Ngày 27-6, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có thông báo về việc không tuyển dụng, thuyên chuyển công tác, tiếp nhận viên chức ngoài tỉnh năm học 2018-2019. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn bà Nguyễn Hồng Sáng , Giám đốc Sở GD-ĐT.
- Thưa bà, hàng năm các trường trên địa bàn tỉnh tăng hàng chục ngàn học sinh (HS), đòi hỏi số giáo viên (GV) tăng thêm để bảo đảm nhu cầu giảng dạy cho các trường trên địa bàn tỉnh tăng hàng chục ngàn học sinh (HS), đòi hỏi số giáo viên (GV) tăng thêm để bảo đảm nhu cầu giảng dạy cho các trường. Năm học 2018-2019, một số tỉnh, thành lân cận có thực hiện xét tuyển viên chức ngành giáo dục, riêng Bình Dương vì sao không thực hiện xét tuyển?
- Thực hiện Công văn số 94/BNV-TCBC ngày 8-1-2018 của Bộ Nội vụ về việc thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Bình Dương năm 2018 và Công văn số 1139/BNV-TCBC ngày 21-3-2018 của Bộ Nội vụ về việc thẩm định bổ sung số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Bình Dương năm 2018; theo đó, Bộ Nội vụ không thẩm định bổ sung biên chế năm 2018 cho tỉnh Bình Dương. Do vậy, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Dương chưa có chủ trương về việc tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT cho năm học 2018-2019 và Sở GD-ĐT đã ban hành Công văn số 1114/SGDĐT-TCCB ngày 27-6 về việc thông báo không tuyển dụng, thuyên chuyển công tác, tiếp nhận viên chức ngoài tỉnh năm học 2018-2019.
- Hàng năm tỉnh tuyển mới khoảng 1.000 GV nhưng có nơi vẫn còn thiếu GV. Năm nay không tuyển bổ sung, vậy ngành có hướng bố trí, sắp xếp như thế nào, thưa bà?
- Để chuẩn bị cho năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn về rà soát, xây dựng kế hoạch biên chế theo các quy định hiện hành.
Thực hiện Công văn số 2857/UBND-VX ngày 26-6-2018 của UBND tỉnh Bình Dương về việc tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT đã ban hành Công văn số 1118/SGDĐT-TCCB ngày 27-6-2018 về việc rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ công chức, viên chức, người lao động năm học 2018-2019. Theo đó, trong khi chờ cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về tình hình biên chế, Sở GD-ĐT đề nghị trưởng phòng GD-ĐT huyện, thị, thành phố tham mưu lãnh đạo địa phương thực hiện một số nội dung, như: Khẩn trương tính toán lại thật kỹ số lớp, số học sinh/lớp dự kiến trong năm học 2018-2019 theo quy định, phù hợp với tình hình từng địa phương; tiếp tục rà soát biên chế của từng đơn vị, từng cấp học, thực hiện việc điều động viên chức từ đơn vị này sang đơn vị khác và bố trí công việc phù hợp vị trí việc làm để cân đối biên chế trong toàn ngành GD-ĐT huyện, thị, thành phố, tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các đơn vị trong cùng môn học, cấp học. Các phòng GD-ĐT cũng xem xét, từng bước giải quyết cho những viên chức không trực tiếp giảng dạy được chuyển ra dạy lớp theo hướng dẫn tại Công văn số 1732/SGDĐT-TCCB ngày 22-9-2017 của Sở GD-ĐT về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện chuyển đổi những chức danh địa phương sang các chức danh theo quy định của Trung ương; tính toán và dự kiến các phương án về phân công GV dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng theo quy định nhằm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ năm học đề ra…
- Vậy theo bà các phương án bố trí GV như các phòng GD-ĐT đã tính toán liệu có khả thi không?
- Sở GD-ĐT đã thành lập 3 đoàn công tác làm việc với các phòng GD-ĐT và các trường THPT, trung tâm GDTX. Hiện tại, các phòng GD-ĐT đang tiếp tục thực hiện rà soát nhân sự từng đơn vị trực thuộc, đồng thời tích cực thực hiện các giải pháp theo quy định, hướng dẫn của sở, phù hợp tình hình thực tế để tính toán nhân sự phục vụ cho năm học mới.
- Thưa bà, ở các trường phía nam thiếu GV, trong khi các huyện phía bắc số HS hàng năm ổn định, vậy những nơi này có thừa không, ngành có phương án điều chuyển GV về giảng dạy ở các thị xã, thành phố?
- Qua xem xét tình hình kế hoạch biên chế cho năm học 2018-2019 và làm việc thực tế tại các đơn vị trên địa bàn huyện, thị, thành phố còn thiếu GV do số HS tăng, nhất là các đơn vị ở địa phương có nhiều khu cụm công nghiệp. Tuy nhiên, tại một vài đơn vị, do tình hình giảm HS nên cũng có thừa một số ít GV. Chính vì vậy, Sở GD-ĐT đã yêu cầu rà soát, điều chuyển, cân đối GV của các đơn vị trong từng huyện, thị, thành phố như đã nêu trên.
- Trường hợp các phòng GD-ĐT đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng vẫn thiếu GV, vậy ngành có hướng giải quyết như thế nào để bảo đảm hoạt động giảng dạy ở các trường nhằm giữ vững được chất lượng giáo dục, thưa bà?
- Chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh Bình Dương trong những năm qua từng bước được nâng lên, một trong những yếu tố quan trọng để có thành tích đó là nhờ sự quan tâm, phát triển cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ thầy, cô giáo và cán bộ quản lý.
Thực hiện Công văn số 2857/UBND-VX ngày 26-6-2018 của UBND tỉnh Bình Dương về việc tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT năm học 2018-2019, trong quá trình các đơn vị thực hiện các giải pháp như đã nêu trên, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Sở GD-ĐT để phối hợp Sở Nội vụ trình UBND tỉnh xem xét.
- Xin cảm ơn bà!
HỒNG THÁI (thực hiện)
GƯƠNG SÁNG GIÁO DỤC