Coi Covid-19 như bệnh lưu hành có nghĩa là tháo gỡ những hạn chế không cần thiết để không kìm hãm kinh tế; ngược lại không chủ quan trong môi trường làm việc để tránh trường hợp cả cơ quan, cả phân xưởng bệnh, mệt cùng lúc gây gián đoạn hoạt động.
Có 2 từ người ta dùng trong bệnh dịch: đại dịch (pandemic) hoặc dịch bệnh lưu hành (endemic). Hiện nay thế giới đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa 2 trạng thái đó. Có quốc gia đã coi Covid-19 là bệnh lưu hành, cũng có nơi vẫn coi là đại dịch, tùy theo tình hình hiện tại của từng nước.
Với Việt Nam, đã đến lúc tính đến việc xem Covid-19 là dịch bệnh lưu hành, và sống chung với nó an toàn, nếu hội đủ các điều kiện:
Thứ nhất, đó là vắc-xin. Nếu vùng đó, tỉnh thành đó tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao, người dân đã tiêm đủ 3 mũi, thì có thể xem là bệnh lưu hành được rồi.
Học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP HCM đeo khẩu trang khi học trực tiếp (ảnh minh họa).
Hiện giờ số ca đang tăng nhanh có thể làm mọi người hoảng loạn. Nhưng những điều quyết định nó có thể là bệnh lưu hành hay không đó là bệnh có thể đông nhưng tự hết, không tạo gánh nặng cho khối điều trị hồi sức, tỉ lệ tử vong thấp.
Vài tuần, miễn dịch cộng đồng được tạo nên từ vắc-xin cộng với miễn dịch tự nhiên từ một lượng người nhất định đã nhiễm và khỏi bệnh, số ca sẽ giảm, điều này đã từng thấy.
Hơn 1 thập kỷ trước, cúm đại dịch H1N1 cũng đã chuyển biến theo hướng này, và không còn là đại dịch nữa.
Thứ hai, đó là phòng bệnh đúng trong môi trường lao động. Dịch bệnh lưu hành thì vẫn là dịch bệnh, siết quá thì ảnh hưởng tới kinh tế, nhưng nếu chưa gì đã "thả" hoàn toàn, mặc kệ hết thì cũng ảnh hưởng đến kinh tế.
Thử tưởng tượng nếu cả dây chuyền sản xuất, cả công ty, cả cơ quan đều đồng loạt bệnh, mệt, vậy lấy ai làm việc? Ngay cả bệnh cảm, mức độ nhẹ thì có thể đi làm, nhưng cảm nặng thì cũng phải nghỉ mấy hôm.
Vì vậy khi đi lang thang ngoài đường mai này có thể không cần thiết phải mang khẩu trang liên tục nữa, nhưng chắc chắn trong không gian hẹp, kín, đặc biệt là trong môi trường công sở, nhà máy… thì vẫn phải mang khẩu trang để tránh tình trạng bệnh cùng lúc, làm gián đoạn hoạt động sản xuất trong bối cảnh đang rất cần khôi phục kinh tế.
Thứ ba, "lo xa" đúng cách, vừa phải. Về khoa học, vẫn có các chuyên gia lo ngại rằng SARS-CoV-2 có thể tiếp tục đột biến và các biến thể sau có thể không nhẹ như Omicron.
Theo tiến trình tiến hóa thông thường của virus là ngày càng thuần với con người, lây nhanh hơn nhưng nhẹ hơn, thì kịch bản đó khó xảy ra. Tuy nhiên cũng không phải là hoàn toàn không có khả năng.
Nhưng nếu vì thế mà khư khư phòng thủ như với một đại dịch, thì chắc chắn kinh tế không phát triển được. Điều cần là sự linh hoạt, chuẩn bị phù hợp để ứng phó. Bây giờ là thời điểm phù hợp để xem Covid-19 như bệnh lưu hành, còn tương lai nếu lỡ có kịch bản xấu nào xảy ra thì tái kích hoạt các biện pháp cần thiết cũng không muộn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1)
Theo NLĐ