho người dân đã ra đời.

Vừa nghĩ đến việc nấu ăn thiện nguyện thì cả ba bàn tính lại với bao nhiêu câu hỏi: “Nấu ở chỗ nào, dụng cụ nấu ăn có chưa và lương thực thực phẩm hàng ngày lấy ở đâu?”. Một ngày trước khi khởi động bếp ăn là việc “đi tìm câu trả lời” cho những điều khó ban đầu. Sang thì vận động cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm, Tuấn mượn đồ dùng nấu ăn của người quen, Phước đến dọn dẹp sạch sẽ kiốt được người dân hỗ trợ để có điểm “đóng quân” của bếp. Sau đó, cả ba gom thêm “đồ nghề” nấu ăn của gia đình để những “đầu bếp” không chuyên này vào cuộc.

Bắt tay vào thực hiện, anh Sang phụ trách đi nhận nguồn rau miễn phí, còn Tuấn và Phước thì làm bếp chính. Nhiều cô, bác xóm giềng và người thân gia đình chưa tin ba người độc thân thường ngày ăn cơm mẹ nấu mà nay quyết tâm vào bếp vì người dân khó khăn. Ngày đầu có 200kg rau củ quả là cà nâu, khổ qua, bí xanh và thêm mớ cải chua của người quen cho, cả ba bỏ tiền túi ra để mua gia vị và hộp đựng cơm. Thực đơn cà nâu xào, khổ qua kho, bí xanh kho, dưa cải xào được cả ba lên món. 1 giờ sáng, cả ba lọ mọ thức dậy bắt tay vào làm từng khâu sơ chế đến nấu chín. Với kinh nghiệm có được trong thời gian phụ bếp ở chùa nên anh Tuấn là đầu bếp chính trong những ngày đầu tiên bếp họat động. Mỗi người đảm nhiệm một công việc nhưng vẫn luôn nhanh tay hỗ trợ nhau để có được 400 phần cơm đến sớm cho người dân. Cơm nấu xong, thức ăn cũng hoàn thành, cả ba chuẩn bị mỗi hộp đầy đủ thức ăn rồi mang đến khu phong tỏa cho người dân đến lấy dùng bữa trưa…

Khi thực hiện nghiêm giãn cách xã hội và tạm ngưng các chợ truyền thống để chống dịch, nguồn rau củ quả bị “cắt đứt”. Để có những bữa cơm tiếp theo là nhờ sự “trợ giúp” của gia đình. Vậy là ba người có được đậu hủ, đậu que, cà chua… gom lại tiếp tục để bếp không nguội lạnh. Anh Lê Quang Sang chia sẻ: “Khi cả ba còn đang định dọn nồi chảo đem trả vì nguồn rau không còn đủ dùng cho vài ngày nữa thì nhận được điện thoại của người quen giới thiệu lên TX.Bến Cát để nhận rau muống. Không những vậy, còn có một cô trong khu phố ủng hộ gạo. Mừng quá, sáng hôm sau tôi với anh Phước chạy xe ngay lên TX.Bến Cát để nhận rau. Rồi cả hai cùng với chủ vườn lội sình bùn cắt hết ao rau muống. Hơn 1 tấn rau muống tươi tốt theo chân chúng tôi về Hội Nghĩa để phục vụ bữa ăn cho bà con khó khăn”…

Để duy trì lâu dài, cả ba “thống nhất” phương án “tại chỗ”, thăm hỏi nhiều người ở địa phương, ai có rau củ quả không xuất bán được do dịch bệnh, hoặc muốn làm từ thiện thì bếp tiếp nhận. Thấy ba chàng trai trẻ làm việc tốt ý nghĩa nên nhiều chủ vườn ở địa phương đã nhiệt tình hỗ trợ để bếp tiếp tục “đỏ lửa” trong những ngày dịch bệnh khó khăn. Bếp còn nhận được nguồn hỗ trợ rau từ các địa phương khác. Không ngại vất vả, đôi chân, bàn tay của ba người đã xuống ao, đi ruộng, vào vườn, vượt nắng mưa để thu hoạch, chuyển chở, khuân vác rau củ quả mang về bếp… Những lần nhận được hỗ trợ, dù ít hay nhiều vẫn là ánh lửa hy vọng tiếp tục được thắp sáng ở bếp dã chiến.

Khoảng thời gian dịch bệnh mỗi ngày căng thẳng hơn, người khó khăn, khu vực phong tỏa và khu cách ly Covid-19 càng tăng số lượng. “Không khoanh tay đứng nhìn”, cả ba phải tích cực vận động để nấu nhiều hơn nữa cho người dân. Vì thế mà số lượng cơm mỗi ngày giúp cho người dân tăng lên từ 700 suất rồi lên 800 có khi đến 900 suất. Ngày nào cũng vậy, cả ba người cùng thức dậy lúc 3, 4 giờ sáng nhặt kỹ từng cọng rau, rửa sạch gọt vỏ củ quả để chuẩn bị nấu nướng. Buổi trưa xong việc thì dọn rửa bếp và tiếp tục chuẩn bị lên thực đơn cho ngày hôm sau.


