Ba hãng hàng không mới chưa biết... bay

Cập nhật: 03-11-2010 | 00:00:00

Thị trường hàng không trong nước thời gian qua có thêm sự tham gia từ các hãng tư nhân, nhưng dường như thị trường chưa có thêm lợi ích gì từ sự tham gia của các hãng này.

Mới khai trương chưa đầy một tháng nhưng AMK đã cho thấy sự cạnh tranh của mình ở một số đường bay như Phú Quốc, Côn Đảo... Tuy nhiên, qua đó cũng cho thấy AMK chưa thể cạnh tranh về dịch vụ với VNA, đối thủ trực tiếp của hãng hàng không này. 

Trong nước hiện có sáu hãng hàng không, trong đó có ba đơn vị tư nhân là công ty cổ phần hàng không Đông Dương – Indochina Airlines (ICA), công ty cổ phần hàng không Mekong – Air Mekong (AMK) và công ty cổ phần hàng không VietJet – VietJet Air (VJA). Tuy nhiên, cho đến lúc này, VJA vẫn chưa có kế hoạch cho chuyến bay thương mại đầu tiên, trong khi đó ICA đang bị chủ nợ “truy lùng”. Như vậy, hiện chỉ có AMK đang hoạt động để cạnh tranh với hai “ông lớn” – Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific Airlines (JPA).

Dịch vụ kiểu… đem con bỏ chợ

Đến nay, AMK cất cánh chưa đầy một tháng, tuy nhiên những trục trặc mà hãng gặp phải không hề nhỏ, khiến khách hàng mất lòng tin. Ngày 2-11, chị Bùi Thị Hồng Nhung, chủ một đại lý vé máy bay trên đường Giải Phóng (Tân Bình, TP.HCM) cho biết, vừa mới bay nhưng AMK đã… đem con bỏ chợ. Theo chị Nhung, đại lý của chị có bán hơn 30 vé cho khách đi tuyến Đà Nẵng – TP.HCM vào các ngày từ 31-10 đến 15-11. Số khách này mua vé từ ngày 30-9 với giá 500.000 đồng/vé. Tuy nhiên, đến ngày 30-10, bỗng dưng AMK thông báo đường bay này bị hoãn thời gian cất cánh đến 16-11, thay vì 31-10 như kế hoạch.

Với việc thay đổi này, hãng đề nghị hoàn tiền vé lại cho khách, hoặc khách có thể chuyển ngày bay sang giai đoạn từ sau ngày 15-11. “Hãng không hề có sự hỗ trợ nào về việc thay đổi này trong khi đó mọi kế hoạch cho chuyến đi đã được khách lên kế hoạch vài tháng trước. Đại diện của hãng thì đưa ra lý do cơ quan chức năng chưa cho phép bay và kêu gọi khách cũng như đại lý thông cảm!”, chị Nhung nói.

Với tuyến TP.HCM – Đà Lạt và ngược lại, hành khách cũng gặp phải tình trạng tương tự. Anh Phạm Lê Minh Định (TP.HCM) cho biết, ngày 30-9, anh lên mạng của AMK mua một vé đi Đà Lạt vào ngày 5-11, tuy nhiên ngày 1-11 vào hệ thống mua vé nữa thì không thấy có chuyến bay này. Liên hệ với hãng mới biết bị huỷ chuyến đến ngày 16-11. “Theo thông báo rộng rãi của AMK, tuyến bay này được khai thác vào ngày 31-10, nhưng khi huỷ chuyến hãng không hề liên lạc với hành khách để thông báo, đồng thời cũng chẳng hề có sự bồi thường nào, trong khi tiền vé hãng đã thu cách đây cả tháng. Mọi kế hoạch cho chuyến đi của tôi bị đảo ngược hoàn toàn và phải mua vé của hãng khác với giá cao vì cận ngày bay. Tại sao mới ra mà hãng có thể xem thường khách hàng như vậy?”, anh Định bức xúc.

Hãng mới chưa đủ lực?

Phóng viên đã nhiều lần liên lạc với ông Trương Thành Vũ, giám đốc thương mại và dịch vụ của AMK để tìm hiểu thêm thông tin, song lần nào vị này cũng bận.

Trả lời phóng viên báo SGTT qua điện thoại, ông Võ Huy Cường, trưởng ban vận tải hàng không, cục Hàng không Việt Nam, cho biết đơn vị này đã cấp phép bay cho AMK tổng cộng 21 chuyến bay mỗi tuần trên chặng Hà Nội, TP.HCM – Đà Nẵng và ngược lại từ ngày 30-10 – 16-11, có nghĩa là trong quãng thời gian này hãng hoàn toàn có thể cất cánh. Ông Cường cho biết thêm, hãng đã bán 200 vé trên các tuyến bay này, nhưng không hiểu tại sao lại không bay? Cho đến cuối ngày hôm qua (2-11), cục Hàng không vẫn chưa nhận được báo cáo của AMK về việc dời ngày bay của các tuyến nói trên đến 16-11.

Với ICA, sau một năm khai thác, hiện hãng này “biệt tăm” trên thị trường với khoản nợ khoảng 800 triệu đồng của 35 đại lý và hàng chục tỉ đồng tiền xăng, dịch vụ và suất ăn. Tuy nhiên, vị tổng giám đốc của ICA – ông Hà Hùng Dũng, hiện không biết đang ở phương trời nào. Phóng viên đã nhiều lần điện thoại cho ông Dũng, song vị này chưa lần nào bắt máy. Trao đổi về tình hình của ICA, ông Cường cho biết, giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp này đã hết hạn từ tháng 5-2010, ngoài ra chứng chỉ nhà khai thác (AOC) của hãng cũng đã hết hiệu lực, vì trong vòng 12 tháng không khai thác (ICA ngưng bay từ tháng 9-2009). Theo ông Cường, cục Hàng không đã có công văn yêu cầu ICA thanh toán nợ cho các đại lý và báo cáo cơ quan này trước 15-10, tuy nhiên cho đến nay ông Dũng vẫn bặt vô âm tín. “Cục Hàng không cũng như bộ Giao thông vận tải luôn mong muốn thị trường có nhiều đơn vị khai thác nhằm tạo sự cạnh tranh hơn cho ngành hàng không trong nước. Tuy nhiên, có vẻ như năng lực về tài chính cũng như điều hành của các hãng tư nhân còn nhiều hạn chế. Lúc mới ra hoạt động khá tốt, nhưng càng ngày càng lỗ và cuối cùng là phá sản”, ông Cường nhận định.

Theo SGTT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên