Ngày 25-4, tại TP.HCM, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức hội nghị Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra quý 1-2011.
Tại hội nghị, VASEP đã đưa ra 4 giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2011 với chất lượng sản phẩm tăng, giá trị cao hơn so với trước đây. Đó là tăng giá xuất khẩu trung bình của cá tra Việt Nam; ổn định sản lượng nguyên liệu đảm bảo cung cầu; tăng cường quản lý chất lượng trong nuôi trồng và chế biến xuất khẩu; đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại cá tra Việt Nam.
Theo thống kê của VASEP, giá xuất khẩu bình quân trong quý 1-2011 là 2,54 USD/kg, tăng 20% so với giá trung bình của năm 2010 (2,14 USD/kg). Trong khi đó, mức tăng chi phí sản xuất cũng như sự gia tăng của giá nguyên liệu trong năm nay sẽ tiếp tục cao, do đó VASEP đề nghị thống nhất giá sàn xuất khẩu cá tra từ nay tới cuối năm 2011 là 3,2 USD/kg.
Chế biến cá ba sa xuất khẩu tại Công ty QVD.
Đối với giải pháp ổn định sản lượng nguyên liệu, một khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu cá tra hiện nay, VASEP cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với khả năng tài chính và xuất khẩu thông qua các hình thức tự nuôi, nuôi gia công, hợp đồng liên kết với người nuôi.
VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT siết chặt quy hoạch nuôi cá và ổn định sản lượng cá tra nguyên liệu cho xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn; quy hoạch sản xuất con giống tốt phục vụ nhu cầu nuôi với mức giá ổn định.
Về giải pháp tăng cường quản lý chất lượng, VASEP thống nhất, sản phẩm xuất khẩu cần được thống nhất về tên gọi và ghi nhãn; các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về việc sử dụng các loại hóa chất trong quá trình chăn nuôi và chế biến.
Riêng đối với giải pháp tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại cá tra, VASEP đề nghị Bộ NN-PTNT cho phép thành lập “Quỹ phát triển xuất khẩu cá tra Việt Nam” với mức đóng góp vào quỹ đề xuất là 10 USD/tấn cá xuất khẩu để dành cho việc chi phí quảng bá, tiếp thị sản phẩm và xúc tiến thương mại.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương cũng đồng tình về các giải pháp nêu trên. Theo Thứ trưởng, để thoát khỏi tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra trầm trọng như hiện nay, doanh nghiệp nên tự nuôi cá, tiến tới chủ động được khoảng 30% nguyên liệu. Đồng thời, trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng mạnh, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới tiết kiệm, chống lãng phí trong quá trình sản xuất để hạ giá thành sản phẩm.
Quý 1-2011, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 153.062 tấn với giá trị 376,430 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2010 đã tăng 21,6% về giá trị trong khi khối lượng chỉ tăng 5,2%.
Theo nhận định của VASEP, giá cá tra không có khả năng sụt giảm và có thể sẽ tăng thêm khoảng 10% cho tới vụ hè vì các thị trường nhập khẩu cá tra trên thế giới bắt đầu chấp nhận mức giá chào cao từ Việt Nam.
Dự kiến sản lượng nguyên liệu năm 2011 chỉ đạt khoảng 800.000 tấn cho xuất khẩu, lượng nguyên liệu từ nay đến cuối năm dao động khoảng 500.000 tấn và có dấu hiệu thiếu hụt mạnh trong quý 3, sẽ phục hồi mạnh trở lại trong quý 4 năm nay.
Theo SGGP