Thành viên “bếp dã chiến 0 đồng” chở các  suất ăn đến trao cho người dân

“Mừng lắm! Cứ hễ gần hết đồ nấu là có người điện thoại cho rau, cho gạo, nước tương, gia vị. Trong bếp không thiếu thực phẩm mà luôn đầy ắp. Bà con cô bác ở gần bếp thỉnh thoảng lại còn nói vui “Các bếp trưởng có việc gì cho phụ không!”. Có người thì góp vài ba ký cà, người góp chục ký dưa, người mang cải vườn đến cho, của ít lòng nhiều thật sựấm lòng lắm”.

(Anh Lê Hữu Phước, thành viên  “bếp dã chiến 0 đồng”)

Từ tâm sẽ đến với tâm

Ba chàng “bếp dã chiến” cảm thấy rất hạnh phúc khi giúp được bà con khó khăn có những bữa cơm chay “0 đồng”. Công việc của họ càng ý nghĩa hơn khi từ “bếp dã chiến” này mà có nhiều người cùng hướng đến việc làm từ thiện. Anh Lê Quang Sang chia sẻ, có lẽ là “cơ duyên” vì khó khăn lúc đầu và mỗi lần hết rau, hết đồ dùng thì bếp lại nhận được hỗ trợ của bà con và cá nhân hảo tâm ủng hộ. Còn anh Lê Hữu Phước thì nói: “Mừng lắm! Cứ hễ gần hết đồ nấu là có người điện thoại cho rau, cho gạo, nước tương, gia vị. Trong bếp không thiếu thực phẩm mà luôn đầy ắp. Bà con cô bác ở gần bếp thỉnh thoảng lại còn nói vui “Các bếp trưởng có việc gì cho phụ không!”. Có người thì góp vài ba ký cà, người góp chục ký dưa, người mang cải vườn đến cho, của ít lòng nhiều thật sự ấm lòng lắm”. Vừa trò chuyện, anh Lê Hữu Phước vừa cầm cho tôi xem nào là rổ, thau, chảo, bếp của anh Hai, chị Năm, cô Bảy, mọi người đem lại cho bếp dùng. Anh Phước khoe: “Hôm qua, bếp nhận được 2 tấn rau củ quả từ hỗ trợ ở huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Xe về đầy rau củ quả mừng quá chừng!”.

Bếp dã chiến của ba người một bước đi thêm hai bước vững, khi mỗi ngày lại càng có thêm nhiều cô bác, anh chị trong khu vực và ngoài địa phương hỗ trợ liên tục. Người này nhắn gửi, quen biết, chỉ giúp và nói nhau nghe về bếp dã chiến giúp dân. Vì thế, từ việc phụ giúp nấu ăn đến hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bếp đã trở thành việc thường xuyên của nhiều người chung một tấm lòng, dành tình cảm cho người dân khó khăn và cùng nhau đùm bọc hoàn cảnh nghèo khó.

“Bếp dã chiến” đã trở thành “trung tâm” của nhiều cá nhân thiện nguyện như thế! Chỉ trong vỏn vẹn thời gian hơn 2 tháng mà đã có gần 14 tấn rau củ quả, trái cây, các nhu yếu phẩm khác được trao đến bếp. Nhu yếu phẩm cứ đến liên tục mỗi ngày, người khuân, người vác, người mang vào bếp. Tất cả vì một chữ “tâm” trong thời điểm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Những phần hỗ trợ ấy được bếp tiếp nhận phần nào để chế biến nấu cơm mỗi ngày và được phân thành từng phần quà trao đến người dân khó khăn ở địa phương. Anh Sang nói: “Bao nhiêu suất cơm chay miễn phí được trao thì đếm không hết, còn quà thì đã có hàng ngàn phần được trao đến người dân khó khăn, trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Từ sự chung tay của mọi người và những cá nhân thiện nguyện đã làm nên “bếp dã chiến 0 đồng”.

Tạm biệt “bếp dã chiến”, tôi nhớ mãi câu nói đầy tấm lòng thiện nguyện của ba chàng trai trẻ: “Ba anh em cảm thấy vui và hạnh phúc khi được giúp bà con khó khăn lúc này. Hình ảnh bà con mừng vui nhận được quà, được có cơm ăn khi khó khăn là động lực để chúng tôi tiếp tục vào bếp”.

K.TUYẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2016
Quay lên trên