Để bảo đảm quyền lợi và lựa chọn phương thức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) của học sinh, sinh viên (HSSV), ngay từ đầu năm học 2022- 2023, công tác phối hợp giữa ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) và y tế được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương.
Bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương trao hoa và giấy khen cho các trường có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2021-2022
- Thưa bà, trong năm học 2022-2023, liên ngành GD-ĐT - BHXH - lao động - thương binh và xã hội tỉnh vừa ban hành Hướng dẫn thực hiện BHYT HSSV trên địa bàn tỉnh. Xin bà cho biết mức đóng và phương thức đóng như thế nào?
- Năm học 2022-2023 mức đóng BHYT HSSV bằng 4,5% nhân mức lương cơ sở, nhân với số tháng tham gia tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ BHYT. Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng. Mức đóng BHYT hàng tháng của HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, 70% còn lại HSSV tự đóng. Như vậy, số tiền HSSV tự đóng hàng tháng là 46.935 đồng. Phương thức đóng là HSSV đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng cho nhà trường mà HSSV đang học theo năm tài chính (từ ngày 1-1 đến ngày 31-12 trong năm).
Các cơ sở GD-ĐT trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH và các tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật BHYT để phụ huynh biết và có trách nhiệm bắt buộc tham gia BHYT ở trường học; tăng cường và có biện pháp vận động HSSV tham gia đóng, nộp tiền BHYT đầy đủ, đúng thời gian quy định, bảo đảm 100% số HSSV toàn trường tham gia BHYT.
- Khi tham gia BHYT, HSSV sẽ được hưởng các quyền lợi nào, thưa bà?
- HSSV khi tham gia BHYT được Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí mua BHYT. Bên cạnh đó, đối tượng này còn được hưởng những quyền lợi BHYT sau đây: Được lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu tại các bệnh viện quận, huyện và tương đương theo danh sách của cơ quan BHXH cung cấp hàng năm; được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường từ nguồn kinh phí của BHYT; được thanh toán 100% chi phí KCB nếu tổng chi phí KCB 1 lần thấp hơn 15% mức lương tối thiểu (điểm b khoản 1 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi bổ sung năm 2014); được thanh toán 80% chi phí KCB khi đi đúng tuyến, kể cả khi thực hiện KCB có dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn (nhưng không quá 40 tháng lương tối thiểu cho 1 lần sử dụng dịch vụ).
Trường hợp cấp cứu được khám và điều trị ở bất kỳ cơ sở KCB nào và xuất trình thẻ y tế thì được hưởng 80% chi phí KCB theo quy định (khoản 2 Điều 28 Luật BHYT sửa đổi bổ sung năm 2014). Các trường hợp đi KCB ở các cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT thì được thanh toán lại tại cơ quan BHXH nơi tham gia nhưng mức tối đa không vượt quá quy định của Nghị định số 146/2018/NĐ- CP ngày 17-10-2018.
- Thưa bà, phụ huynh có thể đăng ký BHYT cho con theo hộ gia đình được không? Những HSSV thuộc đối tượng nào được miễn giảm mức đóng?
- Theo quy định của Điều 12 Luật BHYT, có 25 đối tượng bắt buộc tham gia BHYT được chia thành 6 nhóm, cụ thể: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do cơ quan BHXH đóng; nhóm do ngân sách Nhà nước đóng; nhóm do ngân sách Nhà nước đóng (HSSV thuộc nhóm này); nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình; nhóm do người sử dụng lao động đóng. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật BHYT thì đóng theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của luật này.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, HSSV không tham gia BHYT theo hộ gia đình. Khi tham gia BHYT tại trường, HSSV được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng tương ứng với số tiền là 20.115 đồng/tháng, phần tự đóng là 46.935 đồng/ tháng. Các trường hợp miễn giảm khác thực hiện theo quy định hiện hành của luật.
- Năm học 2021-2022, mặc dù có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành BHXH và ngành GD-ĐT, tuy nhiên vẫn còn một số HSSV chưa tham gia BHYT, mặc dù đây là loại hình bắt buộc. Vậy để đạt mục tiêu đề ra, ngành BHXH sẽ tập trung vào những giải pháp gì, thưa bà?
- Thời gian qua, bám sát định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước, ngành BHXH Bình Dương đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển BHYT HSSV và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong năm học vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV trên địa bàn tỉnh có nơi vẫn chưa đạt tỷ lệ 100%.
Để đạt mục tiêu đề ra trong năm học 2022-2023, ngành BHXH đề ra các giải pháp cụ thể sau: Tiếp tục báo cáo, tham mưu và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chế độ, chính sách BHYT HSSV; phối hợp với các sở, ban ngành, các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để mọi người thấy được lợi ích và tính ưu việt của việc tham gia BHYT trong HSSV; đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT HSSV, đặc biệt là vào mỗi dịp đầu năm học mới.
Ngành phối hợp với Sở GD-ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí phục vụ cho công tác y tế trường học, trong đó có nguồn kinh phí KCB ban đầu được trích từ quỹ BHYT, bảo đảm tất cả HSSV đều được KCB ban đầu ngay tại trường học.
Định kỳ, lãnh đạo BHXH các huyện, thị, thành phố phối hợp với ngành GD-ĐT trực tiếp đến trường học có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT chưa đạt 100% để cùng với Ban Giám hiệu nhà trường đề ra giải pháp tuyên truyền, vận động học sinh tham gia BHYT; đồng thời kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh cụ thể tại từng trường.
Ngành cũng sẽ chủ động phối hợp với các trường hướng dẫn lập và gửi danh sách cấp thẻ BHYT HSSV theo hình thức giao dịch điện tử; kịp thời cấp thẻ BHYT đối với HSSV đầu cấp và gia hạn giá trị sử dụng thẻ BHYT đối với các nhóm tham gia còn lại. Ngoài ra, việc thu phí tham gia BHYT cũng được chia theo từng quý để giảm gánh nặng cho các em; vận động các doanh nghiệp, phụ huynh, giáo viên hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn…
- Xin cám ơn bà!
TƯỜNG VY - V.BƯỜM